Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

SAMUEL MORRIS - HOÀNG TỬ PHI CHÂU


Nguyên tác của Lindley J.Baldwin
Do phòng sách Tin Lành xuất bản năm 1971

HOÀNG TỬ RỪNG SÂU
MỘT CON TIN CỦA CHIẾN TRẬN
Phi Châu đã cho thế những viên ngọc lóng lánh đẹp nhất. Nhưng những viên kim cương này khi mới tìm thấy không có gì là đẹp cả. Chúng chỉ là những hòn đá tầm thường, phải đem cắt mài, dũa, rồi mới thấy chúng chiếu ra những màu sắc đẹp đẽ, lộng lẫy của chiếc cầu vồng (mống).

Phi Châu cũng đã ban cho thế giới một trong những nhà lãnh đạo chói sáng nhất hiện tại. Kim cương phản chiếu vẻ huy hoàng đầy đủ của mặt trời thể nào, thì cuộc đời Samuel Morris cũng phản chiếu vinh quang không phai mờ của “chân quang” thể ấy. Nhưng sức mạnh khiến Morris trở thành nhà lãnh đạo vô địch ấy không phải do bẩm sinh. Cần phải có các việc đẻo gọt, dũa mài thiên thượng để đặt viên kim cương đen nhánh này vào đúng chỗ chói sáng của nó.

Lúc mười lăm tuổi, Morris chỉ là một trong những hàng ngàn cậu trai bản xứ, ẩn mình trong những khu rừng ở Tây Phi Châu, bộ lạc của cậu là một những sắc tộc Kru, sống trong các rừng rậm phía tây Côte d’Ivoire.
Tên thật của cậu là Kaboo. Cha cậu là một tù trưởng. Dầu Kaboo là con trưởng, tước vị thái tử, nhưng trên đời chắc không ai khổ hơn cậu. Cậu đã từ địa vị tự do vinh dự rơi xuống địa vị ô nhục và tồi tệ hơn tôi mọi.
Trong các miền ấy có tập tục là tù trưởng nào thua trận phải hiến con trai trưởng làm của cầm hay con tin để bảo đảm trả hết số bồi thường chiến tranh. Nếu của bồi thường trì hoãn thì người ấy phải chịu hành hạ khổ sở. Đó là số phận của Kaboo.
Mỗi lần tay sai của tù trưởng hành hạ Kaboo, thì một kẻ tôi mọi người Kru khác là người mục kích sự đánh đập ấy được sai về nói cho cha Kaboo tất cả và cảnh cáo rằng Kaboo sẽ bị khổ sở hơn nữa nếu không cố gắng thỏa mãn đòi hỏi của kẻ chiến thắng.
Những thương tích của Kaboo không kịp lành. Lưng cậu bị đánh nát cả. Ít lâu sau, Kaboo kiệt sức vì mất máu và bị sốt vì phải uống nước nho có độc dược, cậu không thể đứng lên mà cũng không ngồi dậy được nữa. Người ta dựng lên chữ thập rồi treo Kaboo lên để đánh bổ vào lưng cậu.
CUỘC TRỐN THOÁT KỲ LẠ
Kaboo chỉ mong rằng sự chết sẽ giải thoát cậu khỏi số phận của một kẻ bị làm con tin mà không bao giờ được chuộc. Một số người cùng bộ lạc với Kaboo, đã bị tên tù trưởng tàn bạo này bắt làm làm nô lệ. Có người bị tố cáo là làm phù thủy. Kaboo đã từng thấy họ bị những kẻ say sưa, điên cuồng xé thành từng mảnh. Nhưng bây giờ số phận của cậu còn khốn nạn hơn.
Đoán rằng cha cậu có thể không trở lại nữa, nên họ đã đào một hố sâu. Nếu đánh đập cậu mãi mà cũng không có được của chuộc, họ sẽ chôn cậu cho đến cổ. Miệng cậu sẽ bị mở ra và họ đổ một thứ nước ngọt hấp dẫn kiến ở gần đó tới. Bọn kiến nàysẽ ăn thịt cậu từng phần một sau khi chúng đã ăn hết thịt, chỉ còn xương, họ sẽ đem bộ xương để trước lều hành quyết để đe dọa những con nợ thất hứa sau đó.
Khi Kaboo bị ném lên một cái giá chữ thập để hành hạ lần chót thì bao nhiêu hy vọng cũng như sức lực đã rời khỏi cậu. Cậu chỉ còn mong cho được chết. Lúc ấy bỗng nhiên có sự rất lạ xảy ra. Một ánh sáng như ánh chớp lóe lên khiến mọi người quanh cậu quáng mắt. Và một Đấng nói như lệnh truyền từ trên cao bảo cậu đứng dậy trốn thoát. Mọi người đều nghe tiếng nói, thấy ánh sáng, nhưng không thấy một ai.
Cùng lúc ấy, xảy ra một sự chữa lành tức thì mà khoa học không thể chối cải cũng không sao giải thích được. Trong một chớp mắt Kaboo thấy sức mình phục hồi. Suốt ngày ấy, cậu chưa được ăn uống gì. Tuy nhiên, cậu không thấy đói khát hay là yếu sức. Vâng theo tiếng nói thần kỳ, cậu nhảy lên và chạy vọt như một con nai, trước mắt ngạc nhiên của mọi người.
