Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Dám Sống Trên Bờ Vực (2)


TẠI SAO PHẢI SỐNG BẰNG ĐỨC TIN?

Vì sao Chúa muốn chúng ta phải sống bằng đức tin? Thứ nhất, việc sống bằng đức tin chứng tỏ cho chúng ta và cho thế gian biết Đức Chúa Trời thực hữu.

Khi còn là một sinh viên ở tại trường Đại học thuộc miền Nam tiểu bang California, tôi có biết một giáo sư dạy môn triết. Ông ta dường như luôn tìm cách để phá đổ đức tin đặt nơi Chúa của các sinh viên. Ông là một con người khôn ngoan, song rất cay đắng, là con trai của một vị Mục sư, ông đã mất đức tin và trong suốt học kỳ sáu tháng ông tìm cách thách đố bất cứ kẻ nào có đức tin. Có những câu hỏi ông đã đặt ra khiến tôi không trả lời được lúc ấy. Nhưng có một điều tôi không thể phủ nhận được đó là sự kinh nghiệm cá nhân. Tôi đã từng chứng kiến quá nhiều điều xảy ra mà chỉ Chúa là Đấng thực hiện được.



Tôi tin đó là lý do chủ yếu khiến Đức Chúa Trời đã dẫn dắt chúng tôi vào hội "Thanh Niên Với Một Sứ Mạng" để yêu cầu mỗi một nhân sự phải tin cậy Ngài trong các nhu cầu về tài chánh của chính mình" đó là thức ăn, thức uống, đồ mặc (là những nhu cầu mà Chúa Jesus đã đề cập một cách cụ thể trong Mathio 6:31-33) cũng như chi phí của chuyến đi. Hàng ngàn cộng tác viên từ hơn 100 quốc gia hiện đã và đang ra đi khắp nơi trên thế giới, nhận lấy lời thách thức, tin rằng nơi nào Đức Chúa Trời chỉ dẫn thì Ngài lo liệu. Và nơi nào Ngài dẫn dắt thì Ngài nuôi họ!



Thoạt đầu, tôi đã băn khoăn. Sự chỉ dẫn của Ngài thì đã quá rõ ràng, tuy nhiên có ba hoặc bốn nhóm truyền giáo khác mà tôi đã phải trả lương, ít nhất là cho các thư ký của họ và những người lo công việc nội bộ. Nhưng Chúa phán với chúng tôi rằng sẽ không có những công việc được trả lương trong hội Thanh Niên Sứ Mạng. Mọi người - từ chính mình tôi cho đến người tình nguyện trẻ tuổi nhất, từ thành viên trong đội truyền giáo cho đến người thợ máy sửa xe của tập thể - đều phải tin cậy Đức Chúa Trời trong việc bảo dưỡng cũng như các chuyến công tác của người ấy.



Tôi không hề nghĩ rằng đây là cách duy nhất để điều khiển một tổ chức truyền giáo. Đó chỉ là cách Chúa dẫn dắt chúng tôi. 

Lâu về sau, tôi mới biết rằng hầu như tất cả các ban chấp hành các hội truyền giáo với hơn một nhóm các giáo sĩ đã ra đi hoạt động truyền giáo trên một nền tảng cũng giống như vậy, tức là mỗi cá nhân tin cậy Chúa và đích thân chịu trách nhiệm về việc tự cấp dưỡng cũng như các chi phí trong chức vụ.



Từ lâu trước khi chúng tôi nhận ra vì sao Đức Chúa Trời lại dẫn dắt chúng tôi theo cách này, chúng tôi đã có được sự xác quyết rõ rằng Đức Chúa Trời thực hữu. Hoặc phải đối đầu với những sinh viên Mácxít hung hãn ở tại một trường đại học Mỹ Latinh hoặc của những sinh viên Âu Châu thông minh đầy vẻ tự mãn bàng quan, thì chúng tôi vẫn biết rõ Đức Chúa Trời thực hữu. Hoặc Ngài phải hành động, hoặc chúng tôi không thể nào có được ngân quỹ dành cho chuyến truyền giáo để đến được đó, hoặc không có gì để ăn sau khi chúng tôi đã đến nơi.



Số lượng không quan trọng khi bạn đang tin cậy Ngài. Nếu bạn không có số tiền bạn cần vào thời điểm bạn cần đến nó, thì thâm hụt mười Mỹ kim cũng như thiếu một triệu Mỹ kim. Một lần nọ khi Darlence và tôi vẫn còn là những người mới lập gia đình, chúng tôi đang trên đường băng qua Chicago để đến buổi họp kế tiếp của chúng tôi ở Wisconsin. Tiền của chúng tôi cạn đi mau chóng, phần lớn vì quá nhiều lệ phí cầu đường. Tuy nhiên, nếu chúng tôi tính toán bảng chi tiêu sít sao của mình thì chúng tôi phải tính khoản mãi lộ ấy vào. Dường như cứ ít dặm là chúng tôi phải chạy chậm lại để lấy hơn một đồng 25 xu từ khoản dự trữ cứ teo dần lại để bỏ vào một chiếc phễu chữ V lớn bên đường.



"Nhìn nầy, Darl", tôi nói khi lục lạo những gì còn lại trong túi mình, và lôi ra được khoản lệ phí cuối cùng "Ba mươi lăm xu". Đó là 25 xu cho tiền lệ phí và 10 xu để gọi điện cho Mục sư Wilkerson khi chúng tôi đến nơi, ở tại Kenosha. Nàng bật cười khi tôi bỏ đồng 25 xu vào phễu và nhấn ga tiếp tục chạy vào đường cao tốc có lệ phí. "Cám ơn Chúa! Chúng ta vừa xong!", nàng nói. Tôi đồng ý nhưng niềm vui của tôi không được bao lâu.



Chúng tôi chưa đi được bao xa trước khi có một biển hiệu khác...cho chúng tôi biết phải giảm tốc độ và chuẩn bị nộp một khoản mãi lộ khác. Lạy Chúa, chúng con phải làm gì đây? Tôi nhìn sang Darl, nhưng nàng đã dốc cạn sạch ví rồi, xem xét thử còn đồng bạc nào vì lý do gì đó còn lẫn trốn nàng chăng. Chúng tôi cần phải có 25 xu và cần có ngay bây giờ.



Ngay khi đó, một ý tưởng chợt đến với tôi. Hãy tấp sang một bên và mở cửa sau. Tôi làm theo và kìa, giữa cánh cửa và khung sườn của chiếc xe, một đồng 25 xu nằm ở góc cuối. Một đồng xu lớn làm sao! Tôi chưa bao giờ trông thấy một đồng 25 xu lớn như thế trong đời. 
Một sự trùng hợp chăng? Tôi không cho là như vậy.



Vào những lần khác, nhu cầu thường lớn hơn nhiều. Buổi đầu trong chức vụ hầu việc Chúa của chúng tôi, Darlene và tôi ở tại Edmonton, thuộc Alberta - Canada. Chúng tôi nhận được một cú điện thoại do người thư ký của mình từ Pasadena gọi về.



"Loren, tôi không biết chúng ta phải làm gì bây giờ?" Lorraine Theetge nói. Chúng tôi có thể nhận thấy giọng nói rõ ràng là căng thẳng của cô ấy dầu qua đường dây dài "Chúng ta không còn khoản thu nhập nào trong lúc này hết, và tổng số tiền phải trả hiện nay đã lên đến...5.200 Mỹ kim!



