Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

THỜ CÚNG TỔ TIÊN


Trong bài này tác giả bàn đến nguồn gốc của phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam và trình bày chữ hiếu theo Thánh Kinh.
I. DẪN NHẬP:

Việt Nam là một dân tộc giàu tình cảm, trọng lễ nghĩa, sống hướng nội, thường giải quyết các vấn đề theo cảm tính hơn lý trí. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một trong những đức tính đáng trân trọng của dân tộc Việt. Người Việt có khuynh hướng nhìn lại quá khứ và nuối tiếc dĩ vãng nhiều hơn hướng đến tương lai như người phương Tây. Vì thế người Việt thường lưu giữ mãi những tình cảm thương tiếc đối với ông bà cha mẹ quá cố.
Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời trên căn bản này và được đa số người Việt xem gần như một tôn giáo, gọi là đạo Thờ cúng Ông Bà.


II. NGUỒN GỐC:


Người ta không thể xác định được tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt bắt đầu xuất hiện từ lúc nào. Nhưng tục lệ này đã được duy trì và truyền đời trải qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có thể xuất phát từ hai nguồn gốc: Tô-tem giáo và Nho giáo.

Nguồn gốc Tô-tem giáo:

Tô-tem giáo là một tín ngưỡng của người nguyên thủy, hình thành trong bối cảnh xã hội còn hoang sơ. Vào thời kỳ này, loài người còn sơ khai, sự hiểu biết về thế giới khách quan chưa nhiều; con người chưa đủ tri thức để nhận biết sự khác biệt giữa mình với các loài động, thực vật khác trong thiên nhiên. Họ mưu sinh bằng những phương thức thô sơ như săn bắt thú rừng, nhặt hoặc hái quả trên cây để ăn. Sự non nớt trong nhận thức này đã đưa con người đến một khái niệm rất sai lầm về nguồn gốc của mình. Người nguyên thủy nghĩ rằng mình có quan hệ huyết thống với một loài động, thực vật nào đó và họ xem chúng như tổ tiên của mình và thờ cúng động, thực vật ấy. Đây là hình thức thờ Vật tổ.
Bắt nguồn từ nhận thức sai lầm trên, tôn giáo của xã hội thị tộc bộ lạc ra đời, đó là Tô-tem giáo. Mỗi thị tộc bộ lạc, tùy theo quan điểm riêng, thờ cúng một loại động, thực vật khác nhau. Ví dụ: Vật tổ của người Việt là chim lạc (truyền thuyết Lạc Long quân); Vật tổ của người Hán là con rắn (long); Vật tổ của người La Mã và người Liêu là chó sói, v.v. Tuy rằng các đối tượng thờ cúng của mỗi thị tộc bộ lạc đều khác biệt nhau, nhưng đều trong cùng một ý niệm thờ Vật tổ.

Tô-tem giáo là hình thức điển hình cho tôn giáo nguyên thủy. Trong Tô-tem giáo, người ta tin rằng linh hồn người chết tồn tại trong một thế giới khác, vì thế người chết cũng cần dùng những vật dụng sinh hoạt như người sống. Do đó khi trong gia đình có người chết, những người sống phải thực hiện nghĩa vụ phân chia tài sản cho người chết. Những đồ dùng cho sinh hoạt cá nhân của người chết và tài sản mang theo không chôn dưới đất mà được để cạnh mộ phần.
2 - Nguồn gốc Nho giáo:

Dân tộc Việt hình thành trong một khu vực địa lý đặc biệt, nằm giữa miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung quốc. Do đó, người Việt từ xa xưa đã học chữ Trung Quốc, đọc sách Trung quốc và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo.
Khổng Tử, một nhà hiền triết của Trung quốc, hệ thống hóa và phát huy học thuyết của Nho gia, lập ra những qui tắc để răn dạy người đời học biết cách sống phù hợp với luân thường đạo lý trong xã hội. Triết lý về xử thế, giáo dục đạo đức con người được Khổng Tử xem như phần quan trọng nhất. Chữ “hiếu” trong đạo “nhân” của Khổng Tử được đặt làm nền móng cho Khổng giáo. Từ đó hình thành nên một tôn giáo gọi là Khổng giáo hay Nho giáo.