Ánh sáng thần kỳ đã đem đến cho cậu sức mới và tự do, từ đâu tới? Kaboo không biết mà cũng nghi ngờ gì cả. Cậu chưa bao giờ được nghe nói đến Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo. Cậu cũng không nghe gì về những công việc lạlùng của thần hựu. Cậu cũng chưa từng biết về một Cứu Chúa đã một lần hy sinh mạng báu để làm giá chuộc loài người. Hoàng tử trần thế vừa mới bị treo trên cây thập tự không mơ tưởng gì đến một Hoàng tử thiên thượng đã bị sỉ nhục, đánh đập như một tên tù phạm và đã chịu một cái chết đê hèn do sự đau đớn thấm thía từ từ trên cây gỗ.
Nhưng Kaboo biết rõ có một sức mạnh lạ lùng và vô hình nào đó đã đến giải cứu cậu. Lúc nãy cậu mới đau đớn, nhức nhối ngồi dậy không nổi thế mà bây giờ cậu chạy thật nhanh được.
ÁNH SÁNG NHÂN TỪ
Kaboo ẩn trong hốc cây cho đến tối để tránh những kẻ đuổi theo. Khi trời tối hẳn, Kaboo mới nhận ra rằng mình vừa thoát khỏi một cái chết để rồi lại lọt vào một cảnh nguy hiểm khác. Cậu cô đơn trong rừng rậm nơi mà không ai có thể sống một mình được lâu. Khổ nhất là chẳng những cậu không có bạn bè, khí giới mà còn tứ cố vô thân, chẳng biết về đâu.
Cậu không dám quay về với bộ lạc và gia đình. Làm thế chỉ càng khiến cho kẻ chiến thắng trả thù đồng bào cậu khốn nạn hơn. Cậu cũng không dám để một ai nhận diện vì sợ họ sẽ đem nộp cậu cho kẻ đã bắt cậu để lãnh thưởng.
Giữa cảnh tuyệt vọng mới mẻ đó, một sự lạ khác xảy ra. Trong các vùng rừng rậm ấy, lúc nào cũng tối tăm, ngay cả ban ngày cũng vậy, ban đêm thì không thể nào đi qua được. Nhưng luồng sáng lúc trước chiếu vào chỗ hành hình cậu, bây giờ lại rọi chung quanh cậu. Không biết đó có phải là một ánh sáng bên ngoài hay chỉ là một sự soi sáng tâm thần đã hướng dẫn Kaboo, nhờ đó cậu đã thấy rõ con đường đi. Cậu cần có ánh sáng ấy chẳng khác nào dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa. Trước kia, trong một đồng hoang vắng khác, một đoàn người nô lệ được giải phóng cũng đã nhờ sự hướng dẫn tương trợ, khi “Đức Giê-hô-va đi trước dân sự, ban ngày ở trong một trụ mây để dẫn đường đi; ban đêm trong một trụ lửa, để soi sáng cho chúng.” Những con rắn hổ mang độc, rắn lục, đợi chớ cậu trên bước đi. Một con rắn khác lơ lửng trên đầu cậu. Những ánh mắt hổ báo và nọc độc của rắn, chưa khiến cậu sợ bằng loài người. Trong những khu rừng bao la nầy có một số trong những giống người dã man nhất thế giới. Họ vẫn thường ăn thịt người.
Nhưng qua mọi trở ngại và nguy hiểm đó, ánh sáng nhân từ kia đã dẫn Kaboo. Nhờ ánh sáng nầy ban đêm cậu có thể hái trái và rễ cây để ăn và vượt qua hồ ao, sông đầy cá sấu.
Ban ngày cậu tiếp tục ẩn mình trong bộng cây để tránh những chòi canh trong các buôn ấp. Sau nhiều đêm đi như thế, Kaboo đến gần một đồn điền ở ngoài thị trấn, gần
bên một con sông. Cho đến lúc ấy, cậu chưa hề gặp một bóng người nào. Chẳng một ai đã dẫn cậu qua rừng núi hoang vu để đến chỗ nầy.
Mới nhìn, cậu nhận ra rằng đây không phải một làng của dân bản xứ, mà một nơi định cư của người ngoại quốc. Cậu không dám đến gần các cơ sở nầy nếu cậu chẳng thấy một người Kru làm việc ở đằng xa. Kaboo đến gần người nầy và mừng vì biết rằng mình không lọt vào tay những kẻ buôn người mà trong tay những kẻ giải phóng nô lệ. Ánh sáng thần kỳ ấy đã đưa cậu đến một khu dinh điền gần Monrovie, thủ đô của Libérie.
Libéria lúc ấy vẫn còn là một miền hoang vu, đặt dưới luật pháp rừng rú. Khi Kaboo đến Monrovie thì đó là nơi duy nhất đặt dưới luật pháp văn minh. Thế là cậu được đưa dẫn đến một chỗ thực sự an toàn.
TÊN MỚI
Kaboo tìm việc làm và được vào đồn điền cà phê làm chung với người bạn Kru của cậu. Cậu được cấp một giường ngủ trong trại, các thức ăn và quần áo như các lao công bản xứ khác.
Người bạn Kru đã từng nghe các giáo sĩ và đã đọc cầu nguyện. Khi Kaboo hỏi bạn làm gì, thì người ấy đáp: “Tôi đang hầu chuyện Đức Chúa Trời.”
Kaboo hỏi: “Đức Chúa Trời của anh là ai?”
Người bạn đáp: “là Cha tôi.”
“Thế ra anh chuyện trò với Cha anh à?” Cho đến sau đó, Kaboo cũng cứ gọi sự cầu nguyện là “nói chuyện với Cha tôi”. Đối với đức tin giống như một đứa trẻ, cầu nguyện thật đơn sơ và thực tế như trò chuyện với một người cha dưới đất.