Tôi bảo cô ta chúng tôi sẽ cố gắng để làm một điều gì đó. Nhưng khi gác máy, tôi cảm thấy hoàn toàn bị chìm ngập. Chúng tôi đã từng ở trong tình huống bấp bênh về mặt tài chánh hàng tháng, nhưng hoàn toàn bất ngờ khi phải đối diện với một khoản nợ lớn như vậy. 
Tôi buông mình xuống chiếc giường trong căn nhà nơi chúng tôi đang ở "Lạy Chúa", tôi kêu lên "Nhu cầu này là của ngài, con không thể giải quyết nổi!" Vài giây sau, chuông điện thoại lại vang lên chói tai. Lorrain gọi trở lại.



"Loren, thử đoán xem điều gì đã xảy ra?", giọng nói của Lorraine thật xúc động qua đường dây "Chúng tôi vừa nhận được một ngân phiếu hai ngàn Mỹ kim từ một ngân hàng Anh". Cô ta tiếp tục cho biết đó là số tiền của một ân nhân ẩn danh thuộc một quốc gia trong thế giới thứ ba, và rằng ngân hàng Anh quốc chỉ mới báo tin đó cho văn phòng chúng tôi. "Và ông có biết còn gì nữa không ông Loren? Tôi đã gọi cho nhà băng chúng ta để hỏi tỉ lệ chuyển đổi đồng Anh sang Mỹ kim ngày hôm nay là bao nhiêu và tính ra chính xác là 5.200 Mỹ kim!" 
Một sự trùng hợp ư? Không thể có được!



Việc Chứng Minh Đức Chúa Trời Thực Hữu



Một người bạn của tôi, Brother Andrew được nhiều người biết đến với danh hiệu "Nhà Buôn của Đức Chúa Trời" đã nói như vầy: Giả sử bạn phải băng qua một khu rừng rậm và có một con sư tử lặng lẽ tiến về phía bạn mà bạn không hề hay biết. Ngay lúc ấy ở đâu như từ trời rơi xuống, một quả dừa từ trên cây cao dội ngay vào đầu con sư tử và nó ngã lăn kềnh ra bất tỉnh. Bạn quay lại, kinh ngạc và hú vía. Đó có thể là một sự trùng hợp, chỉ là may mắn. Nhưng nếu như qua ngày hôm sau điều đó lại xảy ra một lần nữa thì sao? Một con sư tử khác lại phóng tới và có thêm một quả dừa nữa rơi trúng đầu nó, và rồi ngày tiếp theo cũng có một con sư tử khác và một quả dừa may mắn khác. Phải xảy ra bao nhiêu lần như vậy trước khi bạn có thể biết rằng đó không phải là sự tình cờ?



Trong hội truyền giáo của chúng tôi, mỗi năm có đến hơn 20.000 người tình nguyện tham gia hầu việc Chúa ngắn hạn cộng với hơn 7.000 nhân sự trọn thời gian, cùng cộng tác để làm chứng Tin lành qua các chức vụ hầu việc thường xuyên đặt cơ sở tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Các đội ngũ lưu động ra đi với tình yêu của Đức Chúa Trời đến với mọi miền dân cư trên đất. Những con người này được chứng kiến những vận may hoặc "trùng hợp" tương tự cứ lặp đi lặp lại. Một số anh em trong chúng tôi đã từng trải những điều đó ngay trong thập kỷ này. Tôi xin thuật lại cho bạn câu chuyện của một người lãnh đạo nhóm, tên anh ta là Neville Wilson, một người dân thuộc đảo Fiji, được sinh ra và nuôi dưỡng ở tại Tân Tây Lan, hiện nay là vị lãnh đạo hội YWAM ở tại Tonga và Nam Thái Bình Dương.



"Chúng tôi đang ở vào hoàn cảnh của một đội tiên phong ở tại Nadi, Fiji. Bảy thành viên trong tổ chúng tôi đều là dân đảo Fiji. Chúng tôi không thể đưa bất cứ người ngoại quốc nào vào với tư cách là một nhân sự bởi vì tình trạng giấy phép thị thực ở đây. Khi chúng tôi nghe rằng có các vị khách sắp sửa đến, chúng tôi thường phải đi bộ năm cây số đến phi trường. Không có tiền để đón taxi, nhưng cứ mỗi lần như vậy, Đức Chúa Trời đã dự bị để chúng tôi có thể đưa các vị khách của mình về nhà bằng 
Taxi.



"Một lần nọ, khi đón tiếp một người tại sân bay, chúng tôi đã gặp một người bạn địa phương, anh ta biếu cho chúng tôi một số tiền mà chẳng hề hay biết nhu cầu của chúng tôi. Đức Chúa Trời cũng đã dự bị cho chúng tôi có thêm lương thực cho các vị khách nữa. Thậm chí còn đủ tiền để đưa họ trở lại phi trường bằng taxi, rồi sau đó khi họ đã đi khỏi, chúng tôi đi bộ trở về, vui cười vì cách Đức Chúa Trời đã lại thực hiện điều đó một lần nữa.



"Trung tâm YWAM của chúng tôi là một ngôi nhà cũng giống như nhà của những người hàng xóm nằm ngoài các cánh đồng trồng mía, phần lớn là trải chiếu trên sàn nhà. Một buổi chiều nọ, khi chúng tôi đang ngồi vòng tròn, thì một phụ nữ địa phương bước vào với năm ổ bánh mì. Chừng đó đủ nuôi bảy người chúng tôi trong vài ngày. Nhưng 15 phút sau lại có người gõ cửa với nhã ý muốn biếu chúng tôi một số bánh mì. Sau đó có thêm một người hàng xóm đem cho thêm một số bánh mì nữa. Trong vòng một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã được tất cả mười bốn ổ bánh.



"Sao chúng ta lại được cho nhiều bánh như thế này?" Vợ tôi thắc mắc "Hẳn là có ai đó sắp đến thăm?". Chưa đầy một giờ sau chúng tôi được biết rằng sắp có một nhóm gồm 15 người từ Tân Tây lan sẽ đến thăm vào tối hôm đó".



Những lần khác, Đức Chúa Trời đã ban cho Neville và Sue một điều có ý nghĩa hơn bánh mì, nhiều hơn các thứ cần thiết thật sự. Đó là vào ngày lễ Giáng sinh năm 1979, khi họ đang ở tại Maui thuộc Hawaii, trong một đội truyền giáo cùng với một số những người khác. Neville ngồi dưới vòng cổng trước ngôi nhà nơi họ đang ở, cảm thấy cô đơn. Cha anh đã qua đời trước đó vài tuần. Neville còn nhớ cha anh luôn luôn chuẩn bị một cái đùi lợn muối sấy khô cho bữa tối Giáng Sinh của họ.



Bất chợt, Neville ao ước "Ôi, mình muốn có một cái đùi giăm bông ngay bây giờ". Vài phút sau, một chiếc xe tải nhỏ, không mui, màu đen gầm rú, chở theo những người địa phương Hawaii trông thô bạo. Trước sự ngạc nhiên của Neville, họ rẽ ngay vào miếng đất phía trước nhà và một anh chàng to con đứng lên, ném một chiếc giăm bông vào anh và hét lên "Chúc Mừng Giáng Sinh!"



