Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

SỰ THÁNH HÓA

Trong ba quyển trước, chúng tôi đã bàn đến ba mươi đề tài liên quan đến những vấn đề giữa Đức Chúa Trời và chúng ta, giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Trong quyển bốn này, chúng ta vẫn cần có một cái nhìn tổng quát về sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời. Trước hết chúng ta sẽ xem xét cách vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời; sau đó chúng ta sẽ xem xét những phương diện khác nhau của sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời. Theo sự khải thị thiên thượng trong Kinh Thánh, rõ ràng có ba bước tạo nên cách vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời.
I. SỰ THÁNH HÓA CỦA THÁNH LINH
1) “Theo sự biết trước của Đức Chúa Trời là Cha, và trong sự nên thánh củaThánh Linh, để đạt đến sự vâng phục và sự rảy huyết của Giê-su Christ” (1 Phi-e-rơ 1:2).
Lời này cho chúng ta thấy cách Đức Chúa Trời Tam Nhất làm cho sự cứu rỗi của Ngài đến với chúng ta: Đức Chúa Cha lựa chọn chúng ta theo sự biết trước của Ngài, và Đức Chúa Linh thánh hóa chúng ta để chúng ta nhận được sự cứu chuộc của Đức Chúa Con, mà ở đây được biểu thị bằng huyết của Đấng Christ. Theo kinh nghiệm của chúng ta về sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời, sự thánh hóa của Đức Chúa Linh là bước đầu tiên trong việc chúng ta vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Cha lựa chọn chúng ta trong cõi quá khứ đời đời theo sự biết trước của Ngài. Kế đến, sau khi chúng ta được sinh ra, Đức Chúa Linh đến để thánh hóa chúng ta khỏi thế gian, theo sự lựa chọn của Cha, để chúng ta có thể vui hưởng sự cứu chuộc của Đức Chúa Con. Vì vậy, sự thánh hóa của Đức Chúa Linh trở nên bước thứ nhất trong việc chúng ta vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên không phải chúng ta tự đi bước này, mà đó là công tác của Đức Chúa Linh.
Sự thánh hóa của Đức Chúa Linh phân rẽ chúng ta khỏi thế gian để chúng ta được thuộc về Đức Chúa Trời và vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Ngài. Sự thánh hóa này trong chúng ta được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn để chúng ta ăn năn, giai đoạn hai để chúng ta được xưng công chính, giai đoạn ba để chúng ta được biến đổi. Như vậy Đức Chúa Linh đến để phân rẽ chúng ta, đưa chúng ta đến chỗ ăn năn theo sự lựa chọn của Đức Chúa Cha trong cõi đời đời là giai đoạn đầu của việc Ngài thực hiện sự thánh hóa trọn vẹn trong chúng ta. Trong giai đoạn đầu của sự thánh hóa này, Ngài soi sáng chúng ta, làm cho chúng ta bị cáo trách về tội (Giăng 16:8), để tỉnh ngộ (Lu 15:17), và ăn năn quay lại với Đức Chúa Trời (Công 26:20).
II. SỰ ĂN NĂN CỦA CHÚNG TA
1) “Hãy ăn năn và tin Tin-lành [hay phúc-âm]” (Mác 1:15).
Lời này bày tỏ cho chúng ta rằng để vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời, chúng ta phải ăn năn và tin phúc-âm; tức là, chúng ta phải nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Vì vậy sự ăn năn của chúng ta là bước thứ hai trong việc vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời.
2) “Thắp đèn, quét nhà, kiếm kỹ càng... một tội nhân ăn năn... tỉnh ngộ” (Lu-ca 15:8, 10, 17).
Trong những câu này, thắp đèn, quét nhà, và tìm tòi cẩn thận có nghĩa là, vào lúc chúng ta nghe phúc-âm, Đức Chúa Linh (tức Thánh Linh, Đấng thánh hóa chúng ta) soi sáng chúng ta ở bề trong và tìm ra từng tội một của chúng ta, để chúng ta biết được tội lỗi mình và ăn năn. Như vậy, những câu Kinh Thánh này cho chúng ta thấy nhờ sự soi sáng và dò xét của Thánh Linh trong chúng ta mà tội nhân chúng ta tỉnh ngộ và ăn năn. Thánh Linh soi sáng và dò xét ở bề trong chúng ta để thánh hóa chúng ta khỏi thế gian và làm cho chúng ta quay qua Chúa, nhận được sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời. Do đó, sự thánh hóa của Thánh Linh là bước đầu trong việc nhận lãnh sự cứu rỗi, và sự ăn năn của chúng ta là bước thứ hai.