Khổng Tử quan niệm: Đối với cha, mẹ và anh chị em, ta phải kính yêu, vì họ là những người gần gũi và thân thiết nhất của chúng ta. Đối với tha nhân, chúng ta lấy lòng từ ái, khoan nhượng mà đối xử với nhau. Đạo làm người trong Khổng Giáo lấy việc hiếu thuận làm đầu và khởi sự với hai từ: “Yêu” và “kính”. Khởi đầu là kính yêu cha mẹ, kính nể huynh trưởng của mình. Một người được gọi là hiếu khi người ấy biết dưỡng nuôi song thân khi người cần đến. Lúc cha mẹ còn sống, phải yêu, và kính cha mẹ, không làm những việc gây tổn hại đến thanh danh của cha mẹ.

Từ quan niệm hiếu trong Khổng giáo, người Việt tiếp nhận và thể hiện qua cái bàn thờ tổ tiên. Người Việt cô đơn, nhỏ bé trong vũ trụ bao la, khiếp sợ trước sức mạnh của thiên nhiên, nên tìm cầu một Đấng Thần linh để mong nhờ sự che chở bảo vệ. Nhưng vì tầm nhìn bị giới hạn trong thể xác vật lý, loài người lại còn đang trong giai đoạn sơ khai, trí óc chưa phát triển, mắt vật lý của loài người không thể nhìn thấy được những gì khác hơn ngoài khoảng không gian bao la vây phủ chung quanh mình. Nhìn lên trên, chỉ thấy bầu trời cao vời vợi; nhìn xuống chân, cũng chỉ thấy được mặt đất mênh mông. Lại chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo, nên người Việt chọn cách gửi gắm tâm tư tình cảm và sự trông cậy của mình vào ông bà cha mẹ đã khuất và mong chờ ở họ sự phù hộ độ trì qua việc thờ cúng tổ tiên. Do ảnh hưởng của Khổng giáo, người Việt xem chữ “hiếu” như là một chuẩn mực đạo đức và là một nguyên tắc trong đạo lý làm người. Trải qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau, người Việt đã thể hiện việc hiếu đạo thành một tập tục gọi là thờ cúng tổ tiên.



Xã hội Việt Nam là một xã hội theo chế độ thị tộc phụ quyền; vai trò của người đàn ông chiếm giữ một vị trí rất quan trọng trong gia đình, điều này thể hiện rõ nét trong đại đa số các gia đình của người Việt. Mặc dù xã hội đã tiến bộ hơn trước rất nhiều, khẩu hiệu “nam nữ bình quyền” thường xuyên được nhắc đến. Nhưng trong thực tế tại Việt nam, trong gia đình, cũng như ngoài xã hội, người đàn ông vẫn chiếm giữ được nhiều ưu thế hơn người phụ nữ. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn bàng bạc trong xã hội Việt Nam: đa số người Việt đều vẫn chuộng có con trai để nối dõi tông đường hơn là có con gái (vì quan điểm “nữ sanh ngoại tộc”). Người con trai trưởng mang họ cha sẽ là người kế tục sự nghiệp của cha ông để lại, được thừa hưởng phần tài sản gọi là hương hỏa, kèm theo trách nhiệm duy trì và tiếp nối tập tục thờ cúng tổ tiên của dòng họ. Đối với những gia đình có truyền thống Nho học, quyền hạn của người trưởng tộc, người chủ gia đình hay con trưởng nam rất được tôn trọng. Tất cả những thành viên trong gia đình có bổn phận phục tùng và chấp hành những quyết định của người trưởng tộc, người chủ gia đình hoặc của người con trai trưởng. Cảm giác tùng phục gần như khiếp sợ này khắc sâu trong tâm trí của người Việt, vì thế tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt cứ như thế mà lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Trải qua nhiều thế hệ, người Việt hệ thống hóa dần dần tập tục thờ cúng tổ tiên và xem tập tục này gần như là một tôn giáo. Bất cứ người Việt nào, nếu không có tôn giáo nào khác, khi được hỏi đến đều cho rằng mình theo đạo thờ cúng ông bà! 
 




