Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

LỜI TIÊN TRI VỀ DÂN Á RẠP


Cửa Ðông trên bức tường cổ kính vây quanh thành Giê ru sa lem gieo một ấn tượng đặc biệt trong lòng tôi bởi vì qua cái cửa này, Ðức Chúa Trời đã mở mắt tôi hiểu được những lời tiên tri của Ngài.


Ðó là năm 1967. Năm có cuộc chiến 6 ngày của quân đội Do Thái với các nước láng giềng. Thời điểm làm đảo lộn tư tưởng của tôi là ngày 7 tháng 6 năm khi quân đội Do Thái tiến chiếm cửa Sư Tử và kiểm soát thành phố cổ kính Giê-ru-sa-lem lần đầu tiên sau 1897 năm bị lọt vào tay ngoại bang.
Ngày hôm sau, báo chí tường thuật về trận đánh của quân cảm tử Do Thái. Viên chỉ huy Do Thái đã từ chối dùng đại bác hoặc mìn để là nổ tung Cửa Ðông khi quân Jordan đang cố thủ tại đây và quân Do Thái muốn dẹp cái chốt kháng cự này. Ông là một người theo Chính Thống giáo và ông từ chối bởi lý do là: “ Cửa Ðông chỉ mở khi Ðấng Mê-sia trở lại”.


Bài báo này đập vào mắt tôi. Tôi ngạc nhiên về lời tuyên bố của vị chỉ huy này. Tôi không biết gì về câu chuyện Cửa Ðông này có ghi trong Kinh Thánh hay không và tại sau ông ta có lời tuyên bố đó. Tôi thấy mình cần sưu tầm Kinh Thánh để tìm hiểu ý nghĩa của câu nói này.

Cũng như các cơ đốc nhân, tôi ít chịu bỏ thì giờ để tìm hiểu về các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Tôi đi nhà thờ hơn 40 năm nhưng ít được nghe các Mục sư giảng về tiên tri.

Trong sách Ê-xê-chi- ên ( Ezekiel) đoạn 44 có nói về ý nghĩa này. Câu 40:1-3 được viết như sau: “Ðoạn người đem ta đến hiên cửa ngoài của nơi thánh ngó về phía đông. Cửa ấy vẫn đóng. Ðức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Hiên cửa này sẽ đóng luôn, không mở nữa. Chẳng ai được vào bởi hiên cửa này, vì Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã vào bởi đó; vậy cửa ấy sẽ đóng lại. Chỉ có vua, vì người là vua thì có thể đến ngồi tại đó đặng ăn bánh trước mặt Ðức Giê-hô-va. Vua sẽ vào bởi nhà ngoài của hiên cửa và cũng ra bởi đường ấy”. Trong đoạn 43 của sách tiên tri đó, Ðức Chúa Trời đã cho ông Ê-xê-chi-ên thấy sự vinh quang của Ðức Chúa Trời khi bước vào đền thờ qua cửa Ðông này. Như vậy, cửa Ðông này sẽ không mở và chỉ mở lại khi Ðấng Cứu thế trở lại thế gian lần thứ hai.

Khi tìm hiểu lịch sử về cửa Ðông này chúng ta sẽ thấy nhiều điều mầu nhiệm mà những ai nghiên cứu Kinh Thánh cẩn thận sẽ thấy được.

