Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

WILLIAM CAREY


(1761-1834)



William Carey được gọi là Cha đẻ của các Hội Truyền giáo Hiện Đại, xuất thân từ giai cấp lao động nhưng ông đã làm việc với quyền năng phi thường. Carey là người đã thổi một luồng không khí sinh động vào phong trào truyền giáo toàn cầu, khởi đầu cho làn sóng truyền giáo khắp thế giới vào thế kỷ XIX – XX.

 
Paulerspury, thành phố NorthamptonshireWilliam Carey sinh ngày 17 – 8 – 1761 tại , nước Anh trong một gia đình có 5 anh em, theo Anh quốc giáo. Cha là một Thầy giáo nghèo tại đia phương. Khi lên 6 tuổi, ông được đi học trường làng, ông rất thích các môn như: Khoa học, ngôn ngữ học đặc biệt là tiếng Latin. Năm ông được 14 tuổi, ông rời Hội thánh Anh quốc giáo và nhóm với phái Hội chúng tại Hackleton, ở đây ông được học thêm tiếng Hi lạp và Hi bá lai. Nhờ có đức tính cần cù hiếu học và một quyết tâm sắt đá, Carey đã miệt mài tự học nên ông thông thạo cả tiếng Hà lan, Pháp. Sau một thời gian thực tập giảng dạy ở địa phương, ông đã được thụ phong chức Mục sư năm 1785. Ông đã chịu ảnh hưởng sâu xa tư tưởng của nhà Thần học Hà lan, Jonathan Edwards. Chính ông này đã tạo động lực thúc đẩy Carey dấn thân ra đi truyền giáo hải ngoại.
 
Một ngày kia, sau khi đọc Nhật Ký của thuyền trưởng James Cook, một nhà thám hiểm nổi tiếng người Anh, William Carey liền bị thu hút chú ý đến những bộ lạc man rợ sống ở các cụm đảo thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và ông kết luận: “Giáo hội phải có trách nhiệm đem Tin lành đến cho các bộ lạc này". Carey bắt đầu thu thập các tin tức, chi tiết để viết một tập sách nhan đề: "Khảo cứu về nghĩa vụ của người Cơ Đốc trong việc dùng các phương tiện để truyền giáo cho các dân tộc ngoại đạo" (An Enquiring into the Obligation of Christians to use Means for the Conversion of the Heathen) xuất bản năm 1792. Ông tin rằng "sứ mạng lớn nhất của Chúa Cứu Thế Jesus là truyền bá Phúc Âm cho tất cả đồng loại". Tập sách này chính là tài liệu cổ động cho phong trào truyền giáo, là lời hiệu triệu nổi tiếng nhất của Carey nhằm thúc đẩy các hoạt động truyền giáo cho cả thế giới.

Ngày 30 – 5 – 1792, trong một kỳ Hội đồng, William Carey được mời giảng dạy cho các Mục sư Báp tít tại Nottingham, ông giục lòng mọi người “Hãy trông cậy và cầu xin những việc vĩ đại từ Đức Chúa Trời” và “Hãy cố gắng làm những việc vĩ đại cho Đức Chúa Trời”. Kết quả Hội đồng quyết định thành lập “Hội phổ biến Tin lành cho người ngoại” và tháng 10 năm 1793, Hội Truyền Giáo Báp tít ra đời. Đây chính là Hội Truyền giáo ngoại quốc đầu tiên đúng danh nghĩa! William Carey tình nguyện làm giáo sĩ đầu tiên của Hội Truyền giáo, lúc ấy ông được 31 tuổi. Carey là nhà truyền giáo đầu tiên thuộc Cải chánh giáo hệ phái Báp tít đến Ấn độ năm 1793.
 
William Carey và gia đình đã dùng thuyền đến Ấn độ liền sau đó. Đầu tiên ông làm đốc công cho một nhà máy nhuộm ở Bengali để có thể tự túc tài chánh (1794 – 99). Mỗi năm ông chỉ làm cho họ ba tháng nên có nhiều thời gian học ngôn ngữ bản địa. Năm 1799, ông đã cộng tác với Joshua Marshman và William Ward, và được kết nạp vào Giáo hội Báp tít ở Serampore, gần thành phố Calcutta. Ba người đã cộng tác chặt chẽ và mở rộng mạng lưới truyền giáo tại Bengal. William Carey cùng với ông bà Giáo sĩ Adoniram Judson và Lather Rice là những nhà truyền giáo tiên phong ở thời cận đại.
 
William Carey là một nhà truyền giáo đa tài, ông thành công trên nhiều lĩnh vực. Ông đã phiên dịch Kinh thánh Tân ước ra tiếng Bengali và được giao phụ trách dạy các ngôn ngữ tại Trường Cao đẳng Ford William năm 1801. Năm 1824, Carey đã giám sát việc hoàn tất sáu bản dịch Kinh thánh và hai mươi bốn bản dịch từng phần Kinh thánh khác, sáu quyển Văn phạm và ba quyển Từ điển và bản dịch các sách về Đông phương học. Tên tuổi và ảnh hưởng của Carey lan rộng trong giới trí thức và chính phủ sở tại. Phúc âm cũng nhờ đó phát triển mạnh mẽ.
 