Lời Chúa phán trong II Su Ky 16: 9 rằng: "Con mắt của Đức Giêhôva soi xét khắp thế gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài"



Vị giáo sư Triết của tôi ở trường Đại học Nam Califonia đã dạy rằng không thể nào chứng minh được một khía cạnh tiêu cực của triết học. Nhưng bạn có thể chứng minh được khía cạnh tích cực của triết học. Lời Chúa phán rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín và rằng người công bình sẽ chẳng hề bị đói, và dòng dõi người cũng không phải đi ăn mày (Thi Thien 37: 25). Đó là một khía cạnh tích cực của triết học có thể chứng minh được bằng cách đã được chứng minh qua những đồng tiền.



Hơn nữa, đức tin sẽ không là điều thật sự có nếu như nó không được minh chứng một cách thực tế trong thế giới thực hữu hằng ngày. 
Một thử nghiệm đáng lưu ý để chứng tỏ sự thực hữu của đức tin được một thanh niên người Tô cách lan tên là George Patterson chứng minh vào những ngày sau thế chiến thứ II.



Tất cả bắt đầu với ba người thanh niên trẻ tuổi và một cuộc tranh luận ở tại một nhà hàng. George khẳng định rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời - mỗi một lời đều là thật. Người bạn thứ hai của anh ta là một người theo thuyết bất khả tri, là người cho rằng không thể biết được bất cứ điều gì về sự tồn tại của Thượng đế hoặc các thứ phi vật chất, từ chối không chấp nhận bất cứ điều gì quá mang tính phi khoa học như thẩm quyền của Thượng Đế, người bạn thứ ba của anh ta chỉ là một Cơ Đốc nhân trên danh nghĩa, không biết chắc Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, thậm chí cũng không chắc phần nào Lời Đức Chúa Trời trong đó nữa.



Cuộc bàn cãi sống động ấy tiếp tục kéo dài trong một lúc, lôi kéo sự chú ý của những người khách đang ăn bữa tối. Thế rồi George có một ý nghĩ táo bạo. Anh tuyên bố với hai người bạn mình rằng anh sẽ chứng minh Kinh Thánh một cách khoa học. Anh rút ví tiền ra khỏi túi. 
"Tôi nói rằng có một Đức Chúa Trời, và Đấng ấy vẫn bày tỏ chính mình Ngài cũng như mục đích của Ngài cho con người biết, trong Lời Ngài và qua Lời Ngài..." Anh dốc sạch các thứ trong ví lên bàn ăn và đếm. Có tất cả hai bảng Anh và bảy đồng shilling.



George nhìn thẳng vào mắt các bạn mình và tuyên bố: "Tôi sẽ cho ai tất cả số tiền có trong nhà băng, không những thế tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến các khoản tiền tiết kiệm của mình". Anh nói với họ rằng anh phải lên đường sớm để học Y khoa vào tháng 9 chuẩn bị cho việc truyền giáo.



"Tôi chỉ mang theo hai bảng Anh và bảy đồng siling nầy cộng với phiếu lương chót. Trong khi ở tại Luân đôn suốt những tháng sắp tới, tôi sẽ không có một nguồn cung cấp hoặc sự cấp duỡng nào về tài chánh. Tôi sẽ chỉ có một mình Chúa."



"Tôi lập với các bạn một lời hứa", anh nghiêm trang nói "Tôi sẽ không nói với một người nào, ngoài hai bạn điều tôi dự định thực hiện, hầu cho đó sẽ là điều chỉ ba chúng ta và Chúa mà thôi. Tôi sẽ không nói cho bố mẹ tôi hoặc để cho một hội thánh nào hay một tập thể truyền giáo nào biết điều đó. Tôi sẽ không ăn mặc khác đi hoặc thay đổi kiểu sống để hàm ý cho mọi người biết rằng tôi đang thiếu tiền...bất cứ điều gì tôi cần, sẽ phải được Đức Chúa Trời chu cấp. Nếu như tôi phải cầu hỏi một con người để được cứu giúp thì tôi hứa với các bạn, tôi sẽ trở về nhà và không bao giờ còn nhắc đến việc chu cấp của Đức Chúa Trời hoặc niềm tin của tôi đặt nơi Chúa nữa".



George Patterson vì vậy đã buớc vào cái mà anh gọi là "Trò Mạo Hiểm" với "sự tin cậy hoàn toàn nơi Đấng Toàn Năng". Trong trận đánh cuộc này, như mọi người đều biết, anh ta chỉ là một sinh viên xuất thân từ một gia đình giàu có đi học bằng tiền của mình mà không thấy thiếu thốn gì cả.



Tuy nhiên, ngay lập tức, Đức Chúa Trời đã bắt đầu sai phái những người đến với anh ta với những lượng tiền nhỏ. Họ nói "Chúa bảo tôi gởi khoản này cho anh.." Hoặc "cái này là Chúa cho, anh cứ nhận". Luôn luôn khác nhau, nhưng luôn luôn có mặc dầu đôi khi chỉ trong vòng vài phút trước khi anh cần.



Ngoại trừ một điều: Số tiền không đến với anh đủ trọn một chuyến đi cần thiết để trở về nhà. Bởi vì không có toàn bộ tiền vé để đi từ Luân đôn, nên anh đi tàu thật xa chừng nào được chừng nấy, rồi sau đó đi bộ hai ngày nữa để đến được Tô cách lan. Sau này Patterson nói anh nghĩ rằng đó là một sự thử thách đức tin. Anh tin rằng Chúa muốn thấy trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy anh có thể cứ tiếp tục tin cậy Ngài như thế nào.



Điều đó không những chỉ là sự đánh cuộc của một sinh viên muốn tự mình chứng minh lẽ phải cho các bạn. Kinh nghiệm tin cậy Chúa của George Patterson khi còn là sinh viên chứng tỏ đó là điều rất cần thiết cho việc anh đi đến Tibet. Vào những ngày đó Tibet không có mối liên kết với hiệp hội bưu điện Quốc tế - Phương tiện hổ trợ thông thường của các hội truyền giáo cũng vô hiệu. Anh còn phải đối diện với các tư tế người Tibet với các sức mạnh huyền bí gây ấn tượng mạnh, rồi đến sự giam cầm và bắt bớ từ nơi tay của những người Cộng sản Trung quốc khi họ nắm quyền kiểm soát đất nước. Toàn bộ câu chuyện của anh ta được thuật lại trong tác phẩm của anh "God's fool" (Sự rồ dại của Đức Chúa Trời). Nhưng trước khi đặt chân tới Tibet hoặc Trung quốc, anh đã chứng minh được Kinh Thánh là thật. Anh đã liều mình và đã thắng cuộc.



