Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

CƠ ĐỐC GIÁO CÓ HỢP LÝ KHÔNG? - 3


 Màn kính đạo đức bị che mờ
Màn kính đạo đức bị che mờ, hoặc sự mạc khải đầy trí tuệ của Đức Chúa Trời có thể vô tình che mờ sự hiểu biết của chúng ta. Sức kéo của đạo đức có thể trở nên nan giải, quá độ và không chịu từ bỏ chúng ta. Trong một số trường hợp, vấn đề thật sự không phải là con người không thể tin - nhưng mà là họ “sẽ không tin”. Chúa Giê-xu đã thẳng thừng vạch rõ đây chính là cội rễ của vấn đề khi nói chuyện với những người Pha-ri-si sùng đạo, những nhà cầm quyền hợp pháp thời bấy giờ. Ngài bảo họ: “Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống” (Giăng 5:40). Sau đó Chúa Giê-xu tiếp tục dạy rằng khi một kết ước đạo đức được thiết lập, nó sẽ đem lại sự hiểu biết cho tâm trí. Thậm chí nó còn đem lại sự quyết tâm loại bỏ những cản trở từ tâm trí. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (7:17).
Những nan đề về trí tuệ được khẳng định mà không được chứng minh thường là màn khói bao phủ sự nổi loạn của đạo đức. Như nhà thơ Emily Dickinson đã viết: “Không ai thất bại trong khoảnh khắc. Trượt ngã - là định luật phá sản”.
Một câu hỏi lạc đề nữa chúng ta thường nghe là: “Nếu Cơ đốc giáo là hợp lý thì tại sao đa số những người có học thức lại không tin?” Câu trả lời thật giản dị. Họ không tin chính vì một vấn đề giống y như lý do khiến đa số những người không có học thức thường làm. Họ không muốn tin. Đó không phải là một vấn đề của năng lực trí óc, vì có rất nhiều Cơ đốc nhân xuất sắc trong mọi lãnh vực về nghệ thuật và khoa học. Cuối cùng thì niềm tin cũng chỉ là vấn đề của ý chí. Và Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những chứng cớ khởi điểm qua công trình sáng tạo của Ngài.
Có một sinh viên nọ nói với tôi rằng tôi đã trả lời thỏa mãn tất cả các câu hỏi của anh. Tôi bèn hỏi: “Vậy anh sẽ trở thành một Cơ đốc nhân chứ?”
“Không đâu”, anh ta trả lời.
Lúng túng, tôi hỏi: “Sao lại không?”
Anh ta thú nhận: “Thú thật là điều đó sẽ làm xáo trộn cuộc sống hiện tại của tôi”. Anh ta nhận thức được rằng vấn đề thật sự của anh ta nằm ở phương diện đạo đức chứ không phải trí thức. 
John Stott thiết lập một thế quân bình khi ông tóm tắt câu chuyện Tin Lành: “Chúng tôi không thể đồng lõa với sự kiêu ngạo về phương diện tri thức của con người, nhưng phải nâng đỡ cho sự ngay thẳng của trí tuệ người ấy”.  
Sự nghi ngờ dẫn đến sự sợ hãi  
Ngay cả những Cơ đốc nhân tận hiến cũng đặt vấn đề với niềm tin của mình và tự hỏi không biết điều đó có thật hay không. Sự nghi ngờ có thể đem lại nỗi sợ hãi đối với tâm linh và thường bị đè nén cách bệnh hoạn. Những người sinh ra trong gia đình Cơ đốc và giáo hội Cơ đốc thấy rằng họ rất dễ nghi ngờ tính xác thực của những kinh nghiệm thời thơ ấu. Từ nhỏ họ đã chấp nhận sự kiện Cơ đốc giáo chỉ dựa trên căn bản là sự tự tin và tin tưởng nơi cha mẹ, bạn bè và mục sư. Khi lớn lên và phát triển về phương diện học vấn, thì họ xét lại những sự dạy dỗ trước kia.
Kinh nghiệm như thế rất lành mạnh và cần thiết cho niềm tin đích thực và vững chắc. Không có gì phải sợ hay lo lắng về điều đó. Những lúc tôi đi du lịch tới một chỗ mới, tôi vẫn thường tự hỏi khi nhìn vào đường phố và những con người xa lạ “Little này, làm sao cậu biết là mình không hề bị một chương trình tuyên truyền rầm rộ lôi kéo? Dù sao thì cậu cũng đâu có thấy Đức Chúa Trời, có rờ, có nếm hay cảm biết Ngài đâu”. Và rồi tôi tiếp tục tự hỏi làm sao tôi biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu Christ của Kinh Thánh là thật. Tôi luôn quay về với hai yếu tố cơ bản: 
Khía cạnh khách quan, ngoại tại, những sự kiện lịch sử về sự phục sinh. 
Khía cạnh chủ quan, nội tại, những từng trải cá nhân về Chúa Giê-xu mà tôi đã nhận biết trong chính cuộc đời của mình qua những cuộc giải phẫu nguy kịch và những quyết định khó khăn trong sự nghiệp.