III. ƯU KHUYẾT ĐIỂM:

Khổng tử dạy hiếu để với mục đích giúp người ta tu sửa tâm tính ngay thẳng, trung thực, hoàn toàn không mang ý nghĩa thần thánh hóa tổ tiên của mình và thờ cúng như thờ Trời. Người Việt ta đã gắn thêm ý nghĩa “thần thánh” cho tổ tiên để khấn vái, cầu tự khi ông bà cha mẹ qua đời. Ý niệm “thờ cha mẹ” trong việc dạy hiếu đạo của Khổng Giáo hàm ý phục tùng, nhưng phục tùng theo lẽ phải chứ không phải phục tùng một cách mù quáng không phân biệt đúng sai! Thờ một cách hợp lý, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mỗi người: “Xứng gia chi hữu vô” (có nghĩa là vừa sức nhà giàu nhà nghèo mà làm cho hợp lý). Lấy lễ thờ cha mẹ không có nghĩa thực hiện cả những ý muốn sai quấy của cha mẹ. Nếu cha mẹ làm điều sai trái, thì phải biết can ngăn với thái độ ôn hòa, lễ độ giúp cha mẹ nhận biết điều sai mà quay về đường ngay nẻo chính. Như thế là để bảo toàn danh tiết cho cha mẹ, đấy mới thật sự là hiếu! Người có hiếu là người biết nối tiếp chí hướng của song thân, biết chọn lựa những gì ưu việt của cha mẹ để phát huy và duy trì tiếp nối sự nghiệp của họ, điều gì kém cỏi, không kết quả thì cần loại bỏ và thay thế, không phải cứ khư khư ôm giữ lấy tất cả những gì cha ông để lại bất chấp hay, dở, tốt, xấu thì mới được xem là hiếu.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ ý muốn thực hiện lời dạy dỗ của Khổng Tử, lấy chữ “hiếu” làm đầu, nhưng lại bị biến hóa thành hủ tục rườm rà, phiền toái đánh mất đi sự giản dị và trong sáng của việc thể hiện chữ “hiếu.” “Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi giã” của Khổng tử nghĩa là: kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc đã chết như khi đang còn sống, lúc mất rồi cũng như lúc hãy còn, ấy là hiếu đến rất mực vậy (Trung dung). Người Việt đã hiểu sai nghĩa câu ”Sự tự như sự sinh, sự vong như sự tồn” mà xem tổ tiên, ông bà cha mẹ như những người sống có thể xác vật lý thực sự, lại còn thần thánh hóa ông bà cha mẹ mình để mong cầu sự độ trì!



Khổng Giáo không nói xem người chết như người sống theo nghĩa đen, có nghĩa là họ cũng cần ăn, cần uống và cũng có nhu cầu sinh hoạt như người sống! Chữ “Thờ cha mẹ” trong Khổng Giáo chỉ có ý nghĩa: Yêu và Kính. Nếu chúng ta có yêu và kính cha mẹ chúng ta, từ đó chúng ta cũng sẽ phải yêu mến và tôn trọng những người cha mẹ chúng ta đã yêu mến và tôn trọng, cho dù cha mẹ chúng ta đã không còn hiện diện trên thế gian nữa. Đấy mới là ý nghĩa thực của “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Ấy mới thật sự là hiếu!

Bản tính người dân Việt vốn thật thà, chất phác, vì thế niềm tin của người Việt cũng đơn sơ và mộc mạc. Họ lưu giữ hình ảnh và ký ức cũa những người thân quá cố qua việc lập ra cái bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình, vì họ tin rằng người sống và người chết đều có những nhu cầu sinh hoạt như nhau, người sống cần nhà ở, thì người chết cũng cần một nơi cho linh hồn nương náu. Bàn thờ tổ tiên chiếm ngự tại một nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mỗi gia đình người Việt và được người Việt xem như một nơi linh thiêng, không thể thiếu vắng trong gia đình, bàn thờ tổ tiên cũng là nơi để người sống duy trì mối liên lạc với những người thân quá cố.

Nơi dân tộc Việt, người chết vẫn được người sống dành cho những đặc quyền như khi còn sống. Vào những ngày lễ trọng đại trong năm như ngày đầu năm mới (Tết), ngày sinh, ngày mất (gọi là kỵ nhật), v.v. hoặc mỗi khi trong gia đình xảy ra những sự việc trọng đại, người Việt đều không quên việc thắp vài nén hương gọi là cho ấm bàn thờ tổ tiên. Như trong việc cưới xin, khi con dâu mới, hoặc con rể mới đến nhập gia, đều phải đến trước bàn thờ làm lễ Gia tiên để ra mắt tổ tiên. Lễ Gia tiên là một thủ tục bắt buộc phải có trong những đám cưới, gả của hầu hết những gia đình người Việt. Thờ cúng tổ tiên 4