Nhìn Thấy Đức Tin Của Bạn Gia Tăng



Nếu lý do thứ nhất của việc sống bằng đức tin là để chứng minh sự thực hữu của Đức Chúa Trời, thì lý do thứ hai là để nhìn thấy đức tin của chúng ta gia tăng. Hết thảy chúng ta đều được ban cho một lượng đức tin. Theo Rôma 12. Đức tin là một sự ban cho. Nhưng qua sử dụng, đức tin phải được lớn lên. Đức tin gia tăng khi chúng ta thực hành nó. Điều đó cũng giống như việc tập thể dục - sự khác nhau giữa những người thuộc hội Arnold Sehwarzeneggers với những người còn lại trong chúng ta là sự cam kết của họ để gia tăng sức mạnh và làm rắn chắc các bắp thịt bằng việc tập luyện "Không chịu gian khổ thì sẽ không thâu đạt được kết quả". Họ đã nhắc nhở chúng ta khi nêu một gương về tính chịu khó để chúng ta học hỏi.
Trong đời mình, đã có giai đoạn tôi cực kỳ yếu ớt. Trong nhiều ngày, tôi không thể nhấc đầu lên khỏi gối. Rồi một ngày nọ, tôi đã có thể nhấc đầu lên được một tí. Tôi vẫn cứ tiếp tục làm thế, bởi vì đó là tất cả những gì tôi có thể làm được. Sau một thời gian tôi lớn lên và đủ mạnh để xoay trở trên giường mình. Sau vài tháng, tôi có thể di động, nhưng chỉ bò được thôi. Tôi không đứng hoặc nói được. Thế rồi một ngày kia, khi đã tròn một tuổi, cuối cùng tôi đứng lên được và đi chập chững.



Thậm chí lúc ấy, vẫn còn một vấn đề gây khó khăn cho tôi, được gọi là lực hút. Tôi có thể bước vài bước và ngã nhào, cứ như vậy mãi, song khi tôi vận động mỗi ngày, chống lại sức hút thì dần dần tôi trở nên vững mạnh hơn, và ít ngã hơn. Cuối cùng, tôi thậm chí còn chạy và nhảy được.
Tôi nhận thấy kinh nghiệm của mình không có gì là khác biệt so với mọi người. Nhưng bạn có bao giờ suy nghĩ đến quá trình Đức Chúa Trời đã dự định khi cho chúng ta phải kinh qua giai đoạn thơ ấu chăng? Nếu như không có lực hút thì có phải là mọi sự sẽ dễ dàng hơn không? Những đứa bé chập chững có thể nhảy hoặc lướt hỏng trên mặt đất thay vì phải vật lộn để đứng được. Nhưng cuộc vật lộn ấy là điều cần thiết để giúp cho các bắp thịt của chúng ta phát triển.
Tương tự, nếu chúng ta chẳng bao giờ có các nhu cầu trong đời sống, nếu chúng ta có thể làm mọi việc mà không cần đến sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, thì làm thế nào chúng ta có thể học tập để tin cậy Ngài. Các môn đồ đã kêu lên rằng: "Xin thêm đức tin cho chúng tôi" (LuLc 17:5) . Họ đã từng thấy Chúa Jesus làm rất nhiều phép lạ. Chắc chắn Ngài có thể lập tức truyền lại đức tin cho họ. Nhưng họ đã phải đi qua một quá trình như chúng ta vậy. Cũng như sự sống được hà hơi vào chúng ta, đức tin là một sự ban cho của Đức Chúa Trời. Nhưng để cho đức tin gia tăng, nó phải được sử dụng và thử nghiệm.
Sheila Walsh được hàng triệu người biết đến bởi chức vụ hầu việc của cô trong lãnh vực âm nhạc và công tác với tư cách phụ tá người dẫn chương trình truyền hình Cơ Đốc "Câu Lạc Bộ 700". Nhưng trước khi tên cô ta trở nên quen thuộc với rất nhiều người như vậy, cô cũng là một thiếu nữ trẻ đã bước ra để đức tin non trẻ của mình được thử nghiệm, Sheila đã được nghe về một cuộc truyền giảng của hội Thanh Niên Sứ Mạng đang được hoạch định trong các Cuộc Đại Hội Olimpic Mùa Hè ở tại Montreal vào năm 1976. Là một sinh viên ở tại trường Cao Đẳng Kinh Thánh Luân Đôn, cô khao khát được ra đi và làm chứng niềm tin của cô với những người khách của Đại Hội Ôlimpic từ khắp nơi trên thế gới.
Khó khăn duy nhất đó là cô không có tiền, cô nói "Vào lúc ấy, cô không đủ tiền để sắm một cái quần jean mới nữa, chứ đừng nói đến chuyện mua một vé máy bay đi Canada". Thế nhưng cô đã cầu nguyện và cảm thấy một sự đảm bảo mạnh mẽ rằng cô phải đi Montreal. Sheila cũng tin rằng cô không phải nói với ai về nhu cầu của mình, mà chỉ cầu nguyện với Chúa thôi.
Thế rồi, trong giữa những tuần lễ ấy, số tiền cũng đã đến, từng ít một. Người ta bắt đầu gởi cho cô những khoản tiền nhỏ, gần đến số cô cần. Sheila đã có đủ tiền vé máy bay khứ hồi từ Luân đôn đến Newyork, với một ít đủ để đón xe đến Montreal. Nhưng cô vẫn còn cần đến 70 Mỹ kim để từ Montreal về NewYork.
Sheila không băn khoăn lắm. Há không phải Đức Chúa Trời đã lo liệu hàng trăm Mỹ kim cho cô lên đường rồi sao? Cô đến Montreal và hưởng hai tuần lễ truyền giảng với 1.600 anh em tình nguyện khác của chúng tôi từ nhiều quốc gia đến. Mỗi ngày, cô đi ra các đường phố và công viên thuộc Montreal để làm chứng. Và mỗi ngày cô chờ đợi để xem Đức Chúa Trời đưa cô về quê nhà như thế nào. 
Gần cuối kỳ họp mặt, tôi tập họp tất cả 1.600 anh em tình nguyện để dự một buổi nhóm ngoài trời ở bãi cỏ phía trước tòa nhà cũ mà chúng tôi đã mua làm trung tâm huấn luyện. Mặc dầu lúc ấy tôi chưa biết Sheila, song tôi biết rằng có nhiều thanh niên đã tin cậy Chúa để đến đây dự nhóm dầu không mua nổi vé khứ hồi. Tôi hỏi những ai có nhu cầu về tài chánh hãy đứng lên và bước tới phía trước đám đông. Hàng trăm người đã tiến lên phía trước. Sau đó tôi bảo mọi người hãy cúi đầu và cầu hỏi Chúa để tỏ cho họ biết ai là người họ cần đi đến và cần cho họ bao nhiêu.
"Và đừng bỏ việc dâng hiến chỉ vì chính mình đang có nhu cầu". Tôi nhắc nhở số người đang đứng ở phía trước.
Sheila nhớ rằng cô nghĩ như vầy "Tuyệt quá! Đây chính là chỗ mình sẽ kiếm được 63 đồng nữa, vì mình đã có được 7 đồng rồi. Nhưng thật là ngạc nhiên Sheila nhận được một cảm giác mạnh mẽ bảo cô hãy dâng hết 7 đồng cô đang có. "Chúa không thể bảo mình làm như vậy", cô nghĩ "Cho đi số tiền duy nhất mình có thì chắc chắn là một hành động vô trách nhiệm".