3) “Phải ăn năn, trở lại cùng Đức Chúa Trời” (Công-vụ 26:20).
Sự ăn năn trong nguyên văn có nghĩa là một sự thay đổi của tâm trí, sinh ra sự hối tiếc, do đó dẫn đến kết quả là thay đổi mục tiêu. Chúng ta ăn năn và tin vào Chúa vì sau khi nghe phúc-âm, tâm trí chúng ta được thánh hóa bởi Thánh Linh thì hối hận bèn thay đổi, chuyển hướng quay về Đức Chúa Trời để nhận Ngài làm mục tiêu trong mọi sự.
4) “Rao giảng... sự ăn năn... Hãy dọn đường Chúa, làm thẳng các nẻo Ngài. Mỗi trũng phải lấp đầy, mỗi núi mỗi gò phải ban xuống, chỗ cong quẹo phải nên ngay thẳng, đường gập ghềnh phải nên bằng phẳng,... sẽ thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời” (Lu-ca 3:3-6).
Nhờ được làm cho ngay thẳng và bằng phẳng nhiều trong lòng mình mà chúng ta nhìn thấy (tức là sở hữu) sự ăn năn trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thung lũng, núi non, những nơi cong quẹo và những chỗ gập ghềnh là những mỹ từ pháp mô tả tình trạng của lòng người đối với Đức Chúa Trời, đối với nhau và những mối quan hệ giữa vòng loài người. Khi chúng ta ăn năn và tin Chúa, sự ăn năn của chúng ta làm cho mọi chỗ cong quẹo được ngay thẳng, những chỗ gập ghềnh trong lòng chúng ta được lấp đầy, làm cho toàn bản thể chúng ta được ngay thẳng và bằng phẳng để Đức Chúa Trời đến thực hiện sự cứu rỗi đầy trọn của Ngài.
III. CHÚNG TA TIN VÀ CHỊU BÁP-TÊM
A. Tin
1) “Hãy ăn năn và tin Tin-lành” (Mác 1:15). Lời này cho thấy để có thể vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời, chúng ta phải ăn năn và cũng phải tin. Về phương diện tiêu cực, khi ăn năn, chúng ta hối tiếc và xưng các tội lỗi mình để làm cho tình trạng vốn sa ngã và lìa bỏ Đức Chúa Trời của mình được giải quyết và trở nên ngay thẳng. Về mặt tích cực, khi tin, chúng ta tin vào Đấng Christ và nhận Đức Chúa Trời vào trong mình, để có thể nhận được Ngài và sự sống đời đời của Ngài.
2) “Hầu cho hễ ai tin Con ấy... được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
Khi tin Chúa, chúng ta tin vào Chúa để được liên kết với Ngài trong sự sống đời đời của Đức Chúa Trời hầu vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn trong Chúa. Vì vậy, sự kiện “tin” là “tin vào” truyền đạt mạnh mẽ ý nghĩa liên hiệp và liên kết.
3) “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền bính trở nên con cái Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ tin đến [tin vào] danh Ngài” (Giăng 1:12).
Tin không những là tin vào, mà còn là tiếp nhận. “Tin vào” tương đương với “được liên kết với”, chỉ về việc chúng ta được liên kết với Đấng Christ, là Đấng chúng ta đã tin vào; tiếp nhận nghĩa là tiếp nhận Đấng Christ là Đấng chúng ta tin vào và là Đấng đã vào bên trong chúng ta để được liên kết với chúng ta. Việc chúng ta tin vào Đấng Christ làm cho chúng ta thành những người ở trong Đấng Christ; việc chúng ta nhận lãnh Đấng Christ làm cho Ngài trở nên Đấng ở trong chúng ta. “Trong Đấng Christ” là bước đầu chúng ta liên hiệp với Ngài, đem cho chúng ta địa vị và lãnh vực để vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời; “Đấng Christ ở trong chúng ta” là sự tiến triển của sự hiệp nhất này, ban thêm cho chúng ta kinh nghiệm và những yếu tố của sự vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta cho phép kinh nghiệm của mình về hai điều này — tức là sự việc chúng ta ở trong Đấng Christ và Đấng Christ ở trong chúng ta — được tiếp diễn mà không bị trở ngại hay xao lãng, thì chúng ta sẽ vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ cách phong phú và liên tục.