Tập tục thờ cúng tổ tiên thể hiện được tính nhân văn của dân tộc Việt, những người đã khuất không bị lãng quên trong tâm tưởng của những người còn lại, chứng tỏ dân tộc Việt là một dân tộc đặc biệt mang trong máu một thứ tình cảm không thể tìm thấy ở các dân tộc châu Âu.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng còn có mặt ưu là duy trì được tình thân trong quan hệ thân tộc. Những ngày lễ, ngày tết hoặc ngày kỹ niệm một người thân qua đời, là những dịp để con cháu ở các nơi khác hội tụ lại, cùng nhau gặp gỡ hàn huyên để kết chặt mối thâm tình, đồng thời thăm nom an ủi ông bà cha mẹ, nếu như họ còn sống. Đây là một việc làm thiết thực và cao quý nhất trong việc thể hiện chữ hiếu của một dân tộc giàu tình cảm như người Việt.

Song song với những mặt ưu, vẫn có những mặt khuyết như: Xem người chết như những vị thần bảo hộ, che chở cho mình và đặt ra những hình thức cúng bái lễ lạc rườm rà đượm mùi mê tín. Đây là một một ý niệm hư ảo hoang đường và phản khoa học. Người sống có thể xác vật lý nên có nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt. Người sống cần tiền để trang trải cho những chi phí trong sinh hoạt thường nhật. Người chết không có sự sống nên xác thân phải bị vùi chôn dưới ba tấc đất để nhận chịu sự phân hủy, và trở về với cát bụi. Thể còn lại chỉ là linh khí, không ăn, không uống, không nói, không cười, không biểu lộ được cảm xúc, và cũng không sinh hoạt hành động như người sống.

Như thế thì người chết có năng lực gì để phò hộ độ trì cho con cháu? Nếu chúng ta tin rằng tất cả những người sau khi chết đều biến thành thần và còn có khả năng che chở bảo hộ cho con cháu, thì tại sao người ta lại khiếp sợ khi phải đối mặt với cái chết? Dù ai cũng biết rằng, theo quy luật sinh tử, đích đến cuối cùng của cuộc đời mỗi con người sẽ là cái chết, nhưng ai ai cũng đều muốn sống và sợ chết! Nếu biết chết mà thành thần và có quyền phép độ trì cho con cháu thì, tại sao người ta lại sợ chết?

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là một loại hình tín ngưỡng dân gian đậm tính nhân bản, tuy có mặt tích cực về phương diện đạo đức làm người và là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt, nhưng ngược lại cũng bộc lộ sự mê tín, huyễn hoặc, khi tin rằng tổ tiên đã chết có quyền lực che chở phù hộ cho con cháu. Tập tục này cũng gây nhiều khó khăn và hao phí tiền của, công sức của con cháu. Vì trong thực tế, trong một xã hội văn minh như hiện nay, ai ai cũng đều hiểu người chết không thể về ăn những mâm cỗ cúng của con cháu. Làm giỗ cũng có khi chỉ là để “trả nợ miệng” cho nhau và cũng để không bị miệng đời đàm tiếu cho rằng con cháu bất hiếu để cho ông bà tổ tiên phải đói lạnh!

Việc cúng giỗ, đôi khi cũng phát sinh thêm những sự việc ngoài ý muốn như: quá chén trong khi ăn uống sinh ra ra cải vã làm mất hòa khí, dẫn đến những hành vi mất tự chủ như: đánh nhau, chém giết nhau, v.v. Những việc bất kính như thế chỉ gây thêm phần tủi hổ cho vong linh của ông bà tổ tiên mà thôi. Những sự việc kể trên, trong thực tế, đã có xảy ra trong những đám cúng giỗ ông bà cha mẹ của người Việt.