Chủ nhật sau đó, Kaboo được mời đi nhà thờ. Cậu thấy một đám đông người tụ tập quanh một bà đang nói, có người thông dịch lại. Bà kể cho họ nghe chuyện Phao-lô tin Chúa; thể nào một ánh sáng từ trời đã chiếu thẳng vào Phao-lô và một tiếng nói thần kỳ vang lên từ trên cao. Kaboo reo lên “tôi cũng thấy y như thế, tôi thấy ánh sáng đó. Đúng rồi, ánh sáng ấy đã cứu tôi và đem tôi về nơi đây”. Kaboo lúc nào cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao mình được cứu khỏi chết và được dẫn ra khu rừng cách thần kỳ như vậy. Lúc ấy, chỉ trong một giây phút cậu đã hiểu được.
Kaboo đi dự thường xuyên các buổi nhóm và các lớp dạy đạo do cô Knolls tổ chức. Cô dạy Kaboo các bài học sơ đẳng về đọc và viết Anh ngữ. Dần dần cậu học câu chuyện lạ lùng về Chúa Jesus sanh ra trong máng cỏ; sự giúp đỡ của Ngài đối với kẻ hèn hạ, tội lỗi bệnh tật, sự chết chuộc tội của Ngài vàsự sống lại của Ngài. Kaboo sẵn sàng chấp nhận Đấng giải cứu linh hồn mới mẽ này tức là Chúa không biết mà trước đây giải cứu thân xác cậu.
Nhưng Kaboo không thỏa mãn. Cậu mong có thể giảng cho đồng bào Kru bằng chính thổ ngữ của họ: Tin lành về tình thương của Chúa là tin lành đã đem lại sự bình an cho tâm hồn cậu. Nhưng cậu cảm thấy mình thiếu khả năng và uy tín để làm một công việc to tát như thế.
Kaboo không biết rằng Chúa đã dự bị sẵn một phép màu khác cho mỗi người tin Ngài qua công việc của Thánh linh. Vì do quyền năng và huyết Đấng Christ mà có sự chuộc tội, còn bởi quyền năng của Thánh linh tẩy sạch tấm lòng đầy cay đắng; Đức Thánh linh kêu gọi và ban ơn cho người tin Chúa để hầu việc Ngài. Kaboo chưa từng nghe nói về Đấng cứu giúp Thiên thượng này là Đấng chỉ hiện đến với tấc cả sự sung mãn củaNgài sau khi người nào tin Chúa, khi người ấy biết rõ những khiếm khuyết của mình và sẵn sàng cung hiến trọn đời sống mình cho Chúa.
Nhưng Thánh Linh cũng chính là thần chân lý đến để giúp đỡ Kaboo hèn hạ. Vì nhiệm vụ của Đấng cứu giúp này là “cấp cứu” những kẻ nào chân thành tìm kiếm Ngài. “Vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thánh Linh đã cầu nguyện thay cho chúng ta bằng sự thở than không thể nói ra được.”
Vậy nên Kaboo được khích lệ cứ tiếp tục “nói chuyện với Cha” mỗi đêm khi đã làm xong công việc, cậu vật lộn trong sự cầu nguyện bằng một giọng thảm thiết làm các bạn cùng ngủ chung trong gian nhà đó bực bội không còn chịu nổi. Và cuối cùng họ bảo cậu hoặc phải yên lặng hay là đi tìm chỗ khác mà ngủ: Kaboo lên rừng cầu nguyện.
Một đêm kia, cậu ở trong rừng đến nửa đêm. Về sau này cậu kể lại rằng: “Tôi đi về giường ngủ, mệt mỏi và nặng nhọc, tôi nằm xuống nghỉ. Lưỡi tôi vẫn yên nhưng lòng tôi cứ cầu nguyện. Bỗng nhiên căn phòng ngập ánh sáng. Lúc đầu, tôi cứ tưởng mặt trời mọc, nhưng mọi người chung quanh tôi còn ngủ say cả, căn phòng cứ sáng dần, cho tới lúc đầy vinh quang. Sự nặng nề trong lòng tôi bỗng nhiên biến đi và tôi tràn ngập một cảm giác vui sướng từ nội tâm.
“Thân tôi nhẹ như lông hồng. Tôi có một sức mạnh khiến tôi cảm thấy mình có thể bay được, tôi không thể giữ nỗi niềm vui, nên đã hét lên cho đến lúc mọi người trong nhà ngủ thức dậy. Không ai ngủ được đêm đó. Giờ đây tôi là con của Vua Thiên thượng. Bấy giờ tôi biết Cha tôi đã cứu tôi vì một mục đích, và Ngài sẽ cùng làm việc với tôi.”
Kaboo tràn đầy Thánh Linh chỉ vì sẵn lòng đầu phục Ngài hoàn toàn. Cậu kiếm Đức Chúa Trời như một đứa bé đang đói đi tìm thức ăn; và vì cậu đói khát sự công nghĩa, Chúa đã sai Thánh Linh biến cải và ban quyền năng cho cậu để trả lời cho đức tin như một em bé của cậu.
Kaboo được nhận vào Hội Giám Lý và chịu báp têm với một tên mới là Samuel Morris. Tên này do cô Knolls chọn để nhớ tới ân nhân của cô là Samuel Morris, một ông chủ ngân hàng ở Fort Wayne, Indiana, người đã giúp cô trong việc giảng Tin lành. Kaboo là trái đầu tiên trong công khó truyền giáo của cô, và cô đặt cho Kaboo tên “Samuel Morris” với cả tấm lòng biết ơn. Khi làm như thế, cô không ngờ cái lý do không mấy người biết ấy đã đem lại danh dự lớn lao nhứt cho tên của ân nhân cô.