Thổ nhĩ kỳ chiếm thành Giê-ru-sa-lem vào năm 1517 dưới sự chỉ huy của Suleiman, the Magnificent. ( tạm dịch quan Phi Thường Suleiman). Ông chỉ thị xây cất lại vách thành Giê-ru-sa-lem đã quá cổ. Trong lúc công tác đang tiến thành được hơn nửa thì không biết lý do nào ông ra lịnh lấy đá lấp đầy để đóng cửa Ðông của vách thành. Có nhiều giả thuyết được đặt ra để giải thích hiện tượng này. Nhưng giả thuyết đáng tin cậy nhất là trong khi công tác xây vách thành đang tiến hành thì có một tin đồn khắp Giê-ru-sa-lem rằng Ðấng Cứu Thế sẽ trở lại. Tướng Suleiman triệu tập các thầy Rabis và hỏi họ về tin đồn này. Các thầy Rabis này giải thích rằng Ðấng Cứu Thế là một người lãnh đạo sẽ trở lại qua Cửa Ðông của thành Giê-ru-sa-lem và sẽ giải phóng thành này. Suleiman muốn đánh tan hy vọng của dân Do Thái bằng cách ra lịnh lấp đá đóng cửa Ðông và lập một nghĩa địa cho dân Hồi giáo ngay trước cửa Ðông này vì người Do Thái tin rằng Vị Cứu Thế này sẽ không bao giờ đi qua một nghĩa trang của Hồi giáo.


Cửa này vẫn còn đóng và nghĩa trang Hồi giáo vẫn ngăn cản lối vào của cửa Ðông. Vách thành Giê-ru-sa-lem có tám cửa và chỉ cửa Ðông bị đóng lại như lới tiên tri của Ê-xê-chi-ên đoạn 44 có ghi từ 570 năm trước công nguyên.

Câu chuyện cửa Ðông là một ví dụ điển hình về lời tiên tri của Ðức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Nếu chúng ta muốn có một cái nhìn chính xác về tương lai chính trị thế giới , chính trị gia khôn ngoan nên tìm hiểu Kinh Thánh để đường lối chính trị của mình không đi ngược với chương trình của Ðức Chúa Trời ngõ hầu chính sách chính trị được thực hiện. Bằng không, chắc chắn con đường chính trị riêng tư sẽ bị thất bại thảm thương.
Qua nhận xét đó chúng ta hãy tìm hiểu Kinh Thánh nói gì về tương lai của dân Á rạp để độc giả có thể phán đoán chính sách nào hợp với lời tiên tri của Kinh thánh thì chính sách đó sẽ thực hiện được bằng không sẽ còn nhiều rối ren cho đến khi người lãnh đạo thê giới giác ngộ, khám phá ra đường lối của Ðức Chúa Trời đối với giống dân này.
*
Ít ai tìm hiểu tương lai của dân Á rạp dựa theo Kinh Thánh. Cũng ít ai dùng lời tiên tri để phỏng đoán dân tộc này sẽ như thế nào trong tương lai. Dân Do Thái được Ðức Chúa Trời chọn là một tuyển dân của Ngài, nhưng không vì vậy mà Ngài không có chương trình đối với dân Á rạp.

DÂN Á RẠP LÀ AI?

Trước khi tìm hiểu các tiên tri về dân này, chúng ta thử tìm hiểu dân Á Rạp là ai. Thông thường người ta đồng nghĩa dân Á Rạp với dân Hồi giáo. Thật ra điều đó không đúng. Không phải người Á rạp nào cũng theo đạo Hồi giáo. Chúng ta thấy có người Á rập theo Công Giáo, theo Tin Lành, theo Phật giáo, theo Bà la môn, theo Ấn độ giáo ... Cũng như có nhiều người hiểu lầm rằng người Hồi giáo là người Á Rạp. Ðiều này cũng không đúng vì có nhiều người theo Hồi giáo nhưng họ không phải là người Á Rạp . Ví dụ Mã lai, Nam Dương là hai quốc gia Á châu có nhiều người theo Hồi giáo mà họ không phải là người Á rạp.

Chúng ta cần phải phân biệt người Á rạp dựa theo giống dân hơn theo tôn giáo. Có điều ít ai nghĩ tới là những người Á rạp và người Do Thái đều phát xuất từ một gia đình mà người tổ phụ là ông Áp-ra-ham ( Abraham). Ðiều này có nghĩa là những tranh chấp giữa Do Thái và khối Á rạp xảy ra qua bao nhiêu thế kỷ là những tranh chấp gia đình, cục bộ trong dòng họ anh em với nhau.