Tuy nhiên, Đức Thánh Linh vẫn tiếp tục thúc giục cô cho đến khi cô không thể nào từ chối được sự chỉ dẫn của Ngài. Cô khẽ bước đi quanh nhóm người ấy, ai nấy đều đang cúi đầu khẩn thiết cầu nguyện hoặc đang ôm chặt một người nào đó và trao tiền vào tay người ấy. Thật là một cảnh tượng lạ lùng và kỳ diệu.



"Lạy Chúa, Ngài muốn con trao cho ai số tiền 7 đồng này?" Sheila cầu nguyện. Và rồi cô trông thấy một cô gái tóc vàng, và cô biết mình phải trao số tiền cho cô bé này. Khi Sheila dúi 7 đồng vào tay cô bé tóc vàng, cô ta siết chặt Sheila và cười thật rạng rỡ "Đây đúng là số tiền em cần!"



Lòng đầy khích lệ, Sheila tìm về lại chỗ của mình. Nhưng đến lúc ấy, buổi nhóm đã kết thúc và mọi người ra về. "Chúa ôi, còn số 70 đồng của con thì sao? Con đã vâng lời, và bây giờ con sắp sửa phải sống ở Canađa đến hết đời!"



Cô tìm thấy một chỗ yên tĩnh bên bờ một con sông nhỏ nằm sau trung tâm YWAM. Cô ngồi xuống đó và tuôn đổ mọi lời than trách với Chúa. Sau một lúc, cô nghe tiếng Ngài phán bên trong lòng mình "Sheila, con tin cậy Ta, hay con chỉ tin những gì con hiểu được mà thôi?". Cô gục đầu xuống và để mặc cho nước mắt tuôn tràn, xin Chúa 
tha thứ cho mình vì sự vô tín.


Sáng hôm sau, mọi người thu xếp ra về. Những chiếc xe tải, xe buýt đang rời khỏi khuôn viên để đến phi trường, bến xe hoặc ga xe lửa, hoặc đến các trung tâm YWAM trên các vùng đất khác thuộc Bắc Mỹ hoặc Nam Mỹ. Sheila bước ra giữa ánh nắng rực rỡ với ba lô trên lưng, một chiếc bao ngủ và túi trống rỗng. Cô cảm tạ Chúa vì một ngày mới và về điều mà cô đang học tập để an tâm tin cậy Ngài. 
Trong lúc đợi ở bên ngoài cùng với những người khác tiến đến chỗ xe buýt đậu, cô nghe có ai gọi tên mình.



"Sheila Walsh? Ai là Sheila Walsh?". Cô quay lại, và thấy một trong những phụ nữ trẻ làm việc trong ban điều hành "Có một sự nhầm lẫn trong số tiền cô trả cho thời gian ở lại đây", cô ta giải thích "Cô đã trả dư". Sheila bóc chiếc phong bì vừa được ấn vào tay mình. Cô lôi ra bảy tờ mười đồng. Thế rồi xe buýt đến đưa cô ra bến xe.



Những phép lạ cũng như những sự cung ứng đầy kịch tính như vậy không xảy ra mỗi ngày, nhưng đó chính là những dấu ấn để nhắc nhở chúng ta về sự thành tín của Đức Chúa Trời vẫn có từ năm này qua năm khác. Những sự cung ứng đặc biệt như vậy không chứng tỏ sự thuộc linh của chúng ta, mà thật sự chứng tỏ cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời thật lớn lao đủ cho bất cứ một tình huống hoặc thử thách nào.



Đức Chúa Trời đã dẫn dắt dân Ysơraên trong đồng vắng suốt bốn mươi năm, cung ứng lương thực từ trời, nước từ vầng đá, và áo xống chẳng hề hư mòn. Ngài phán với họ vì lý do nào Ngài làm điều đó "Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy... để dạy cho ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Giêhôva" (Phuc Truyen 8:2-3)



Đức Chúa Trời hiện vẫn đang cần một dân tộc bằng lòng sống theo cách ấy, không nhờ cậy vào những phương tiện của chính mình để xem đó như là một cách kiếm sống, cũng không nhờ cậy vào một tổ chức nào thuộc về đời nầy, nhưng trông cậy nơi chính Ngài.



Nhiều dân tộc ngày nay đang ở ngưỡng cửa của sự phá sản. Nền kinh tế của thế giới thật dễ đổ vỡ, gắn bó với nhau bằng một chính quyền đặt niềm tin trên một chính quyền khác, bởi một cá nhân đặt niềm tin trên một cá nhân khác và bởi những người đặt niềm tin vào một hệ thống tiền tệ bởi vì chính quyền dựa trên hệ thống tiền tệ đó.



Sau một trong các kỳ kiểm tra sức khỏe hàng năm của bố tôi, bác sĩ tuyên bố ông "vô cùng nhu nhược!". Bố tôi trả lời với ánh mắt tinh nghịch "Thế thì tôi thật sự lo sợ đấy bác sĩ ạ".



Chúng ta không thể đặt đức tin mình trên bất cứ tổ chức nào của loài người, chúng đều sẽ sụp đổ. Bạn có thể bỏ tiền vào những chương trình bảo hiểm hoặc các cổ phần và trái phiếu, hoặc tiền trợ cấp hàng năm. Những thứ ấy chẳng có gì là sai. Nhưng đừng đặt đức tin vào đấy. Hãy đặt lòng tin cậy của bạn vào điều cao hơn con người. Tôi đã khám phá được rằng, con người ta vì xu hướng ích kỷ, đôi khi ngay cả trong một nổ lực nhằm giúp đỡ người khác đã không giúp được mà lại làm hỏng việc. Tôi không tin cậy loài người. Nhưng tôi tin những người nam người nữ thuộc về Đức Chúa Trời và tôi tin cậy Đức Chúa Trời. Tôi cũng tin Ngài cai trị và thậm chí kiểm soát những kẻ gian ác dưới quyền của Ngài.



Chúng ta cần phải nhìm xem Đức Chúa Trời như là nguồn cung ứng thật sự của mình. Khuynh hướng tự nhiên của lòng người ta là luôn hướng đến sự độc lập tách rời sự lệ thuộc vào Đức Chúa Trời và người khác. Có phải đó là lý do khiến Chúa Jesus dạy chúng ta hãy cầu nguyện "xin cho chúng tôi đồ ăn đủ ngày" không? Hãy lưu ý, Ngài không dạy chúng ta phải cầu xin đồ ăn cho tuần lễ kế tiếp, mà chỉ xin trong hoàn cảnh có cần lúc ấy. Sự lệ thuộc mỗi ngày nơi Chúa cho chúng ta biết chúng ta đang ở trong ý muốn của Ngài đang vâng phục Ngài. Mỗi ngày chúng ta có thể ngửa trông nơi Chúa hơn là nơi con người.



Những người tin cậy rằng Chúa sẽ lo liệu các nhu cầu cho họ đang lúc ở trong chức vụ hầu việc, đặc biệt cần phải ghi nhớ điều đó. Rất dễ để chúng ta để mắt vào những con người mà Chúa đã dùng trong quá khứ để đáp ứng các nhu cầu của chúng ta. Khi có một quyết định về mặt tài chánh, nếu không cẩn thận thậm chí chúng ta cũng bực bội những người không dâng hiến. Chúng ta phải chống lại những khuynh hướng nhờ cậy vào thế giới hiện hữu thay vì thế giới mà mắt trần không thấy được. Điều không thấy được thật sự bảo đảm và đáng tin cậy hơn. Đức Chúa Trời phán rằng trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Ngài sẽ chẳng hề qua đi. Ngài yêu thương chúng ta và quan tâm đến mọi lãnh vực của đời sống chúng ta cũng như từng nhu cầu của chúng ta. Và Ngài sẽ minh chứng Chính Mình Ngài cho chúng ta cũng như cho thế gian bằng cách chăm lo cho chúng ta.