NHỮNG DẤU HIỆU ĐẦU TIÊN CỦA TÀI LÃNH ĐẠO
Sau khi chịu báp têm, Samuel Morris ở lại xứ Liberie chừng hai năm. Cậu bỏ đồn điền và đến làm những công việc lặt vặt tại Monrovie, như sơn nhà cửa. Cậu giúp sơn trường cao đẳng Liberie. Tiền cậu kiếm được chỉ vừa đủ sống qua ngày, nhưng Sammy (tiếng gọi tắt của Samuel) vui thỏa. Cậu rất thích thú cái tôn giáo mà cậu vừa khám phá ra được và cậu nói chuyện với một nhà truyền giáo trong khu vực ấy.
Kaboo thuộc lòng nhiều Thánh ca và có thể hát một cách thích thú mặc dù có những chữ cậu không rõ nghĩa. Chẳng bao lâu, cậu nổi danh là người Phi Châu nhiệt thành nhất và thánh thiện nhất vùng Liberie đó.
Sau khi tin Chúa không bao lâu, cậu đã đưa một thanh niên Phi Châu khác đến nhận Đấng Christ. Có một điều trùng hợp đáng ghi nhận là cậu này cũng là nô lệ trốn thoát khỏi ông chủ tàn bạo mà Samuel khi xưa bị giữ làm con tin. Cậu này có mặt lúc Kaboo bị hành hình lần chót, và đã thấy ánh sáng thần kỳ và nghe tiếng nói truyền lệnh cho Kaboo trốn đi.
Một tên nô lệ thường thì ít giá trị hơn nếu đem so với một con tin của tù trưởng, vì thế cậu này trốn thoát dễ dàng và đi trên một đại lộ an toàn. Cậu được làm báp têm với tên là Henry O’Neil. Cậu xác nhận lời chứng của Kaboo về việc trốn thoát thần kỳ của
cậu. Lời chứng của hai người đã gây ảnh hưởng lớn cho người da trắng cũng như người Châu Phi ở Monrovie.
Một giáo sĩ ở Liberie bảo Sammy rằng cậu cần học thêm để trở thành một mục sư cho dân tộc cậu, và phải qua Mỹ mới học được. Dù Sammy không có một xu nào nhưng cậu vẫn hy vọng rằng Chúa sẽ cung cấp cho cậu 100 đôla để vượt đại dương. Nhưng quyết định cuối cùng của cậu về việc đi Mỹ do từ một ước muốn quan trọng hơn chỉ là sang để học sách vỡ.
Một hôm một giáo sĩ đọc cho Sammy nghe Giăng đoạn 14 nói về lúc Đức Chúa Trời khởi đầu cho môn đồ biết sự hiện đến của một Đấng giúp đỡ mới đầy quyền năng là Đức Thánh linh. Thật ra Sammy đã từng trãi ân phước của Đức Thánh Linh trong lòng, nhưng đây là lần đầu tiên cậu được biết danh hiệu và ý nghĩa trọn vẹn của Đức Thánh Linh. Lần đầu tiên khi cậu hiểu rằng Đức Thánh Linh hành động trên đất này và là một thân vị thực hữu, sống động, cậu không đủ lời tả hết nỗi vui mừng và ngạc nhiên. Cậu thấy dễ dàng gọi tiếng nói thần kỳ đã dẫn cậu trốn thoát khỏi cảnh làm con tin mà về với Đức Chúa Trời là tiếng nói của Thánh Linh Đức Chúa Trời đã phán với cậu mặc dầu khi ấy cậu chưa biết tiếng Ngài. Cậu để ra nhiều ngày để đi tìm trò truyện với các giáo sĩ về Thánh Linh. Giăng đoạn 14 trở thành bài học quen thuộc của Sammy.
Cậu thường đến thăm giáo sĩ và hỏi nhiều câu rất hóc búa về Thánh Linh đến nỗi một vị giáo sĩ bắt buộc phải thú thật: “Tôi đã nói cho cậu nghe tất cả những gì tôi biết về Thánh Linh rồi.” Nhưng cậu vẫn nài nỉ: “Ai đã nói cho bà biết về Thánh Linh.” Bà giáo sĩ trả lời rằng bà đã hiểu biết về đề tài này là nhờ Stephen Merritt, thư ký riêng của Giám mục William Taylor.
Samuel Morris hỏi: “William Taylor đang ở đâu?” Giáo sĩ đáp: “Ở Nữu ước.”
Samuel Morris tuyên bố vắn tắt: “Tôi sẽ qua đó gặp ông ta.”
Không cần thêm một lễ nghi nào, Sammy lên đường ngay, chạy thẳng ra bờ biển. Cậu cũng không bận trí về việc kiếm cho ra 100 đô la để làm lộ phí nữa. Thánh Linh quan trọng hơn tiền của. Ngài sẽ mở đường. Khi cậu tới nơi, một chiếc tàu buồm đang thả neo ở bến. Cậu mừng quá. Cha cậu đã trả lời cầu nguyện.
Một chiếc thuyền nhỏ từ chiếc tàu thả xuống, vào bờ mang theo ông thuyền trưởng và mấy thủy thủ. Khi thuyền trưởng bước lên bờ mua bán với thổ dân và chất hàng lên thì gặp ngay một chú da đen xấu xí đến nói rằng: “Cha tôi bảo tôi rằng ông có thể đưa tôi đến Nữu ước gặp ông Stephen Merritt.”