Khi một người, dù già hay trẻ, bắt đầu thắc mắc và Đức Chúa Trời dường như xa cách họ, thì chúng ta nên hoan nghênh sự nghi ngờ ấy như một cách thức để tăng trưởng. Một Cơ đốc nhân có thể giúp đỡ bằng cách hoan nghênh sự chân thật và thẳng thắn, để tạo ra một bầu không khí cho một người cảm thấy thoải mái để “trút bầu tâm sự” và bày tỏ những nghi ngờ của mình. Nếu không, người đó có thể bị đẩy vào đường cùng, thậm chí họ sẽ thối lui vì cớ họ nghĩ rằng một Cơ đốc nhân tốt không bao giờ được nghi ngờ. Họ không phải là người ngu ngốc. Thật đáng buồn, tôi đã chứng kiến một vài người gặp phải sự phản hồi chẳng có chút cảm thông nào, họ nhanh chóng sang số và kịch liệt binh vực ý kiến của mình, dầu việc làm đó không xuất phát từ tấm lòng họ. Khi họ thoát ra khỏi áp lực phải tuân theo các hình thức, họ giũ bỏ niềm tin của mình như lột bỏ một cái áo mưa bởi vì nó chưa bao giờ là niềm tin của riêng họ cả.
Nghi ngờ và thắc mắc là bình thường đối với những con người biết suy nghĩ. Thay vì tỏ ra khó chịu, bất mãn, tốt hơn là chúng ta nên lắng nghe người hỏi mình, và nếu có thể, nên xoáy sâu vào câu hỏi hơn nữa. Rồi ta nên đề nghị một lời giải đáp. Vì Cơ đốc giáo tập trung vào một Đấng vốn là Chân lý nên một cuộc khảo sát tỉ mỉ, cặn kẽ chẳng bao giờ làm hại cho đạo ấy cả. 
Đừng hoảng sợ
Nếu chúng ta không có ngay câu trả lời, thiết tưởng không cần gì phải tỏ ra hoảng sợ. Chúng ta có thể tiếp tục tìm kiếm, kết tinh câu hỏi lại và kiểm tra ở những quyển sách chuyên về giải đáp những thắc mắc dường như khó giải đáp. Không có lý gì một câu hỏi mới do một ai đó nghĩ ra tuần trước lại có thể làm cho cả Cơ đốc giáo phải sụp đổ. Những người sáng suốt đã từng suy nghĩ về những câu hỏi thật sâu sắc của mọi thời đại và đều trả lời được cả. 
Chúng ta không cần trả lời thật đầy đủ tất cả các câu hỏi, vì Chúa không hề mạc khải đầy đủ tâm trí Ngài cho chúng ta về mọi vấn đề. “Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời” (Phục 29:29). Đây không phải là điều để trốn tránh trách nhiệm! Đức Chúa Trời ban cho chúng ta dư dật những hiểu biết để có một nền tảng vững chắc đằng sau niềm tin và cuộc sống của chúng ta. Cơ đốc giáo dựa trên một niềm tin hợp lý. Nếu dùng cả núi chứng cớ để kiểm tra ý tưởng bạn thì đừng sợ hãi. Ở trường cao đẳng và đại học, khán giả có thể bao gồm 98% những người theo thuyết bất khả tri. Định thần một chút bạn có thể dễ dàng đoán được câu hỏi thường được đặt ra trong phần nửa tiếng đồng hồ. Những câu hỏi có thể đa dạng về mặt từ ngữ, nhưng vấn đề tiềm ẩn đều giống nhau. Sự nhất quán này là cả một nguồn giúp đỡ ích lợi để biết được những câu hỏi trọng tâm, chỗ nào cần mài giũa sự hiểu biết của mình và làm thế nào để mài giũa những tư tưởng trong quyển sách này. 
Sự đáp ứng của những người nghi ngờ
Những người nghi ngờ là những người nhìn thấy những vấn đề rắc rối nằm ở đâu. Sau khi được giải đáp cho những thắc mắc của mình, bước kế tiếp là sự quyết định. Không quyết định gì cả tức là quyết định chống lại lập trường Cơ đốc giáo. Nghi ngờ liên tục về những thông tin đầy đủ có nghĩa là không bỏ cuộc mà tiếp tục tìm kiếm và từ từ bạn sẽ được tưởng thưởng. “Cơ đốc giáo không phải là một phương thuốc có bằng công nhận sáng chế. Nó nêu lên một loạt những sự kiện để trình bày cho bạn biết vũ trụ như thế nào. Nếu Cơ đốc giáo là giả dối thì không có một con người thành thật nào muốn tin vào nó hết. Tuy nhiên, nếu nó là có thật, thì mọi con người thành thật đều muốn tin vào nó... Đúng, Cơ đốc giáo sẽ làm cho chúng ta trở nên tốt hơn - tốt hơn nhiều so với bất cứ điều gì bạn có thể trông đợi!” 
Chúng ta tin chắc rằng sự tìm kiếm hết lòng của chúng ta sẽ được thưởng. Trong những trang tiếp theo chúng ta sẽ nhấn mạnh một số câu trả lời cho những thắc mắc thường gặp và làm rõ những vấn đề đó. Bạn có thể tin điều này, bỏi vì Cơ đốc giáo là có thật và hợp lý. Chúa Giê-xu cho chúng ta một lời khích lệ: “Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10).