Thêm nữa, những gia đình giàu có thường đặt hàng để được người ta làm cho những món đồ hàng mã rất tinh vi, có hình thức và kích thước trông giống thật như: xe máy, nhà lầu, biệt thự sân vườn, ô tô, v.v. Những đồ hàng mã loại này có giá trị rất lớn, nhưng cũng chỉ dùng để đốt đi, theo như người ta tin là cho người thân mang theo xuống âm phủ để sử dụng (gọi là hóa vàng)! Việc làm này chỉ có ý nghĩa về mặt tâm lý nhưng lại quá lãng phí và còn mang thêm tội bất kính với ông bà tổ tiên, vì chúng ta đã xem khinh ông bà tổ tiên của mình là “ma” nên lừa đảo họ bằng những món đồ hàng giả! Thờ cúng tổ tiên 5

Tương tự như trên, việc sản xuất ra các loại giấy tiền (gọi là tiền âm phủ) và USD giả cùng với những tờ giấy màu vàng và màu bạc, tượng trưng cho vàng và bạc thật, để hóa vàng cho người chết trong lúc thực hiện tang lễ và cũng để mang rãi dọc theo trên đường đưa tang. Việc làm này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm mất vệ sinh đường phố lại còn phát sinh thêm việc phải làm cho những người làm công việc vệ sinh đường phố! Hơn nữa việc làm này lại còn rất phi lý vì mang tiền thật đem đổi lấy tiền giả chỉ để bỏ đi! Người đã thành tro bụi rồi thì còn dùng gì được những thứ của người sống như tiền, vàng, bạc, v.v? Kèm theo những việc làm vô ích như kể trên, người ta lại cũng còn gửi cả những tệ trạng của xã hội trên thế gian theo người chết như việc “hối lộ” cho ma quỷ cõi âm qua việc rải giấy tiền vàng bạc khi đưa tang.



Bên cạnh những nghi thức cúng bái cầu kỳ, rườm rà với đủ thứ hình thức lễ lạc gây tổn phí cho con cháu, một số gia đình ở các địa phương còn đua nhau việc trùng tu mồ mả ông bà với qui mô như một lăng tẩm với chi phí rất lớn. Việc làm này, chẳng những không nhận được sự đồng tình của nhiều người mà còn bị tiếng đời mỉa mai chê trách, cho rằng đây là một hình thức phô trương! Vừa lãng phí tiền của và công sức của con cháu, vừa phí phạm nhiều diện tích đất, đáng lẽ ra chỉ nên sử dụng cho những mục đích hữu ích và thực tế hơn. Những hủ tục vừa kể trên được truyền đời trải qua nhiều thế hệ, thế hệ sau cứ tiếp nối những thế hệ đi trước mà làm theo.

Thực chất, thờ cúng tổ tiên không thể được xem là một tôn giáo, mà đây chỉ là một loại tín ngưỡng dân gian, bắt nguồn từ sự thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu đối với ông bà, cha mẹ tổ tiên, cụ kỵ đã khuất. Vì trong tôn giáo không có khái niệm quốc gia, không có biên giới trong sự hiện hữu và tồn tại của con người. Mục tiêu của tôn giáo là phần đời sau cái chết thuộc thể, tôn giáo hoạt động có tổ chức, có hệ thống chặt chẽ, có trường lớp đào tạo cơ bản, có nơi chốn riêng để thực hành các nghi thức thờ phượng. Tôn giáo hoạt động trên lỉnh vực tâm linh, lấy đức tin làm chính. Đối tượng thờ tự của mỗi tôn giáo đều khác biệt nhau. Hậu quả của việc lầm lẫn xem tập tục thờ cúng tổ tiên gần như một tôn giáo đã đưa tâm trí người Việt tiến dần đến ảo tưởng: Tổ tiên có quyền lực trừng phạt hay độ trì cho con cháu.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt phản ảnh sự khiếm khuyết về mặt tinh thần, sự non nớt trong nhận thức, sự bất an trong cuộc sống, nỗi sợ hãi thiên nhiên của con người. Hơn nữa, tập tục này còn làm chậm tiến trình phát triển của nền kinh tế nước nhà, trong khi đất nước Việt Nam đang trên đà vươn đến một xã hội văn minh hiện đại, để nhanh chóng bắt kịp đà phát triễn của thế giới trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay. Bên cạnh đó, tập tục này cũng gây nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt, vì ép buộc con cháu phải duy trì và tuân thủ nhiều hủ tục không còn thích hợp trong thời đại công nghệ khoa học hiện đại.




