Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

BƯỚC TÌM HIỂU TRONG TÌNH YÊU -11

BỎ TRỐN GIA ĐÌNH HAY SỐNG THỬ VỚI NHAU? (TT)

Việc thử sống chung với nhau lại là việc khác. Nhiều cặp cho rằng không nhất thiết phải cần đến hôn nhân, miễn họ thật sự yêu nhau là được rồi. Có một sinh viên chủng viện đã hùng hồn giảng giải cho tôi trong một bài thuyết trình: Có phải tình yêu là yếu tố quan trọng nhất trong hôn nhân không nào? Chứng nhận kết hôn chẳng qua chỉ là một tờ giấy, cho nên nó không cần thiết đối với hạnh phúc lứa đôi. Sống thử với nhau cũng tốt y như kết hôn nếu như cả hai thật sự gắn bó với nhau”.
Vậy à, đó rõ ràng là dấu hiệu của một sự xuống dốc về tiêu chuẩn đạo đức của các sinh viên trường Kinh Thánh ở vài nơi. Nó cho thấy quan niệm đạo đức phổ biến của trần gian đã bén rễ trong tâm tưởng nhiều bạn trẻ ngày nay. Tuy vậy, anh bạn kia đã đưa ra một vấn đề. Chúng ta thường thấy những đôi cưới hỏi đàng hoàng mà vẫn có nhiều nan đề trầm trọng trong gia đình. Chúng ta cũng thấy quá nhiều gia đình tan vỡ để rồi nhận ra rằng tờ giấy được gọi là chứng nhận kết hôn đó mong manh như thế nào. Chúng ta còn chứng kiến nhiều cặp cùng chung sống dưới một mái nhà mà lòng họ đã ở nơi khác. Thế thì có gì khác nhau giữa một đám cưới linh đình hay một tờ chứng nhận kết hôn?
Đối với vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra vài câu hỏi ngược lại: Những điển hình tiêu cực của hôn nhân nói trên có phải là cái cớ hợp lý để các Cơ đốc nhân sống thử với nhau không? Có phải Đức Chúa Trời hoạch định hôn nhân là tạm sống chung với nhau như vậy không?
Tình trạng tạm sống chung với nhau là một thử nghiệm. Một số ít thành công, nhưng đa số đã tan rã sau một thời gian. Trong cuộc sống chung ấy, qua những chung đụng thể xác và nếp sống giống như một gia đình, có một sự ngầm thoả thuận với nhau nhằm khám phá xem đôi bên có thích hợp với nhau và xem mối quan hệ đó có đáng để dẫn tới sự ràng buộc qua một hôn nhân hợp pháp công khai hay không. Nếu sau một thời gian, họ nhận thấy mình không thích ứng họ sẽ cắt đứt mối quan hệ ấy. Hoặc âm thầm rút lui để tìm đối tượng khác thích hợp hơn người trước, mà không hề có chút vướng bận lương tâm, hay ý thức bổn phận đối với những đứa trẻ sinh ra do mối quan hệ ấy. Xem ra rất tiện lợi và đơn giản. Trong thời đại tự do và cách mạng tình dục này, điều ấy có vẻ được đấy chứ. Đó là điều mà Lita, một cô bạn thân của tôi đã nghĩ.
Vài năm trước cô là một ca sĩ phòng trà nhiều tham vọng muốn được trở nên nổi tiếng. Trong khi cô chạy sô quanh các phòng trà địa phương, tình cờ cô gặp chàng trai trẻ đáng mến này vốn là một sinh viên năm thứ nhất. Say đắm nhau, họ nghĩ là sống chung sẽ đem hạnh phúc đến cho nhau. Họ thực hiện điều đó và thấy mình hạnh phúc.
Lita ngày càng trở nên một ca sĩ thành công. Cơ quan cử cô sang Nhật. Trong khi ở bên đó, tiền dành dụm hàng tháng của cô được gởi về để lo cho chàng trai ăn học, và hằng năm cô vẫn dành một khoảng thời gian về sống với chồng. Đến khi chàng tốt nghiệp và Lita cho rằng bây giờ đã đến lúc họ có thể công khai kết hôn với nhau. Nhưng cô thất vọng não nề vì gia đình đàng trai không chấp nhận cô. Cô chỉ là ca sĩ, một cái nghề đáng ngờ đối với một người vợ hiền. Khi cô biết được người yêu đang mê mệt với cô bạn thân nhất của mình, thì cuộc sống chung thử nghiệm đổ vỡ tan tành và Lita vô cùng đau khổ.
Không, không có sự công bằng hay bình đẳng trong một cuộc sống chung tạm bợ. Cô gái thường là người thua thiệt. Cô đã để cho mình bị lợi dụng, và có lẽ bị lợi dụng một cách tàn tệ về tình dục. Ngoài ra, đôi khi cuộc sống đó đem đến kết quả là một hay nhiều đứa bé ra đời, đến khi mối tình tan vỡ, đám trẻ sẽ bị bỏ lại cho ai, nếu không phải là người mẹ? Tôi biết một vài bà mẹ không chồng đã cố gắng nuôi dạy đàng hoàng những đứa con không cha với một công việc làm ổn định. Sự thiếu thốn trầm trọng về tình cảm cộng với nỗi hổ nhục giữa xã hội làm hao mòn sức mạnh và lòng can đảm của các gia đình không trọn vẹn ấy. Có những người không đủ nghị lực để chịu đựng. Vì lý do tài chính và/hoặc vì lý do tình cảm, họ buông mình vào trong vòng ràng buộc với hết người đàn ông nầy đến người đàn ông khác. Để rồi bị bỏ lại trong sự khinh bỉ. Sống thử với nhau có thể là mốt sống đang thịnh hành hiện nay nhưng không đáng cho chúng ta noi theo.
Tìm những sự hoà hợp để đảm bảo cho một hôn nhân tốt đẹp chỉ bằng cách sống thử trước với nhau sẽ không kết quả. Cuộc hôn nhân nào cũng có những điểm gay go hay bất đồng. Nhưng nhờ đôi vợ chồng có nhận thức chắc chắn về một mối quan hệ lâu dài, một sự ràng buộc cả đời với nhau nên họ có thể giải quyết mọi sự dị biệt đó. Tình yêu đối với nhau và sự hy sinh dành cho nhau sẽ giúp họ khoả lấp những điểm bất đồng. Một gia đình thử nghiệm sẽ không thể đưa đến kết quả như vậy.
Và sau cùng, đối với hôn nhân Đức Chúa Trời đã có một chủ đích bền vững tồn tại từ ban đầu. Hôn nhân không đặt nền tảng trên sự thích hợp với nhau mà là sự bổ sung cho nhau. Câu chuyện về sự sáng tạo cho thấy một chân lý quí giá đó là Ê-va đã trở thành đối tượng hoàn hảo của Ađam vì bà là người giúp đỡ tương xứng với ông (theo ý Sáng 2:18). Sự bổ sung tương xứng đó tuyệt vời đến nỗi Ađam đã thốt lên khi thấy vợ mình, người nầy là một phần xương thịt của tôi (Sáng 2:23 - BDY). Và do vậy, sách Sáng thế ký đã công bố: Vì thế, người nam sẽ rời cha mẹ để gắn bó với vợ, hai người trở thành một" (Sáng 2:24 - BDY).
Không có chỗ nào trong ký thuật về cuộc sáng tạo hay trong bất cứ phần Kinh Thánh nào lại tán thành một cuộc hôn nhân tạm thời, thử nghiệm, nửa vời cả. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: Hãy tôn trọng hôn nhân, giữ lòng chung thuỷ và thánh sạch, vì Thượng Đế sẽ đoán phạt người gian dâm, ngoại tình" (Hê-bơ-rơ 13:4 - BDY).
Chờ đợi dấu hiệu mở đường của Đức Chúa Trời là một trong những điều khó làm nhất. Nhưng một Cơ đốc nhân đã nhận biết Chúa Giê-xu Christ là Chúa và Chủ của đời mình thì nên chờ đợi còn hơn hối hả bước vào hôn nhân bằng cách bỏ trốn cha mẹ hoặc thử sống chung với nhau trước. Đúng là những khởi đầu sai sót có thể sửa chữa và khắc phục, nhưng nỗi đau đớn và khổ sở về tinh thần không dễ gì quên được. Giá phải trả sẽ rất đắt. Vậy thì tại sao phải trả làm gì?

