Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

CƠ-ĐỐC-GIÁO CÓ HỢP LÝ KHÔNG? - 1


“Niềm tin là gì?” Vị giáo viên Trường Chúa Nhật hỏi và một cậu bé trả lời trong chớp mắt: “Là tin điều mà ta biết là không có thật”.
Không có gì ngạc nhiên khi có những người đang tìm hiểu về niềm tin và Cơ đốc giáo định nghĩa theo cách này. Trong thực tế, có nhiều tín đồ âm thầm hay công khai chấp nhận quan điểm như thế. Hơn hai mươi năm qua, tôi đã từng đưa ra câu hỏi này trong các buổi thảo luận ở các trường đại học và cao đẳng khắp đất nước. Một sinh viên đại học trung bình cũng có thể sẽ đưa ra cùng một câu trả lời như cậu bé nọ. Có thể được diễn tả bằng những từ ngữ khác nhau nhưng câu trả lời vẫn tiềm tàng ý tưởng tự đánh lừa và không tin chắc.
Khi trình bày cho các sinh viên tôi dùng những từ ngữ đơn giản để mô tả ý nghĩa niềm tin mà Kinh Thánh trình bày. Sau đó tôi đặt ra những câu hỏi cho thính giả ở dưới. Những câu trả lời của họ cho thấy vấn đề đã được sáng tỏ.  
Bạn vẫn cần đến trí óc
Những người tìm hiểu sẽ nhận xét một cách đầy thách thức rằng buổi thảo luận thật là ích lợi bởi vì lần đầu tiên họ được nghe một bản đúc kết súc tích và thực tế về sứ điệp Tin Lành. Những người đã tin thỉnh thoảng cũng nói rằng họ rất thỏa mãn được nghe câu chuyện Tin Lành được biện giải một cách mạch lạc trong những cuộc thảo luận công khai như vậy. Họ nhận ra rằng họ không phải từ bỏ trí óc của mình khi trở thành một tín đồ!
Chúng ta sống trong một thế giới ngày càng có nhiều người sành điệu và học thức với nhiều sự chọn lựa lôi cuốn sự chú ý của chúng ta. Vô tình những điều chúng ta tin tưởng sẽ bị suy giảm vì nhiều thứ hấp dẫn khác và hệ thống niềm tin của chúng ta bị lung lay. Thế giới như thế đòi hỏi chúng ta phải biết tại sao chúng ta tin và xem xét những chân lý hỗ trợ cho niềm tin đó. Chúng ta sống dựa trên những chân lý nào?
Đối với câu hỏi quan trọng là Cơ đốc giáo có hợp lý không và có thể đứng vững trước sự khảo nghiệm hay không, chúng ta cần bắt đầu với từ ngữ niềm tin, một từ ngữ rất thường bị hiểu lầm. 
Có ba ý nghĩ nảy ra trong tâm trí chúng ta.
Hằng ngày tất cả chúng ta đều sử dụng niềm tin. Khó tránh sử dụng niềm tin - ngay cả khi gạt bỏ niềm tin tôn giáo qua một bên. Chúng ta có niềm tin nơi bác sĩ, niềm tin nơi quầy hàng rau cải, niềm tin nơi người hò hẹn với chúng ta. Thậm chí chúng ta cũng có niềm tin với chuyến xe lửa chở chúng ta đến chỗ làm hay người bưu tá đem phiếu chi trả đến cho chúng ta. Nhà khoa học có niềm tin nơi những phương pháp khoa học được nghiên cứu bởi những nhà khoa học trước mà họ tin rằng là những con người chân thật. Niềm tin đơn giản là sự tin cậy; chúng ta phải vận dụng niềm tin, ít ra trong một mức độ nào đó, để có thể giao tiếp với thế giới thực tế này một cách có ý nghĩa.