NGUỒN GỐC DÂN Á RẠP

Tất cả bắt đầu từ ông Áp-ra-ham. Nói cho đúng hơn, dân Á rạp bắt đầu bởi tính không kiên nhẫn của ông Áp-ra-ham và vợ ông là bà Sa-ra ( Sarah). Ông và vợ đã lớn tuổi , ông được 85 tuổi , mà không có con. Bà vợ đề nghị ông ăn ở với A-ga (Hagar) , người hầu gái của bà. A-ga là người Ai cập có thai và sinh ra một người con trai đặt tên là Ích - ma-ên (Ishmael) . Ích-ma-ên không phải là đứa con mà Ðức Chúa Trời hứa cho vợ chồng Ap-ra-ham. Mặc dầu Áp-ra-han không kiên nhẫn chờ đợi Ðức Chúa Trời ban cho ông một đứa con mà tự mình theo ý của vợ để có đứa con dòng thứ nhưng Ngài cũng có hứa với người hầu A-ga rằng: “Ta cũng nhận lời ngươi cầu xin cho Ích-ma-ên. Nầy, ta ban phước cho ngươi, sẽ làm cho người sinh sản thêm nhiều quá bội; người sẽ là tổ phụ của 12 vị công hầu và ta làm cho người thành một dân lớn” Sáng thế ký 17:20 .


Ðức Chúa Trời hứa sẽ làm Ích-ma-ên thành một dân đông đúc và là một quốc gia lớn. Ngài cũng hứa sẽ cho Ích-ma-ên phần đất phía đông của Ca-na-an .

Ðức Chúa Trời thực hiện lời hứa của Ngài. Ngày nay thế giới có 21 quốc gia Á rạp với một dân số tổng cộng hơn 180 triệu người và một lãnh thổ hơn 5.3 triệu dặm vuông với nguồn lợi vô biên về dầu lửa nhiều nhất thế giới.

Trái lại Do Thái chỉ có một quốc gia với khoảng 4 triệu người và một mãnh đất khoảng 8000 dặm vuông. Ðiều này có nghĩa là về dân số, Do Thái chỉ có 1/43 dân số và 1/662 về diện tích lãnh thổ so với dân Á rạp. Dân Á rạp thực sự nhận được nhiều ơn phước từ Ðức Chúa Trời.

SẮC DÂN Á RẠP

Ích-ma-ên lấy vợ người Ai cập ( Sáng thế ký 21:21) và trở thành cha của 12 chi tộc được ghi đầy đủ trong Sáng Thế ký 25:12-16 như sau:

“ Ðây là dòng dõi của Ích-ma-ên, con trai của Áp-ra-ham, do nơi nàng A-ga, người Ê-díp-tô, con đòi của Sa-ra, đã sanh. Và đây là tên các con trai của Ích-ma-ên, sắp thứ tự theo ngày ra đời: Con trưởng nam của Ích-ma-ên là Nê-ba-giốt; kế sau Kê-đa, Ất-bê-ên, Mi-bô-sam, Mích-ma, Ðu-ma, Ma-sa, Ha-đa, Thê-ma, Giê-thu, Na-phích, và Kết-ma. Ðó là các con trai của Ích-ma-ên và tên của họ tùy theo làng và nơi đóng trại mà đặt. Ấy là mười hai vị công hầu trong dân tộc của họ.”

Mười hai đứa con này là dòng chính của dân Á rạp, một dân tộc pha trộn với sắc dân Semitic và Ai cập.