Lắng Nghe Tiếng Chúa Và Học Biết Các Đường Lối Ngài



Một lý do khác nữa của việc sống bằng đức tin là học tập cách biết lắng nghe tiếng Chúa và vâng lời Ngài. Chúa phán rằng Cha chúng ta trên trời biết rõ điều chúng ta cần trước khi chúng ta xin Ngài. Vậy sao Ngài lại muốn chúng ta cầu xin? Đức Chúa Trời muốn giữ cho mối thông công với chúng ta được mở rộng. Nếu chúng ta tin cậy Ngài trong lãnh vực tài chánh, Ngài phải dẫn dắt từng bước đi của chúng ta. Ngài cần sự tập trung trọn vẹn của chúng ta để dạy dỗ chúng ta về bản tánh của Ngài, đường lối và quyền năng của Ngài.



Bạn hãy nhớ rằng dân Ysơraên biết các công việc Ngài, nhưng Môise thì biết các đường lối Ngài (Thi Thien 103:70). Ngài muốn chúng ta hiểu biết Ngài cách thật sâu nhiệm để có thể tin cậy Ngài nhiều hơn, và Ngài sẽ đặt để những tình huống đặng chúng ta có thể học biết đường lối Ngài trong khi tiếp nhận sự cung ứng cho các nhu cầu của mình.



Vào năm 1972, chúng tôi dự định tổ chức tại Munich thuộc Đức Quốc một cuộc truyền giáo lớn rộng nhất vào thời đó nhân khi có Thế vận hội Olympic Mùa Hè.



Tuy nhiên trở ngại lớn nhất mà chúng tôi phải vượt qua là vấn đề nhà ở. Chúng tôi dự tính có một ngàn công tác viên từ khắp nơi trên thế giới đến. Nhưng sẽ cho họ ở đâu? Tất cả các khách sạn, các quán trọ thanh niên, các phòng trọ, thậm chí đến các dinh thự của tư nhân với các phòng phụ đều đã được đặt chỗ trước hàng tháng rồi.



Đã nhiều tháng rồi cho đến khi chúng tôi cần nơi ăn ở cho các công tác viên. Một nhu cầu cấp bách hơn nữa là chỗ để đặt máy in của chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được tiền dâng cho các văn phẩm truyền giáo, nhưng cần phải tiết kiệm hơn nữa để mua một chiếc máy in Heidelberg và cùng với các nhân sự tình nguyện tự in lấy các văn phẩm. Chiếc máy in lớn sẽ được giao trong vài ngày tới, mà chúng tôi vẫn chưa có chỗ để nhận nó. Chúng tôi cử hai thanh niên là Gary Stephens và Doug Sparks để tìm chỗ.



Từ Đức, Gary gọi về cho tôi "Loren nầy, chúng tôi đã tìm được một chỗ cho máy in rồi".



"Cái gì cơ, Gary? Một nhà kho ư?"



"Phải, đúng, nhưng nó được gắn liền với một lâu đài của thế kỷ thứ mười sáu trong một thị trấn có tên là Hurlach. Tòa lâu đài đó đang được kêu bán!"



Bằng cách nào đó, ngay khi nghe anh báo như vậy, tôi đã biết tòa lâu đài ấy thuộc về chúng tôi mặc dầu chúng tôi không có thêm tiền để mua bất cứ thứ gì.



Tôi đi cùng với hai người bạn, Don Stephens và Brother Andrew để gặp gỡ các chủ nhân. Trên đường đến đó, Đức Chúa Trời đã ghi sâu vào đầu óc tôi số lượng tiền phải đề nghị và thời điểm mà chúng tôi cần phải giữ quyền sở hữu. Khi đã gặp, chúng tôi nói cho họ biết những điều kiện của mình: Trong mười ngày chúng tôi sẽ giao khoản thanh toán thứ nhất là 100.000 đồng Mác (tức là khoảng 31.000 Mỹ kim), nhưng chúng tôi cần được dọn vào tòa lâu đài ấy ngay ngày hôm sau (chúng tôi không còn cách lựa chọn nào khác. Chiếc máy in phải được giao vào ngày hôm sau...đến chỗ nào đấy!)



Những người chủ hơi sửng sốt, nhưng họ đi riêng ra để trao đổi. Vài phút sau họ trở lại, đồng ý với giá chúng tôi đề nghị và giao chìa khóa tòa lâu đài. Một trong những người chủ bất động sản bảo "Các anh thật có một cách thương lượng để mua bất động sản khác thường. Các anh đi mua mà cứ như là đang mua cây cà rem ấy!"



Công việc mua bán thật dễ dàng. Chúng tôi nhận quyền sở hữu tòa lâu đài ngay đêm đó. Trong vòng một tuần lễ, 100.000 đồng mác từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau ở tại Châu Âu đã được gởi tới. Mọi người đều cảm thấy được dẫn dắt để gởi chúng đến cho chúng tôi. Và chúng tôi dọn đến...ngay lập tức, chỉ vài giờ trước khi chiếc máy in Heidelberg đến nơi. Thật quá dễ dàng.



Tôi suy nghĩ "Điều này thật tuyệt diệu! Đức Chúa Trời phán với chúng ta và cho chúng ta các điều kiện, người ta đồng ý với điều kiện đó, thế rồi Đức Chúa Trời dẫn dắt con cái Ngài dâng hiến tiền bạc. Chúng tôi dọn vào một cơ ngơi và sử dụng nó cho sự hầu việc Chúa". Tôi mong là công việc lúc nào cũng được dễ dàng như vậy.



Tuy nhiên, Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ chúng tôi các đường lối Ngài, để chúng tôi phải đặt lòng tin cậy nơi Ngài, chứ không phải nơi các phương pháp. Điều đó có nghĩa là phương pháp sẽ luôn khác nhau ở hầu hết mỗi thời điểm. Chỉ có là dẫu khác nhau thế nào thì chúng tôi cũng phải sớm học biết.



Lynn và Marti Green đã rời trung tâm của chúng tôi ở tại Thụy sĩ để đi tiên phong trong một công tác khác tại Vương quốc Anh. Một ngày nọ, Lynn gọi về, phấn khởi về một bất động sản mà anh cảm thấy Đức Chúa Trời muốn ban cho họ.



"Thật không thể tin được, Loren à", Anh ta nói với tôi qua điện thoại "Một tòa nhà cổ rất lớn của người Anh, rộng đủ để chứa 100 nhân sự và học viên. Gọi là Trang viên Holmsted. Tôi chưa bao giờ chọn một cơ ngơi quá lớn như vậy, nhưng Marti và tôi cùng các thành viên trong ban chấp hành đã cầu nguyện, và chúng tôi cảm biết điều đó đến từ Đức Chúa Trời".