Một bức thư của Carey đã đem lại kết quả thành lập Hội truyền giáo Luân đôn của phái Hội Chúng vào năm 1795. Hội Truyền Giáo Tô Cách Lan (Scottish Missionary Society) năm 1796, Hội Truyền Giáo Glasgow Missionary Society năm 1797, Hội Truyền Giáo Hội (Church Missionary Society) năm 1799.Hội Truyền Giáo Giám Lý vào năm 1817, Hội Truyền Giáo Trung Hoa Nội Địa (China Inland Mission) năm 1865. Ông là cha đẻ của các Hội truyền giáo Anh quốc, trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến các hội truyền giáo như: Hội Truyền giáo Báptít (1792) Hội Truyền giáo Báp-tít Hải ngoại ở Mỹ Quốc (1806) ... Hàng loạt các giáo sĩ nổi tiếng noi gương ông như: John Philip, David Livingstone, Robert Moffat, John Mackenzie, Pilkington, Hudson Taylor,  Henry Martyn ... 

Do ảnh hưởng của Carey, phụ nữ cũng tổ chức các hội truyền giáo từ những năm 1800 như: Amy W. Carmichael (1867-1951) đã đến Dohnavur ở miền Nam Ấn Độ vào năm 1895 để giải phóng phụ nữ khỏi những hủ tục lạc hậu. Clara Swain là nữ Bác sĩ đầu tiên tại Ấn độ vào năm 1870, Ida Scudder (1870 – 1960) với công tác Y tế tại Ấn độ và Châu Phi.
 
Đặc biệt trong công tác phiên dịch Kinh thánh, sau 40 năm làm việc, Carey đã dịch Kinh thánh ra 37 thứ tiếng tại Ấn độ, trong đó có Miến điện, Trung quốc ... Bên cạnh việc xuất bản Kinh thánh, báo chí, tư liệu, sách vở ... công tác phát triển Hội thánh cũng lớn mạnh nhờ số tín hữu gia tăng. Cuối năm 1912, có 350 người chịu Báp têm và 11 kỳ Hội đồng được tổ chức. Những tờ báo do William Carey chủ biên bằng tiếng A rập, Iran, Tehyu, Bengali, Marathi, Trung quốc, Hi lạp, Do thái và Anh ngữ cũng lần lượt được phát hành ... Carey cũng là người khởi xướng chương trình rao giảng Tin lành cho các Trường học, đặc biệt là Trường Cao đẳng Serampore. Ông cũng đã thành lập Hội khuyến nông Ấn độ (1820) và đề xuất cải tiến ngành Nông – Thực vật học. Carey còn vận động hủy bỏ hủ tục thiêu sống các góa phụ (Sati – tục lệ thiêu người vợ khi chồng qua đời) từ năm 1829, dịch sắc lệnh bãi bỏ hủ tục man rợ này ra tiếng Bengali. Ông luôn kêu gọi những Cơ đốc nhân Ấn hãy đứng lên chia sẻ Phúc âm cho chính đồng bào của mình. Ông đã tận hiến cả cuộc đời mình cho đất nước và nhân dân Ấn độ, cho những người chưa biết Chúa.
 
William Carey, cha đẻ của đoàn truyền giáo Tin lành Ấn độ, người có công gieo hạt giống Tin lành tại một vùng đất đa sắc tộc, đầy mê tín. Hàng triệu người tin nhận Chúa là thành quả của nhà truyền giáo có lòng sốt sắng, nóng cháy vì Phúc âm. William Carey có một ‎ chí phấn đấu mãnh liệt và sức làm việc dẻo dai, những người viết tiểu sử đã tôn vinh ông như sau: “William Carey không bao giờ bỏ dở một công việc gì nếu việc đó chưa hoàn tất”. Ảnh hưởng của William Carey trong công tác truyền giáo, phiên dịch Kinh thánh, giáo dục ... là không thể so sánh. Ông là chiếc bình lựa chọn được Đức Chúa Trời dùng để lan tràn ngọn lửa Phúc âm, khơi lên bầu nhiệt huyết truyền giáo, thúc đẩy sự khai sinh và phát triển rất nhiều Hội truyền giáo. Tầm ảnh hưởng của William Carey là rất lớn tại nhiều quốc gia ở Châu Phi, Châu Á và cả châu Mỹ.
 
Có ít nhất năm ngôi trường trên thế giới mang tên ông: William Carey International University tại California, Carey Theologycal College ở Vancouver, Carey Baptist College tại New Zealand, Carey Baptist Grammar School ở Melbourne, Carey College ở Colombo, William Carey University ở Mississippi ...
 

Theodore