Một dòng dõi khác bắt nguồn từ 6 đứa con khác của Áp-ra-ham sinh ra bởi người vợ thứ của Áp-ra-ham tên là Kê-tu-ra. Kinh văn Sáng Thế ký 25:1-4 có ghi chép như sau:
“Áp-ra-ham cưới một người vợ khác, tên là Kê-tu-ra. Người sanh cho Áp-ra-ham Xim-ram, Giốc-chan, Mê-đan, Ma-đi-an, Dích-bác và Su-ách. Giốc-chan sanh Sê-ba và Ðê-đan; con cháu của Ðê-đan là họ A-chu-rim, họ Lê-tu-chim và họ Lê-um-mim. Con trai của Ma-đi-an là Ê-pha, Ê-phe, Ha-nóc, A-bi-đa và Eạn-đa. Các người trên đây đều là dòng dõi của Kê-tu-ra.”

Ngoài ra, vài chi tộc Á rạp thuộc về con cháu của Ê-sau, người anh song sanh với Gia cốp mà con cái của Gia cốp là 12 chi phái của dân Do Thái.

Tất cả các chi tộc Á rạp đều có những cá tính giống nhau . Ðó là nóng nảy và bạo động. Họ đã nhúng tay vào những cuộc chiến không bao giờ ngưng nghỉ giữa các chi tộc của họ với nhau, với dân Do Thái và với những người theo Cơ đốc giáo.
Ðiều này không làm cho chúng ta ngạc nhiên khi chúng ta nghiên cứu lời của Ðức Chúa Trời nói về họ. Ðức Chúa Trời đã nói với cô nàng hầu A-ga về đứa con , Ích-ma-ên như sau “ Ðứa trẻ đó sẽ như một con lừa rừng; tay nó sẽ địch cùng mọi người, và tay mọi người sẽ địch lại nó. Nó sẽ ở về phía đông đối mặt cùng hết thảy anh em mình.” Sáng Thế ký 16:12

TƯƠNG LAI CỦA DÂN Á RẠP

Trước nhất, dân này sẽ đòi lại vùng đất mà Do Thái đã chiếm trước đây. Ðó là vùng đất mà Ðức Chúa Trời đã hứa ban cho dân tộc mà Ngài đã chọn. Tiên tri Ê-xê-chi-ên trong câu 35:5,10 và 36:2,5 có ghi điều này sẽ xảy ra trong thời đại cuối cùng.
Câu 35:5 : “ Vì ngươi cưu mang mối thù xưa và trao con cái Y-sơ-ra-ên cho gươm dao khi chúng lâm nạn, trong kỳ gian ác về cuối cùng”


Câu 35:10 : “ Vì mầy có nói rằng: Hai dân tộc ấy và hai nước ấy sẽ thuộc về ta, và chúng ta sẽ được nó làm kỷ vật, dầu Ðức Giê-hô-va đương ở đó.”


Câu 36:2: “ Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Vì quân thù nghịch có nói về bay rằng: Ê! Những gò cao đời xưa thuộc về chúng ta làm sản nghiệp!


Câu 36:5: “ vì cớ đó, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Thật, trong cơn ghen tương nóng nảy, ta rao lời án nghịch cùng kẻ sót lại của các nước ấy và cả Ê-đôm, là những kẻ đầy lòng vui mừng và ý khinh dể, định đất của ta cho mình làm kỷ vật, đặng phó nó cho sự cướp bóc.”


Lời tiên tri đó đã ứng nghiệm trong 20 thế kỷ vừa qua. Dân Do Thái đã bỏ vùng đất mà Chúa đã hứa và đã ban cho họ để chạy tứ tán khắp bốn phương trời trong một thời gian hơn 1900 năm đã trở về lập quốc và dân Á rập đã gây nhiều cuộc chiến để đòi dành lại phần đất khoảng 8000 dặm đã cho dân Do Thái để tái lập quốc gia này. Vùng đất mà cuộc chiến đang dằng dai là vùng đất gọi là Pa-lét-tin (Palestine).