Thật tuyệt vời, tôi nghĩ, lại thêm một tòa lâu đài nữa. Đức Chúa Trời thật quá tốt lành và việc tin cậy Ngài như vậy để mua các bất động sản lớn thật quá dễ dàng.



Tôi bay đến phi trường Heathrow, nơi Lynn và Marti cùng với bảy thành viên ban chấp hành của tổ chức Thanh Niên Sứ Mạng của Vương quốc Anh đón tôi. Giữa lúc đó, tôi cũng vẫn đang cầu nguyện. Tôi cũng đã đồng ý với họ rằng, phải, điều đó đến từ Đức Chúa Trời, không phải chỉ là điều phấn khởi và khao khát của con người mà thôi.



Chúng tôi lái xe đến Crawley rồi sau đó đến Trang viên Holmsted cách trung tâm Luân Đôn 37 dặm. Tôi thật không nghĩ đến sự thanh lịch tao nhã thuở xưa của tòa nhà ba tầng với các công trình xây dựng khác nhau ở xung quanh nằm trên mảnh đất 13 mẫu Anh (khoảng 52.000 mét vuông). Giá đặt bán là 60.000 bảng Anh (khoảng 144.000 Mỹ kim vào lúc đó) kể cả 5000 bảng cho các đồ đạc trong nhà chính. Người chủ đã chia khu đất nguyên thủy ra như vầy: ba mẫu gồm một bể bơi, một sân bóng đá nằm bên một đường ô tô trong trang viên, cộng với ba mẫu ở bên kia đường được bán riêng rẻ. Phần còn lại là miếng đất có hình dạng của chiếc đàn ghita, mà cần đàn là một con đường xe ô tô chạy dài, không có cây cối dẫn đến trang viên oai nghiêm và các khu nhà chính.



Chúng tôi để chiếc xe tải của mình ngoài xa lộ và đi bộ trên đường ô tô vào trang viên và khu biệt thự cổ xưa đồ sộ nầy, chiêm ngưỡng lớp ván lót tường bằng gỗ sồi được chạm trổ bằng tay và những cửa sổ kính màu trong hành lang của sảnh đường. Trong lòng tôi có tiếng nói rằng: Đây là điều ta muốn ban cho con để làm trung tâm huấn luyện truyền giáo cho nước Anh.



Sau khi xem xét kỹ lưỡng các tòa nhà chính, nhiều người trong chúng tôi quyết định diễu hành vòng quanh chu vi bất động sản này, cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban nó cho chúng tôi. Chúng tôi khó khăn lội qua lớp đất bùn sình, lầy lội trong niềm phấn khởi tuyệt vời ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài hẳn sẽ ban cho số tiền có cần (Lúc ấy hội YWAM ở Vương quốc Liên hiệp Anh mới chỉ có 200 bảng trong ngân hàng - đủ để trả cho việc tham quan khảo sát ngôi biệt thự)



Khi kết thúc cuộc "diễu hành bằng đức tin" của mình, thay vì quay trở lại lối đi không có cây cối dành cho xe ô tô dẫn ra xa lộ, chúng tôi quyết định cùng "kéo quân" đến chung quanh các lô đất kế cận "chiếc cần đàn ghita" - là vùng đất không được kể vào dự án: ba mẫu đất có bể bơi và sân bóng đá, cộng với ba mẫu đất nằm ở phía bên kia lối đi.



Sau cuộc diễu hành cầu nguyện ngày hôm đó, Lynn và Marti bắt đầu nói với các Cơ Đốc nhân tại Anh quốc về kế hoạch dự định mua lãnh địa Holmsted làm trung tâm huấn luyện truyền giáo. Trong vòng bốn tháng, 6000 bảng Anh đã được gởi đến, vậy là đủ để đặt cọc. Dường như đây cũng sẽ là một cuộc chinh phục dễ dàng nữa...giống như tòa lâu đài ở tại Đức. 


Điều đó rồi cũng sẽ xảy đến vào đúng thời điểm.. Lynn và Marti cùng 22 nhân sự của họ đều ở tạm với những người bạn khác nhau, và trong vòng ít ngày nữa, rất đông người tình nguyện vào dịp hè sẽ đến và làm chứng trên các đường phố thuộc Crawley. Lynn và Marti không biết sẽ phải cho tất cả những công tác viên ấy ở đâu.


Tuy nhiên, chúng tôi đang ở trong một khóa huấn luyện đặc biệt hoàn toàn dành riêng cho chúng tôi, do Chính Mình Cha thiên thượng sắp đặt. Ngài quan tâm đến việc chúng tôi cần học tập các đường lối Ngài hơn là việc mua được các bất động sản dễ dàng cho công việc Ngài. Thật bất ngờ, trước sự bối rối và buồn bã của chúng tôi, trang viên Holsted đã nhanh chóng được bàn giao cho một người khác! 
Chúng tôi đến với Chúa và cầu hỏi "Vì sao điều này lại xảy ra? Chúng con đã nghĩ rằng Ngài bảo nó thuộc về chúng con để làm trung tâm huấn luyện các hội truyền giáo cơ mà?". Không có câu trả lời...chỉ có sự bảo đảm yên lặng rằng Ngài đã có phán Trang viên Holmsted đã thuộc về chúng tôi.



Ngài đã xác quyết điều này bằng cách cảm động các bạn hữu Cơ Đốc dâng hiến cho việc mua Trang viên Holmsted, mặc dầu họ biết khu đất này đã bán rồi, số còn lại của khoản tiền 60.000 bảng Anh đã đến đủ, và chúng tôi cẩn thận cất nó vào một trương mục ngân hàng riêng biệt.


Trong lúc ấy, Lynn đã thuê được một ngôi nhà lớn để cung cấp chỗ ở cho các công tác viên mùa hè. Sau mùa hè đó, chúng tôi tiếp tục đeo đuổi Trang viên Holmsted, song chúng tôi hoàn toàn thất vọng. Đến lúc nầy Lynn và Marti cùng với 40 cộng sự viên hiện đang cư ngụ trong một căn nhà nhỏ ở tại Luân Đôn, cùng dùng chung một phòng tắm theo một thời khóa biểu được quy định rất chặt chẽ! 
Chức vụ hầu việc tiếp tục được phát triển. Họ đã có những đội ngũ đi vào trung tâm Luân Đôn và các vùng ngoại ô khác, họ vẫn tiếp tục tạo cơ hội cho các buổi huấn luyện đặc biệt trong căn hộ thuê chật hẹp của họ, thường rất buồn cười. Có một giáo sư Trường Kinh Thánh từ Hoa kỳ dành vài ngày giảng thuyết trong gian phòng rộng nhất của họ, đó là một buồng ngủ rộng 4m dài 5m, với những chiếc giường tầng được xếp chung quanh. Các học viên ngồi trên giường tầng và học giả Kinh Thánh nghiêm trang đường hoàng đứng bên cửa sổ rao giảng hết lòng.



Ngày tháng trôi qua, nhưng Đức Chúa Trời không để cho chúng tôi từ bỏ ý định đó. Trang viên Holmsted được chuyển từ người chủ thứ nhất sang một người chủ khác gấp ba lần giá tiền chúng tôi đã đặt giá lúc đầu!