Thuyền trưởng hỏi: “Cha chú đâu?”
Samuel trả lời: “ Ở trên trời.”
Thuyền trưởng là một người thô bạo. Ông ta vừa chửi thề và nói: “Tàu ta không chở hành khách, chú điên rồi.”
Samuel Morris đứng canh chiếc tàu cả ngày. Đến đêm thì thuyền trưởng trở lại thuyền, cậu lại nài nỉ xin cho đi Nữu ước. Thuyền trưởng dọa đá cậu và thuyền chạy ra tàu. Nhưng Samuel cứ tin lời hứa của Cha. Cậu ngủ trên cát, chỗ thuyền đậu và cầu nguyện cả đêm. Hôm sau cậu lại bị chối từ, nhưng cậu cứ ở bãi biển mặc dù đã hai ngày không có gì ăn uống. Hôm sau là Chúa nhật. Thuyền trưởng và thủy thủ lại lên bờ. Khi thuyền trưởng bước lên, cậu bé người Kru ấy lại đến nói rằng: “Cha tôi bảo tôi đêm qua rằng ông sẽ cho tôi đi lần này.”
Thuyền trưởng nhìn cậu kinh ngạc. Đêm hôm trước hai thủy thủ đã trốn đi khiến ông ta thiếu người chèo chống. Ông ta nhận ra Morris là một người Kru và cho rằng cậu có kinh nghiệm đi biển như nhiều người khác. Ông hỏi: “ Chú muốn ta trả bao nhiêu?”
Morris trả lời: “Ông chỉ cần cho tôi đến Nữu ước gặp ông Stephen Merritt.” Thuyền trưởng quay lại đám thủy thủ bảo họ dẫn Sammy lên tàu.
Samuel Morris mừng lắm. Lời cầu xin của cậu đã được nhận. Cậu đã lên tàu đi Mỹ.
PHẦN 2
HÀNH TRÌNH VÀ THẮNG LỢI
Cậu phải ở trên tàu đó gần nửa năm và trãi qua nhiều nguy hiểm trước khi đạt đến đích. Con tàu này đi lang thang khắp nơi. Thuyền trưởng định đi qua khắp các bờ biển mua bán với thổ dân cho đầy tàu trước khi đi Mỹ.
Vừa lên tàu Morris thấy một người thanh niên nằm bất động trên sàn. Người này làm mồi cho thuyền trưởng, đã bị thương nặng và đi không được. Cậu bé da đen quỳ ngay bên cạnh người ấy và cầu nguyện cho người. Thanh niên kia tức khắc đứng dậy và đi. Sự chữa lành của Chúa đã khiến cho anh hoàn toàn bình phục!
Thanh niên này biết được Morrris đã nhịn đói từ tối thứ năm. Lúc ấy là trưa Chúa chật. Morris được dưa đến phòng ăn nhưng người bếp không cho cậu phần ăn vì cậu là nggười da đen và chưa có lệnh của thuyền trưởng. Tuy nhiên người bạn mới của cậu đã lấy thức ăn cho mình rồi chia bớt cho ân nhân của mình.

Đêm đó thuyền trưởng ra tàu, hỏi han Samuel và ông ta biết ngay rằng cậu chưa hề đi biển. Ông bảo cậu rằng cậu sẽ bị ném lên bờ tức khắc vì cậu có lẽ sẽ say sóng và không làm việc được. Tàu lúc ấy đã xa bến.
Morris quả quyết với thuyền trưởng rằng mình sẽ không say sóng và sẽ làm việc mỗi ngày cho đến Nữu ước. Người thanh niên nhờ Morris cầu nguyện được lành, xin với thuyền trưởng rằng: Thưa thuyền trưởng, xin nhận anh này. Ngài thử nhìn xem anh ấy giúp tôi thế nào. Đêm hôm ấy cậu bé da đen người Kru đã lên đường đi đến thế giới mới.
Thủy thủ là một tập thể hỗn tạp xuất xứ từ mọi phương trời góc bể. Morris là người da đen duy nhất ở trên tàu và tất cả thủy thủ đếu ghét cậu và tìm cách loại bỏ cậu. Họ đấm đá chửi rủa cậu thậm tệ.
Đêm thứ ba, Morris được buộc vào một cột buồm để cuốn buồm và kéo dây. Hôm ấy một trận bão thình lình thổi đến giữa lúc tất cả các cánh buồm đều giương rộng. Con tàu lao đao. Không còn thì giờ mà cuốn buồm nữa. Họ đành để như thế mà vượt biển. Morris cầu nguyện: “Lạy Cha, con không sợ vì con biết Cha sẽ săn sóc con. Nhưng con không muốn ở trên cột buồm. Xin Chúa sắp đặt cho con khỏi lên đó nữa.” Cậu chắc rằng mình sẽ được đáp lời, nhưng đức tin của cậu bị thử thách.
Cột buồm mà cậu bị buộc vào, thường bị chao ngập dưới nước nên Morris uống nhiều nước biển quá đến nỗi đau nặng. Khi người ta mở cậu ra, cậu tuột xuống chân như một đống thịt. Thuyền trưởng lại gần đá cậu. Nhưng Morris mặc dù đau, vẫn quỳ gối giơ hai tay lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, Chúa biết con đã hứa với người này làm việc từ nay đến đất Mỹ. Nếu con đau yếu thế này làm sao làm việc được. Xin cứu con khỏi bệnh tật.” Rồi cậu đứng lên và tiếp tục làm việc. Cậu không bao giờ đau lần thứ nhì trên con tàu ấy.