Lời Kết 
Thánh Augustine đã cầu nguyện: Cha đã tạo dựng chúng con cho chính Cha, nên tâm hồn chúng con vẫn bất an cho đến khi tìm được sự yên nghỉ trong Cha". Sự bất an của tuổi trẻ không phải chỉ là một hiện tượng sinh lý hay thực trạng văn hoá xã hội mà còn là vấn đề của tâm linh. Đức Chúa Trời là nơi chúng ta neo chặt vào. Xa khỏi Ngài, chúng ta sẽ trôi dạt lênh đênh, bất định, tìm kiếm hướng đi cho mình một cách vô vọng.
Khi đặt niềm tin của mình nơi Chúa Giê-xu, Ngài sẽ làm cho chúng ta vững vàng, ổn định. Ngài mở rộng tầm nhìn vào tương lai của cuộc đời chúng ta, làm cho mọi sự trở nên rõ ràng. Chúa sẽ khiến chúng ta nhận thức được những đặc ân và trách nhiệm của chúng ta, những con cái tự do nhưng cũng mẫu mực của Ngài. Ở trong Chúa, tình yêu dành cho người khác phái không còn chỉ là cảm xúc nhất thời dữ dội như một cơn bão nhưng cũng mỏng manh như một cành khô. Thay vào đó, tình yêu trở thành một sự gắn bó đầy trách nhiệm, tự chủ và chắc chắn với người khác.
Và sau cùng, khi một người trẻ nói lên câu Anh yêu em thì điều ấy hàm ý gì? Nó có nghĩa là: Chỉ có em, em, và em mà thôi. Em sẽ ngự trị trong trái tim anh. Em là người anh ao ước, nếu không có em, anh không thể nào trở nên trọn vẹn. Anh sẽ đánh đổi mọi sự, từ bỏ tất cả vì em, chính anh và những gì thuộc về anh. Anh sẽ sống vì một mình em, và sẽ làm việc vì một mình em. Anh đang chờ đợi để có được em. Anh sẽ luôn luôn nhịn nhục em. Không bao giờ cư xử thô bạo với em, dù chỉ bằng lời nói. Trước sự hiện diện của em, anh sẽ luôn luôn trong sáng, thành thật và chân thành. Anh sẽ chăm nom, che chở em và giữ cho em khỏi mọi điều ác. Anh sẽ chia xẻ với em tiền bạc, tư tưởng, cả tâm hồn và thân xác của anh. Anh không muốn làm điều gì mà không có em. Anh muốn luôn luôn ở bên cạnh em..”.

Một lời cam kết như thế cần có sự đồng công của Đức Chúa Trời.