4) “Những kẻ đã được cùng một đức tin quí báu với chúng tôi trong sự công nghĩa của Đức Chúa Trời của chúng ta và Cứu Chúa là Giê-su Christ” (2 Phi-e-rơ 1:1).
Đức tin nhờ đó chúng ta tin vào Đấng Christ, tiếp nhận Đấng Christ, và nhờ đó được cứu (Êph. 2:8), là cùng một đức tin quí báu đã được chia phần cho chúng ta. “Chia phần” cho thấy chúng ta không có đức tin này trong chính mình; trái lại, chúng ta nhận được đức tin này từ Đức Chúa Trời. Hơn nữa, đức tin này “cùng”, tức là thuộc về cùng một tổng thể. “Cùng một đức tin” cho thấy đức tin mà những người tin vào Đấng Christ và tiếp nhận Đấng Christ như chúng ta sở hữu, thì thuộc về cùng một tổng thể, từ đó tất cả chúng ta đều đã được chia phần. Điều này giống như toàn thể đất Ca-na-an tốt lành, được phân chia cho dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước (Giô 14:1-5). Đất Ca-na-an tốt lành trong Cựu Ước tượng trưng cho Đấng Christ bao-hàm-tất-cả trong Tân Ước. Trong Tân Ước, Đức Chúa Trời ban Đấng Christ phong phú này như một phần cơ nghiệp được chia cho tất cả những ai được Ngài lựa chọn. Di sản thừa kế này được bao hàm trong đức tin, và nhờ đức tin này chúng ta được chia phần và đã nhận được cơ nghiệp. Do đó đức tin này của chúng ta là cơ nghiệp chúng ta đã nhận được từ Đức Chúa Trời. Đó cũng là đức tin nhờ đó chúng ta được chia phần và nhận được cơ nghiệp từ Đức Chúa Trời. Vì vậy, cơ nghiệp được Đức Chúa Trời phân chia, và đức tin nhờ đó chúng ta đã được chia phần và nhận được cơ nghiệp của Đức Chúa Trời là một và giống nhau, tức là chính Đấng Christ đã được Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Một mặt, Đức Chúa Trời ban Đấng Christ cho chúng ta, là cơ nghiệp của chúng ta; mặt khác, Ngài cũng là đức tin nhờ đó chúng ta được chia phần và đã nhận được cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Cả hai đều là Đấng Christ. Khi chúng ta nghe và tin phúc-âm, Thánh Linh là Đấng thánh hóa chúng ta và làm cho chúng ta ăn năn, đem Đấng Christ vào trong chúng ta, một mặt để làm cơ nghiệp của chúng ta từ Đức Chúa Trời, và mặt khác để làm đức tin nhờ đó chúng ta được chia phần và nhận được cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Cả hai đều là phần mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, tức là phần cơ nghiệp của các thánh đồ từ Đức Chúa Trời (Côl. 1:12). Hơn nữa, Thánh Linh là Đấng đem Đấng Christ vào trong chúng ta, là biểu hiện sau cùng của Đức Chúa Trời Tam Nhất đến với chúng ta và vào trong chúng ta để đem Đấng Christ vào trong chúng ta như phần hưởng đời đời của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Do đó, Đức Chúa Trời Tam Nhất vào trong tuyển dân Ngài để làm đức tin của họ, khiến họ vào trong Ngài để được liên kết với Ngài làm một trong sự sống thần thượng. Đó là ý nghĩa sau cùng của chính đức tin mà bởi đó chúng ta vào trong Đấng Christ.


B. Chịu Báp-têm
1) “Ai tin và chịu báp-têm thì được cứu” (Mác 16:16).