Hôm sau khi cậu sắp trèo lên cột buồm, một chú bồi đến bảo rằng: “Sam này, tao nghe mày cầu nguyện lúc bão tố đó. Tao không ưa làm việc dưới khoang tàu, còn mày không quen làm trên buồm tàu. Tao với mày đổi chổ đi.” Morris bằng lòng, thế là một lần nữa lời cầu nguyện lại được nhậm.
Khi Morris đến trình bày với thuyền trưởng để lãnh nhiệm vụ, ông này đang say nên đánh đấm Morris đến ngất xỉu trên sàn. Khi Morris tỉnh lại thuyền trưởng đã dịu bớt. Cậu
đứng dậy bắt đầu làm việc như chẳng có gì xảy ra. Cậu hỏi thuyền trưởng có biết gì về Chúa Jesus không. Những hình ảnh mờ nhạt về người mẹ và tuổi thơ ấu trở lại trong đầu óc người thủy thủ tàn bạo, Morris quỳ xuống cầu nguyện cho thuyền trưởng, thành khẩn và sốt sắng đến nỗi người như ông ta mà phải cúi đầu xuống. Đó là khởi đầu cho sự thuyết phục.
Tuy nhiên, lúc ấy không có được bao nhiêu thì giờ để mà suy gẫm. Cơn bão đã làm hư hại nhiều phần trên của chiếc tàu. Thân tàu bị bể nhiều chỗ. Khi tới gần một hải đảo, họ thả neo để sửa tàu.
Khi thợ mộc và thợ hàn tàu bận rộn thì các thủy thủ phải bơm nước cho tàu nổi. Morris bị đặt ở cái bơm chạy suốt ngày đêm. Công việc này đối với một thủy thủ lành nghề cũng còn khó khăn. Thế mà Morris mới có mười mấy tuổi với vóc người ốm yếu, mảnh khảnh lại phải làm ngang với người mạnh nhất. Cậu vừa bơm vừa cầu nguyện, vừa cầu nguyện vừa bơm.
Thủy thủ được cho uống rượu mạnh để bớt mệt mỏi và thêm hăng hái. Morris cũng được cho rượu nhưng cậu bảo rằng Cha trên trời đã cho cậu sức mạnh nên từ chối. Họ bơm suốt hai tuần, sức Morris gần kiệt nhưng Thánh Linh cho cậu sức khỏe và chịu đựng mà bẩm sinh cậu không có.
CHẾ NGỰ MỘT THỦY THỦ TÀN BẠO.
Khi họ nhổ neo ra khơi thì mọi người đều mừng rỡ. Thuyền trưởng cấp thêm phần rượu cho tất cả. Họ đều say sưa náo nhiệt. Buổi chiều đó họ đánh lộn nhau tứ tung. Họ gây sự vì chuyện chủng tộc, màu da. Một anh chàng Mã Lai nghĩ rằng mình bị nhục đã rút kiếm định giết bạn. Morris đứng ra giữa mấy người Mã Lai và mấy người bị đe dọa và ôn tồn nói rằng: “Đừng giết, đừng giết.”
Lúc ấy anh Mã Lai lại muốn cho mọi người biết là hắn định giết Morris vì hắn ghét người da đen lắm. Thanh kiếm của hắn đã giết nhiều người Phi Châu rồi. Hắn là một tên sát nhân nguy hiểm. Ngay thuyền trưởng cũng ngán hắn.
Khi Morris tới gặp hắn, hắn giơ kiếm lên và hét lớn như muốn chặt vụn cậu ra. Nhưng Morris nhìn thẳng vào mặt hắn và đứng yên không nhúc nhích. Người Mã Lai hạ khí giới xuống và đi vào giường ngủ. Kẻ tàn bạo này đã đối diện với một quyền năng mạnh hơn con người.
Lúc ấy vị thuyền trưởng vì nghe xáo trộn, đã mỗi tay cầm một khẩu súng ra đứng trên boong tàu để cốt hạ kẻ gây rối. Bỗng nhiên ông ta thấy đám thủy thủ thôi đánh nhau vì sự can thiệp của Morris. Ông phải nhận rằng cậu bé Phi Châu này có một sức mạnh thần kỳ hơn cả những thú tính của kẻ tàn bạo nhất.
Ông đi xuống boong với Morris, lúc ấy đang quỳ xuống cầu nguyện cho tất cả thủy thủ. Đó là lần đầu tiên thuyền trưởng cầu nguyện chung, ông ta cảm ơn Chúa vì đã sai sứ giả hòa bình đến giữa họ. Và ông cũng xưng tội, nhận lấy sự đổi mới cho đời sống. Ông là một trong những người đầu tiên mà Morris đưa đến tin Chúa trên con tàu ấy. 
Morris thấy rằng phòng của thuyền trưởng là một cái hang tối tăm, dơ bẩn, khói bụi và rác rến từ bao năm đọng lại ở đó. Cậu chùi rửa sạch sẽ. Ngay cả các khí giới giết người treo trên tường cũng được chùi sáng. Một câu Morris thường nói là: “Thánh Linh không ở chổ nào ô uế.” Thuyền trưởng vui lắm khoe phòng mới cho các viên chức khác trên tàu.