Khi dân Do Thái bắt đầu quay trở về cố quốc, dân Á rạp đã bán lại vùng đất này với giá rất cao dù đó là vùng đất vô giá trị. Khi Thế Chiến thứ nhứt chấm dứt, vùng đất Pa-lét-tin đó trước thuộc Thổ nhĩ Kỳ được Hội Quốc Liên trao cho Anh quốc và Anh quốc lập tức tuyên bố đó là vùng đất của Do Thái. Bất ngờ dân Á rạp đối đầu với một viễn tượng về một quốc gia Do Thái tại vùng đất của họ. Năm 1922, dưới áp lực của khối Á rạp, Anh quốc lấy 2/3 vùng đất Palestine cho dân Á rạp và lập ra nước Jordan. Ðó là đất mà Anh quốc đã hứa cho Do Thái. Tuy vậy người Á rạp vẫn không vừa lòng và muốn lấy lại nguyên vùng Palestine. Vì vậy mà cuộc chiến tại vùng này giữa dân Do Thái và dân Á rạp không bao giờ chấm dứt.

PHÁN XÉT CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI VỀ DÂN TỘC NÀY

Kinh Thánh cũng ghi thêm rằng trong thời kỳ sau cùng, Ðức Chúa Trời sẽ đổ lên dân tộc này sự phán xét của Ngài vì thái độ thù nghịch của họ đối với dân Do Thái và hành động muốn chiếm giữ vùng đất mà Ðức Chúa Trời hứa ban cho Do Thái.
Tiên tri Giô-ên đã nói trước trong đoạn 3:19 rằng “Ê-díp-tô sẽ trở nên hoang vu, Ê-đôm thành ra đồng vắng hoang vu, vì cớ chúng nó lấy sự bạo ngược đãi con cái Giu-đa, và làm đổ máu vô tội ra trong đất mình.” Chúng ta nên nhớ rằng “ Êđôm” thường được dùng như là một biểu tượng để chỉ dân Á rạp cũng như danh từ Y-sơ-ra-ên (Israel) để nói chung các chi tộc Do Thái.

LỜI HỨA CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI VỚI DÂN Á RẠP


Tuy nhiên, tương lai của dân tộc này không quá tệ hại như vậy. Họ sẽ trải qua nhiều đau đớn, khổ sở cũng như dân Do Thái sẽ trải qua một cơn hoạn nạn. Và cũng như dân Do Thái, sau thời kỳ hoạn nạn đó, những người Á rạp còn lại sẽ thay đổi, biến cải và lòng họ sẽ quay về thờ phượng Ðức Chúa Trời. Giê rê mi 12:14-17 đã ghi lại như sau :


“Ðức Giê-hô-va phán như vầy: Mọi kẻ lân cận xấu của ta, là kẻ choán lấy sản nghiệp mà ta đã ban cho dân ta, là Y-sơ-ra-ên, làm kỷ vật; nầy, ta sẽ nhổ chúng nó khỏi đất mình, và nhổ nhà Giu-đa ra khỏi giữa chúng nó. Nhưng, khi ta đã nhổ đi, ta cũng sẽ trở lại thương xót chúng nó; khiến chúng nó ai nấy đều được lại sản nghiệp mình, và ai nấy đều về đất mình. Nếu chúng nó siêng năng học tập đường lối dân ta, nhơn danh ta mà thề rằng: Thật như Ðức Giê-hô-va hằng sống! cũng như chúng nó đã dạy dân ta chỉ Ba-anh mà thề, bấy giờ chúng nó sẽ được gây dựng giữa dân ta. Nhưng nếu chúng nó không nghe, ta sẽ nhổ dân tộc đó đi, nhổ đi và làm cho diệt mất, Ðức Giê-hô-va phán vậy.”