Trong lúc đó số nhân sự của YWAM ngày càng phát triển, phải dời chuyển hết nơi này sang nơi khác. Cuối cùng, chúng tôi (hợp đồng) thuê lâu đài Ifield, một tòa nhà đặc sắc khác, nhưng đã có phần mục nát chút ít, cách Trang viên Holmsted khoảng 6 dặm (khoảng 9 km). Một lần nữa, việc sắp xếp được thực hiện ngay truớc một vụ hè thu khác, các anh em tình nguyện chuẩn bị đến để làm công tác truyền giảng. Vấn đề duy nhất đó là, không có đồ đạc gì trong lâu đài Ifield cả.



Không đầy một tuần trước khi các anh em tình nguyện đến, Lynn lại tiến hành một cuộc thâm nhập vào Trang viên Holmsted, chỉ vì tò mò. Khi anh dừng xe, các công nhân ở đó đang khiêng đồ đạc ra. Anh hỏi thăm, người đốc công cho biết các chủ nhân mới đang tính mở một trường tư thục dành riêng cho nam sinh từ 7 đến 13 tuổi và họ muốn có những bàn ghế mới.



"Họ tính làm gì với số đồ đạc cũ này vậy?" Lynn hỏi, anh còn nhớ đó chính là số đồ đạc mà chúng tôi đã đặt giá 5.000 bảng Anh trong dự kiến ban đầu.



"Ôi, tôi đoán là họ sẽ mang ra đấu giá"



"Tôi mua được không?", Lynn hỏi. Chắc hẳn người đốc công cũng có một số quyền hành nào đó bởi vì ông hỏi "Ông trả giá bao nhiêu?", Lynn hít một hơi thật sâu và đáp "Một trăm bảng Anh". Người đốc công lột nón ra và nhìn quanh các công nhân, vẫn cẩn thận bốc dỡ đồ đạc từ ngôi nhà đến lối đi vòng tròn trong sân. Ông chụp vội chiếc mũ lại trên đầu, nhìn vào Lynn và đáp trả "Hai trăm bảng Anh". Rồi họ kết thúc với giá thỏa thuận là 150 bảng Anh. Thế là các thành viên của YWAM hoan hỉ thu nhặt các đồ đạc mà lúc trước họ đã phải thỏa thuận với giá 5.000 bảng Anh.



"Chúng tôi có cảm giác y như Giôsuê và Calép lúc mang những chùm nho khổng lồ từ Canaan về!" Lynn kể lại "Đối với chúng tôi, những đồ đạc ấy là một lời hứa về quyền thừa kế tương lai đối với Trang viên Holmsted".



Nhưng hãy yên tịnh, khi ngày tháng đã kéo dài thành các năm, thật khó để giải thích về sự chậm trễ cho những người đã dâng hiến tiền của là những người tin cậy chúng tôi trong việc mua Trang viên Holmsted.



Trong những năm đó, một lần Lynn gặp tôi ở tại sân bay Heathrow, Luân Đôn. Chúng tôi ngồi trong chiếc xe đang đậu của anh ấy và cầu nguyện với Chúa để xin Ngài bằng cách nào đó cho chúng tôi có thể tạ lỗi trước công chúng và hoàn trả 60.000 bảng Anh trong ngân hàng cho những người đã dâng tặng. Chúng tôi nghĩ chắc hẳn chúng tôi đã mắc sai lầm. Đức Chúa Trời đã không phán gì về Trang viên Holmsted. Ngài đã ban lâu đài Ifield cho chúng tôi thay vào đó. Thật ra đến lúc ấy lâu đài Ifield cũng đã quá đông đến tràn ngập, với 100 nhân sự cùng các gia đình.



Nhưng Đức Chúa Trời không để chúng tôi làm điều vô ích. Mặc dầu Ngài đã quả quyết với chúng tôi rằng việc có lâu đài Ifield là đúng, song Ngài vẫn cho chúng tôi một sự xác quyết âm thầm rằng Lời Ngài vẫn không thay đổi từ bốn năm về trước. Chúng tôi cũng sẽ có Trang viên Holmsted. Chúng tôi có thể dễ dàng hiểu được Giôsép đã cảm thấy thế nào khi ông rời Aicập, nơi mà ông được rèn thử bởi Lời của Đức Giêhôva (105:19). Nếu chỉ nói lời xin lỗi và bảo rằng chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội thì chắc là dễ dàng hơn nhiều.



Cuối cùng, vào mùa hè 1975, bốn năm sau lần chúng tôi thực hiện cuộc diễn hành cầu nguyện lội qua các bãi đất sình lầy xung quanh Trang viên Holmsted và các mẫu đất tiếp giáp, tín hiệu đã đến từ người chủ. Họ chấp thuận giá đặt đầu tiên của chúng tôi: 60.000 bảng Anh!



Cũng vậy, trong những năm ấy, những miếng đất nằm hai bên bất động sản có hình dạng chiếc đàn guitar đã tính thêm vào. Bây giờ với 60.000 bảng, chúng tôi có được bất động sản mà ban đầu chúng tôi đã cố gắng mua cộng với ba mẫu đất có sân bóng đá và bể bơi cùng ba mẫu đất trồng trọt ở phía bên kia nữa - là các phần đất mà chúng tôi đã kể vào trong cuộc tuần hành cầu nguyện bốn năm về trước.



Sau khi đã chuyển đến Trang viên Holmsted, chúng tôi lại có một cuộc diễu hành khác nữa, lần này là cuộc diễu hành ngợi khen Chúa với 175 thành viên Thanh Niên Sứ Mạng bước đầu trên lãnh địa ấy. Chúng tôi đã có được quá nhiều, hơn cả một mảnh đất giá trị để sử dụng cho việc huấn luyện các nhà truyền giáo trẻ tuổi. Chúng 
tôi đã học tập được các đường lối của Đức Chúa Trời:



. Ngài đã tỏ cho chúng tôi thấy rằng khi Ngài phán, thì dẫu hoàn cảnh có nói khác hay các sự việc trở nên xấu đi, Ngài vẫn là Đấng làm mọi việc trôi chảy. Dầu vậy không phải lúc nào mọi việc cũng dễ dàng như mua những cây kem đâu.



. Chúng tôi học biết rằng, khi Đức Chúa Trời đã cho thêm chúng tôi lâu đài Ifield, đôi khi Lời Ngài phán không phải là chúng tôi chỉ có cái nầy hoặc cái kia nhưng là có cái nầy và cả cái kia nữa.



Chúng tôi cũng đã học biết nhiều điều khác nữa kể cả việc Cha thiên thượng quan tâm đến chính chúng tôi hơn các bất động sản nhiều. Ngài muốn dạy chúng tôi các đường lối Ngài và nhìn thấy tâm tánh chúng tôi tăng trưởng, đức tin chúng tôi gia tăng, hơn là lập tức cung ứng các nhu cầu của chúng tôi.



Nếu Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta nhiều hơn Ngài quan tâm đến tiền bạc, thì tiền bạc có chỗ nào để cai trị chúng ta? Há Ngài không làm gì được với tiền bạc ư? hay Ngài chỉ quan tâm đến lĩnh vực tâm linh thôi? Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy hai lãnh vực này - Thuộc linh và thuộc thể có liên hệ với nhau như thế nào.




Tác giả: Loren Cunningham & Janice Rogers