Dần dần Morris chiếm trọn được lòng thuyền trưởng. Lúc đầu ông còn khó chịu vì Morris hay cầu nguyện, về sau khi nào cậu cầu nguyện, ông đứng lặng yên, tay cầm lấy mũ. Thuyền trưởng cũng không cấp rượu cho thủy thủ nữa và các trận đánh nhau cũng
chấm dứt. Khi ấy thuyền trưởng thường hay gọi thủy thủ đến chỗ của ông để cầu nguyện. Trong các trường hợp ấy, tiếng nói rõ ràng, mạnh mẽ của Morris và các bài hát cậu đã học thuộc lòng từ Liberie đã chiếm cảm tình của thủy thủ. Thuyền trưởng và thủy thủ khi hết việc thường ngồi cả giờ nghe cậu hát những bài Thánh ca hay và truyền cảm, những bài hát không bao giờ mất quyền năng và hấp dẫn. Khi Morris hát, nhiều tiếng hát khác cũng lần lượt hát theo cho đến khi tất cả đều tới chỗ thèm khát Đức Chúa Trời và ân điển của Ngài.
Người Mã Lai khi trước đe dọa Morris, bị đau nguy kịch đến nỗi không ai hy vọng rằng hắn có thể bình phục. Morris không biết tiếng của anh ta và cũng không giao du gì với anh. Nhưng khi nghe anh này đau nặng, cậu lại bên giường cầu nguyện cho anh ta. Anh ta lành bệnh. Người tàn bạo này trước đó không biết gì về Đức Chúa Trời và đã sống cho tham vọng xác thịt, anh ghét người da đen lắm và lúc nào cũng muốn tỏ ra như vậy. Tất cả giờ đây đã thay đỗi. Người Mã Lai bây giờ có thể hy sinh cả mạng sống cho cậu bé da đen này.
Thủy thủ nói chung đều không có lý tưởng, không giống nhau một chút gì, vì họ được tuyển chọn mọi nơi trên thế giới. Mỗi miệng nói một thứ tiếng, mỗi lòng hướng về một quê hương. Nhưng lúc ấy tất cả đều cầu nguyện và hát cùng Samuel Morris. Họ quên hết khác biệt chủng tộc, tiếng nói ngôn ngữ và tập quán. Đức Chúa Trời của Morris đã trở nên Đức Chúa Trời của họ. Ánh sáng đã đưa cậu đến với họ chiếu qua cậu quá rõ ràng đến nỗi ai cũng thấy và do đó họ tìm được một dây thân ái mới mẽ.
NỮU ƯỚC CHÀO ĐÓN SAMUEL MORRIS
Sau năm tháng lênh đênh trên biển, con tàu đến Nữu ước (New York). Khi cậu Sammy xuống tàu quần áo tả tơi, không có giày dép nên khi đến bến, thủy thủ góp một số tiền may cho cậu một bộ đồ với mũ và giày dép để lên bờ cho chỉnh tề.
Samuel xúc động quá khi thấy hải cảng đàng xa. Bao nhiêu gian khổ nhọc nhằn đều quên cả. Ai ai trên tàu bây giờ đều là bạn, thân nhất lại là anh chàng Mã Lai khát máu khi trước. Khi chia tay lần cuối nhiều người đã khóc như trẻ con. Biên cương chủng tộc đã phá bỏ, họ tìm được một mối thân hữu còn hơn ruột thịt. Sứ giả da đen của Đức Chúa Trời đã ở với họ. Nhờ cậu mà họ biết được có một Đấng trả lời cầu xin không phân chia màu da.
Khi cầu tàu hạ xuống, Samuel là người đầu tiên lên bờ.
Cậu bước lên bến thì có một người đi qua, cậu hỏi ngay: “Ông Stephen Merritt ở đâu hả ông”
Người này vốn có đến chỗ Stephen Merritt xin trợ giúp nên đáp ngay: “Tôi biết ông ta, ông ấy ở đại lộ số 8 bên kia. Cậu trả tôi một đô la, tôi dẫn đi.”
Tàu đậu ở một khu mà không ai biết tên mục sư Stephen Merritt. Nếu không có sự dẫn dắt của Thánh Linh và đức tin của Morris thì thật khó tìm ra ông Merritt.
Morris không có một xu, nhưng cứ chấp nhận giá cả đó và tin rằng một đô la sẽ có. Tên ma cà bông dẫn cậu qua bao nhiêu đường phố, giữa bao nhiêu người ồn ào náo nhiệt, đến tối thì tới nhà ông Merritt. Ông mục sư đã đóng cửa văn phòng, đang khóa cửa thì hai người vào. Người dẫn đường bảo cậu ông Merritt đó, ông ấy đang khóa cửa kia kìa, Morris chạy tới kêu rằng: “Tôi là Samuel Morris, tôi mới từ Phi Châu tới đây để nói chuyện với ông về Đức Thánh Linh.”
Ông Merritt vừa ngạc nhiên vừa buồn cười về câu chào hỏi này. Ông hỏi Morris có thơ giới thiệu không, cậu đáp: “Dạ không, tôi không có thì giờ đợi thơ.” Stephen Merritt
ôn tồn bảo Morris rằng: Ông đã có hẹn trước nên bây giờ không có thì giờ, ông mời cậu vào nhà hội kế bên và đợi tối sẽ gặp.
Morris bước tới nhà hội thì người ma cà bông kêu: “Đồng đô la của tôi đâu cậu?.” Sammy không bao giờ nghi ngờ sự săn sóc của Cha trên trời, chỉ vào ông Merritt và nói bây giờ ông Merritt sẽ trả cho tôi cả. Ông Merritt mĩm cười rồi đưa một đô la cho người ăn mày rồi lên xe đi.