Tiên tri Ê sai cũng nói trước rằng sự cứu chuộc trong lai cho một số dân Á rạp mà đặc biệt là Ai cập và Assyria khi họ quay trở lại với Ðức Chúa Trời. Ngài sẽ thương xót chúng nó và sẽ trị lành . Ê sai 19:16-25:


Trong ngày đó, sẽ có một bàn thờ cho Ðức Giê-hô-va ở giữa xứ Ê-díp-tô, và có một trụ cho Ðức Giê-hô-va nơi bờ cõi nó . Ấy là dấu và chứng cho Ðức Giê-hô-va vạn quân tại xứ Ê-díp-tô; bởi chưng chúng sẽ kêu đến Ðức Giê-hô-va vì cớù kẻ bạo ngược, và Ngài sẽ sai một Ðấng cứu và binh vực để giải thoát họ. Ðức Giê-hô-va sẽ cho Ê-díp-tô biết Ngài; trong ngày đó người Ê-díp-tô sẽ biết Ðức Giê-hô-va; ắt họ sẽ dâng hi sinh và của lễ mà thờ phượng Ngài, lại khấn nguyện cùng Ðức Giê-hô-va, và hoàn nguyện.

”Ðức Giê-hô-va sẽ đánh Ê-díp-tô, đánh rồi lại chữa lành; họ sẽ trở về cùng Ðức Giê-hô-va, Ngài sẽ nghe lời họ cầu nguyện và chữa lành cho.


Trong ngày đó, sẽ có con đường cái đi từ Ê-díp-tô đến A-si-ri; người A-si-ri sẽ đến Ê-díp-tô, người Ê-díp-tô sẽ đến A-si-ri; người Ê-díp-tô và người A-si-ri đều cùng nhau thờ phượng Ðức Giê-hô-va.

”Trong ngày đó, Y-sơ-ra-ên sẽ hiệp cùng Ê-díp-tô và A-si-ri làm ba, đặng làm nên nguồn phước giữa thiên hạ; vì Ðức Giê-hô-va vạn quân đã chúc phước cho họ, mà rằng Ê-díp-tô dân ta, A-si-ri công trình của tay ta, Y-sơ-ra-ên gia tài ta, đều hãy được phước!


Ðiều tiên tri khác về dân này là dân Á rạp sẽ sống trên vùng đất của Do Thái sau khi Chúa Jesus trở lại lần thứ hai. Ðiều này cho chúng ta một ý niệm rằng trong tương lai, vùng đất của nước Do Thái sẽ rộng lớn hơn hiện nay. Sách tiên tri Êxêchiên 47:21-23 đều ghi rõ điều này.


“Các ngươi khá chia đất nầy cho nhau, theo chi phái Y-sơ-ra-ên; các ngươi khá bắt thăm mà chia cho các ngươi và cho những người ngoại trú ngụ giữa các ngươi và sanh con cái giữa các ngươi. Các ngươi sẽ coi chúng nó như là kẻ bổn tộc giữa con cái Y-sơ-ra-ên. Người ngoại sẽ trú ngụ trong chi phái nào, thì các ngươi sẽ lấy sản nghiệp ở đó mà cấp cho nó, Chúa Giê-hô-va phán vậy.”


“Trước mặt Ðức Chúa Trời, chẳng vị nể một ai” (Roma 2:11). Do Thái được Ðức Chúa Trời chọn lựa không phải để chứa mọi ân điển của Ngài mà để dùng dân tộc này như là một chiếc xe để vận chuyển ân phước ấy đến mọi dân tộc. Ngài muốn ban ân phước của Ngài cho mọi sắc dân kể cà dân Á rạp. Ðiều căn bản để nhận sự cứu chuộc và ân điển – Do Thái và Á rạp –và tất cả mọi dân – là nhận món quà yêu thương của Ðức Chúa Trời, là nhận Chúa Jesus là Ðấng Cứu Thế.


Tôi viết bài này nói về dân Á rập nhưng thật ra nó cũng áp dụng cho chúng ta. Ân điển và phước hạnh cũng như sự cứu chuộc của Ðức Chúa Trời dành cho mọi dân trong đó dân Á châu và Việt nam nữa.

Lời Tòa soạn: bài này được viết dựa theo tài liệu được đăng trên quyển “ The Master Plan” của Tiến sĩ David Reagan do Harvest House Publishers, 1993. 


MS Trần Nhựt Thăng