Lời đơn giản và rõ ràng này bày tỏ thêm cho chúng ta biết rằng để vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời, không những chúng ta phải tin mà còn phải chịu báp-têm. Tin và chịu báp-têm không phải là hai bước, mà chỉ là một bước đòi hỏi cả hai chân. Cả hai đều cần thiết để hoàn tất một bước. Tin là thực tại bề trong của việc chúng ta vào trong Đấng Christ, và chịu báp-têm là sự xưng nhận, lời chứng, dấu hiệu và lời tuyên bố ở bên ngoài về việc chúng ta vào trong Đấng Christ.
2) “Vì hễ bao nhiêu người trong anh em đã chịu báp-têm trong Christ, thảy đều đã mặc lấy Christ” (Ga-la-ti 3:27).
Y như sự tin ở bề trong là chúng ta vào trong Đấng Christ, thì báp-têm bên ngoài của chúng ta cũng vậy. Chỉ khi nào hai điều này được kết hợp thì chúng ta mới bước vào cách trọn vẹn và vững chắc. Nhờ đức tin và báp-têm, chúng ta vào trong Đấng Christ cách trọn vẹn và chắc chắn, mặc lấy Đấng Christ như sự công chính mà chúng ta nhận được do tin vào Ngài. Vì vậy chúng ta trở nên những người thừa kế của Đức Chúa Trời (Lu 15:21-23) để thừa hưởng Đấng Christ của Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của chúng ta (Ga 3:29).
3) “Hết thảy chúng ta là những người đã chịu báp-têm [vào] trong Christ Giê-su, đều đã chịu báp-têm [vào] trong sự chết của Ngài” (Rô-ma 6:3); “... nhờ báp-têm mà được đồng chôn với Ngài [tức Đấng Christ], cũng nhơn đó, đã được đồng sống lại với Ngài” (Cô-lô-se 2:12).
Khi chịu báp-têm vào trong Đấng Christ, chúng ta cũng được báp-têm vào trong sự chết của Ngài. Bởi được dìm vào trong Ngài, chúng ta liên hiệp với Ngài và bất cứ điều gì Ngài đã kinh nghiệm thì cũng trở thành kinh nghiệm của chúng ta. Vì Ngài đã kinh nghiệm sự chết và sự phục sinh, nên nhờ được báp-têm vào trong Ngài để được liên kết với Ngài, chúng ta tham dự vào sự chết và sự phục sinh mà Ngài đã kinh nghiệm. Chúng ta cùng chết với Ngài trong sự chết của Ngài và do đó được giải cứu khỏi mọi điều thuộc cõi sáng tạo cũ. Chúng ta cũng được sống lại với Ngài trong sự phục sinh của Ngài để vào trong mọi sự của cõi sáng tạo mới.
4) “Nước ấy là hình bóng chỉ về báp-têm hiện nay cứu rỗi anh em, chẳng phải là trừ bỏ sự ô uế của xác thịt, bèn là hứa nguyện của lương tâm tốt đối với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Giê-su Christ” (1 Phi-e-rơ 3:21).
Cũng như nước lụt đã cứu gia đình Nô-ê khỏi thế hệ bại hoại ấy (Sáng 6:11, 17), báp-têm giải cứu chúng ta khỏi thế gian bại hoại. Báp-têm này không phải là cất bỏ sự ô dơ của xác thịt mà là sự đòi hỏi một lương tâm tốt đối với Đức Chúa Trời. Đó là những người chịu báp-têm đòi hỏi với Đức Chúa Trời để họ có được một lương tâm tốt đối với Ngài, hầu họ có thể làm chứng trước mặt loài người rằng mọi nan đề của họ với Đức Chúa Trời đã được giải quyết, không còn có sự buộc tội trong lương tâm họ, thay vào đó, họ đầy dẫy sự bình an và đức tin, và họ đã chịu báp-têm vào trong Đức Chúa Trời Tam Nhất (Math. 28:19). Hơn nữa, nhờ sự phục sinh của Đấng Christ, tức là nhờ Đấng Christ trở nên Linh sự sống trong sự phục sinh, họ được liên kết với Ngài cách hữu cơ.
Sự thánh hóa của Thánh Linh, sự ăn năn của chúng ta, việc chúng ta tin và chịu báp-têm, mà bây giờ chúng ta đã thấy, là ba bước cần thiết để chúng ta vui hưởng sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Hơn nữa, kinh nghiệm về thực tại của ba bước này cần được lặp đi lặp lại như một chu kỳ trong chúng ta là những người kinh nghiệm sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời.

Witness Lee