IV. CHỮ HIẾU TRONG NIỀM TIN CƠ ĐỐC:

Trong đạo Tin lành, Cơ đốc nhân bày tỏ tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ qua thực hiện những việc làm cụ thể như sau:

- Nếu ông bà cha mẹ là người chưa biết Chúa, hướng dẫn ông bà cha mẹ tin nhận Chúa, để linh hồn được cứu.
- Quan tâm chăm sóc về thể xác và tinh thần cho ông bà cha mẹ khi họ còn sống.
- Đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống cho ông bà cha mẹ.
- Khi ông bà cha mẹ qua đời, phải lo tang lễ và chôn cất chu đáo, chăm nom mộ phần để phát hiện những hư hỏng và sửa chửa kịp thời.
- Thực hiện một nếp sống đạo đức tốt đẹp để lưu danh tiếng tốt cho ông bà cha mẹ.

Đây là một mạng lịnh của Đức Chúa Trời ban hành cho loài người qui định trong điều răn thứ năm trong Kinh thánh Cựu ước của Cơ đốc giáo và là điều răn duy nhất có lời hứa kèm theo: Được sống lâu và có phước trên đất.
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có phán dặn, hầu cho ngươi được sống lâu và có phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” (Phục-Truyền-Luật-Lê-Ký 5:16)

Đức Chúa Trời cũng dạy con cái phải tôn kính và vâng phục cha mẹ mình:

“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6:1–3)

“Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (Cô-lô-se 3:20)

Tôn kính vâng phục đang khi cha mẹ còn sống. Khi cha mẹ qua đời, Cơ đốc nhân không lập bàn thờ để thờ. Vì Cơ đốc nhân chỉ thờ Đức Chúa Trời chứ không thờ lạy tạo vật của Đấng Tạo Hóa. Cơ đốc nhân không phong “thần” cho ông bà cha mẹ mình để cúng bái thờ tự và cũng không thể cầu vấn được điều gì nơi họ cả. Vì Cơ đốc nhân được Kinh thánh mạc khải: Loài người được Đức Chúa Trời tạo dựng ra từ bụi đất:

“Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng-thế-ký 2:7)

Vì loài người là từ bụi đất mà ra, cho nên sau chết đi, thể xác hư hoại và lại trở về với bụi đất như Đức Chúa Trời đã phán:
“. . . . cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.”(Sáng-thế-ký 3:19)

Kinh thánh mạc khải: Tổ tiên thực sự của loài người do Đức Chúa Trời tạo dựng nên từ tình yêu của Ngài. Như vậy, tất cả loài người đều có cùng chung một Tổ tiên cao nhất, là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ: Đó chính là Đức Chúa Trời của Cơ Đốc Giáo.

“Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ." (Sáng-thế-ký 1:27)

Do vậy, Cơ đốc nhân chỉ thờ tự duy nhất Đức Chúa Trời, là Tổ tiên cao nhất của loài người và của cả vũ trụ. Vì Đức Chúa Trời là Thần, nên thờ lạy Ngài không cần lập bàn thờ, chúng ta chỉ cần lấy hết tâm thần của mình để thờ:

“Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24)

Ngoài Đức Chúa Trời ra, Cơ đốc nhân tuân theo mạng lịnh của Ngài, không thờ lạy bất cứ một tạo vật nào khác của Ngài:

“Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.” (Phục-Truyền-Luật-Lệ-Ký 5:7)
V/ - KẾT LUẬN:

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, xuất phát từ tình cảm thương yêu tiếc nhớ những người thân đã mất. Đây là một truyền thống tốt đẹp và cao quý của dân tộc Việt, rất đáng trân trọng và cần lưu giữ. Tuy nhiên, niềm tin vong hồn người chết còn hiện hữu quanh quẩn trên mặt đất để phò hộ độ trì cho con cháu chỉ là một ảo tưởng, rất sai lầm, niềm tin này đã khiến cho người Việt trở nên mơ hồ và lầm lạc trong hư không. Ông bà cha mẹ của chúng ta cũng đều chỉ là những vật thọ tạo của Thờ cúng tổ tiên.


Đấng Tạo Hóa, “bị” chúng ta gắn cho cái “danh hiệu” THẦN để thờ tự cầu vấn, điều này có hợp lý không?

Niềm tin tưởng này có vô căn cứ và phản khoa học không? có còn phù hợp với một xã hội đang trên đà phát triển để có một nền công nghệ và khoa học kỹ thuật hiện đại như nước Việt Nam của chúng ta hiện nay?


Và niềm tin tưởng này vô căn cứ và phản khoa học, không phù hợp với một xã hội đang trên đà phát triển để có một nền công nghệ và khoa học kỹ thuật hiện đại như nước Việt Nam của chúng ta hiện nay.



Hoa Thiên Lý