Niềm tin chỉ có giá trị khi đối tượng được đặt đúng chỗ. Tin cậy vào một thức ăn chưa được kiểm nghiệm, một bác sĩ không đủ trình độ hay một người gian dối, thì niềm tin đó không có giá trị gì cả. Một ví dụ đáng buồn về niềm tin bị đặt sai chỗ là câu chuyện của một sinh viên khi nói với tôi rằng bạn gái của cậu từ lâu đã hẹn hò với một chàng trai khác nay cô ta sắp kết hôn với cậu. Niềm tin có thể có ý định tốt nhưng đối tượng không đáng tin và như thế niềm tin trở thành vô ích. Niềm tin dù ít ỏi nhưng được đặt nơi một đối tượng đáng tin cậy thì vẫn có thể đem lại kết quả. Chẳng hạn, bạn có một niềm tin yếu ớt trên một tảng băng dày, kết quả vẫn rất tích cực: tảng băng sẽ chịu trọng lượng của bạn bất chấp niềm tin của bạn mạnh như thế nào. 
Thử nghiệm mức độ đáng tin cậy của đối tượng niềm tin là một lời khuyên hợp lý và chắc chắn. Sự khôn ngoan dẫn chúng ta đến chỗ tìm hiểu sự thật về bất cứ đối tượng nào của niềm tin chúng ta. Nếu đồng hồ chạy sai, chúng ta chỉnh nó lại. Đó là một việc làm khôn ngoan. 1  
Xét lại những suy nghĩ trước đây của chúng ta
Một vài ví dụ sau đây sẽ giúp chúng ta xem xét niềm tin như một phần bình thường trong cuộc sống chúng ta. Từ đó chúng ta sẽ quay sang kiểm nghiệm mức độ hợp lý của niềm tin Cơ đốc cách khách quan nhất có thể được. Tính khách quan chắc chắn được tô điểm do những suy nghĩ trước đây của chúng ta về Cơ đốc giáo. Những sự kiện nào chúng ta biết về nó? Chúng ta xem xét nó như là điều hợp lý hay không hợp lý? Thích đáng hay không thích đáng? Đối với những sinh viên thì suy nghĩ trước đây của họ được thể hiện rõ ràng qua những câu hỏi họ đặt ra. Một số câu hỏi phần lớn liên quan đến sự thiếu hiểu biết, một số khác là do hiểu lệch lạc nội dung cơ bản của Cơ đốc giáo. Luôn có những câu hỏi sâu sắc và yếu tố “tại sao” đầy bí ẩn được đặt ra với lòng sốt sắng thật sự.
Suy nghĩ đầu tiên của một người là yếu tố cơ bản. “Những gì bạn nghĩ bạn biết có thể làm bạn đau khổ” là tựa một bài báo của tờ Chicago Tribune. “Ít hiểu biết cũng có thể tác hại đến khả năng tài chính của bạn” là đề mục nhỏ, liệt kê khoảng hơn mười lăm ví dụ về những suy nghĩ ngớ ngẩn thông thường của những nhà đầu tư, như “tôi cố gắng tiết kiệm tiền bạc bằng cách đi mua đồ mỗi khi có hàng hạ giá”. Thiếu hiểu biết về niềm tin Cơ đốc cũng có thể tai hại như vậy. Lãnh vực nào chúng ta hiểu hết sức rõ ràng về Cơ đốc giáo và chỗ nào suy nghĩ chúng ta còn ngớ ngẩn?
Ngoài những suy nghĩ trước kia của chúng ta, một áng mây khác che mờ niềm tin chúng ta là “chỉ số tình cảm” hay thường được gọi là E. Q. Dù cho tổ tiên của chúng ta ở Hoa Kỳ hay ở một đất nước nào khác, thường có những kiểu mẫu sai lầm về đời sống Cơ đốc nhân làm cho chúng ta thất vọng. Chỉ số tình cảm của chúng ta thậm chí lên đến tức giận khi chúng ta nghe đến từ “Cơ đốc nhân”. Dĩ nhiên chúng ta đều có một sự khó chịu về một vài chuyện nào đó, nhưng sự nhận thức về nó cũng giúp ích cho chúng ta. Mặt khác, có thể chúng ta không có một mối liên hệ nào với các Cơ đốc nhân hay Cơ đốc giáo, nên chẳng hiểu biết gì và cũng không có sự khó chịu nào cả. Dù sao khi tìm hiểu những suy nghĩ và cảm xúc nguyên thủy của chúng ta càng nhiều, chúng ta càng có thể xem xét một cách khách quan “trường hợp của Cơ đốc giáo,” như cách C. S. Lewis dùng.
Cơ đốc giáo theo Kinh Thánh có nền tảng rất rõ ràng và đầy đủ. Đây không phải là một tôn giáo huyền bí. Nội dung của nó ẩn nấp dưới những biểu tượng kỳ bí nào đó, như học giả R. C. Sproul nói. Theo Sproul, khi ai đó thì thầm với bạn rằng ý nghĩa của cuộc sống là “một cái vỗ tay”, thì đó là huyền bí. Đó không phải là nền tảng suy nghĩ hợp lý. Tất nhiên đó cũng không phải là ý tưởng chúng tôi muốn trình bày về “lối suy nghĩ hợp lý”. 2 
Bất cứ một tôn giáo nào cũng nhận rằng mình có những kinh nghiệm thuộc linh suýt soát với chúng ta. Từ thế kỷ 19 vào thời của triết học gia Friedrich Neitzsche đến ngày hôm nay, từ bên ngoài cộng đồng Cơ đốc đến bên trong, người ta cũng bảo là Đức Chúa Trời đã chết rồi. Chủ nghĩa đạo đức nhân bản đang thu hút người ta mạnh mẽ hơn. Quyển Tôn Giáo Không Mặc Khải (Religion Without Revelation) của Julian Huxley là một dẫn chứng rõ ràng trong việc đề cập đến vấn đề Đức Chúa Trời đã chết. Tính đa nguyên đã chiếm phương tiện thông tin hiện đại trong việc biến thế giới trở nên một nhà. Chúng ta thường nghe những điều đại loại như:
1. Tất cả các tôn giáo đều có giá trị ngang nhau.
2. Những mâu thuẫn giữa các hệ thống tôn giáo được hoàn toàn chấp nhận.
3. Chân lý tuyệt đối không hề hiện hữu.

(Còn Tiếp)