Stephen Merritt đến chỗ hẹn xong trở về nhà. Khi sắp xuống xe ông bỗng nhớ đến cậu bé Phi Châu và bảo người đánh xe trở lại Bethel. Ông thấy Samuel có mười bảy người quỳ xung quanh cậu. Cậu vừa nói cho họ nghe về Jesus và họ đang vui vẻ trong ân tha thứ của Ngài. Đó là đêm đầu tiên ở đất Mỹ. Cậu bé da đen nói tiếng Anh không lấy gì thành thạo đã đem gần 20 người đến với Chúa. Khi đám đông đã tan, Stephen Merritt đem Morris về nhà vì thấy cảnh tượng khác thường đó. Lần đầu tiên cậu được đi xe ngựa, cậu sung sướng lắm. Cái cảnh một đoàn ngựa chạy bước đều đặn như thế thì ai thấy cũng phải thích. Nhưng đối với cậu bé Kru này, vốn được trưởng dưỡng trong rừng sâu, lại vốn có khiếu thẩm mỹ đối với vẻ đẹp thiên nhiên của những sinh vật, thì những con ngựa hung hăng ấy làm cho cậu thích không sao tả xiết. Khi xe ngựa về đến, ông Merritt khó làm cho mắt cậu rời mấy đôi ngựa ấy.
Khi họ về đến nhà là một giờ sáng. Bà Merritt vẫn thức đợi chồng. Khi ông mở cửa ra bà hỏi: “Ủa ai đây.” Thái độ lúng túng và quần áo thủy thủ của cậu khiến ai mà chẳng ngạc nhiên.
Ông Merritt trả lời: “ Mình ơi đây là một thiên sứ bằng gỗ mun.”
Bà Merritt chưa hết ngạc nhiên hỏi: “Mình đem cậu ta đi đâu.”
Ông đáp: “Tôi đưa cậu ấy lên giường ông Giám mục.”
Bà phản đối: “Không được, đừng làm thế.” Nhưng ông cứ đi. Họ lên căn phòng được ngăn làm chổ ở cho giám mục William Taylor khi ông ta tới Nữu Ước. Merritt đưa Morris vào đó. Ông chỉ vẽ cho cậu bé chưa bao giờ được ngủ trên cái giường thật sự, biết cách mở đèn làm sao, tắt đèn làm sao. Cậu lại được đưa cho bộ đồ ngủ. Ông Giám mục to béo thành ra cậu mặc bộ đồ vào trông kỳ cục, ông Merritt phải bật cười.
Nhưng ông ta phải ngừng bặt vì Morris xắn tay áo lên mời ông Merritt quì xuống cầu nguyện. Linh hồn Samuel Morris bốc cháy. Ánh sáng từng dẫn cậu từ quê hương đến tận đây phải đem chia sớt với vị chủ nhà đêm ấy. Vị chủ nhà là người giảng Tin lành nhiều năm đã nhận được sự thăm viếng của Thánh Linh. Trong những phút giây mà lời cầu nguyện thốt ra từ một người da đen vô học, vị bí thư của Giám Mục Taylor đã có một mặc khải về sự thực hữu và năng quyền của Đấng an ủi mà trước kia ông chưa từng biết.
Sáng hôm sau, khi Morris thức dậy, cậu vội vàng xếp gọn giường và phòng, rồi đi xuống chuồng ngựa. Tại đó cậu bắt tay ngay vào việc, cậu thu vén máng cho ngựa ăn. Ông Merritt thức dậy trễ hơn, ông đến phòng Giám mục, nhưng vị thiên sứ đen như mun không có ở đó. Cuối cùng ông thấy cậu đang làm việc ở chuồng ngựa, ông mời cậu ta vào nhà giới thiệu với mọi người và mời ăn điểm tâm chung.
Ông Merritt hướng dẫn cho cậu cách ăn thức ăn. Cậu đói lắm vì từ tối thứ năm đến sáng thứ bảy cậu chưa ăn gì.
MỘT ĐÁM TANG BIẾN THÀNH MỘT CƠN PHỤC HƯNG
Ông Merritt thật là bận rộn. Công việc Hội Thánh chiếm hết thì giờ của ông. Buổi sáng thứ bảy đó phải chủ lễ một đám tang của một người nổi tiếng ở Harlem. Ông chở Morris theo trên xe ngựa. Trên đường đi, ông lại đón thêm hai vị linh mục trong Hội
Thánh nữa để phụ tá ông trong cuộc lễ. Khi vị thứ nhất trong hai vị thần khoa tiến sĩ này nhìn vào xe thấy cậu bé da đen ngồi đó, thì lùi ra, đợi một lát, mong rằng cậu bé rách rưới ấy sẽ bước ra. Nhưng cuối cùng hai vị đều phải lên xe và khó chịu vì ngồi chung với một người Phi Châu quê mùa. Họ không nói gì, nhưng đưa mắt nhìn cậu tỏ ý bất mãn.
Trên đường đi ông Merritt chỉ cho Morris nhiều nơi và thắng cảnh quan trọng như là Celtral Part, Grand Opera House và các nơi quan trọng khác. Nhưng Morris chú ý đến một cái gì kỳ lạ hơn những kỳ quan của thành phố vĩ đại này. Cậu để tay lên đầu gối ông Merritt và nói: “Ông có bao giờ cầu nguyện khi đang đi xe không?” Ông đáp ông thường có những giờ phút rất phước hạnh khi đi xe nhưng chưa hề chính thức cầu nguyện. 
Morris nói: “chúng ta cầu nguyện đi.” Rồi hai người cầu nguyện. Đó là lần đầu tiên Merritt quỳ gối cầu nguyện trên xe ngựa. Morris nói: “Lạy Cha, con đã bỏ nhiều tháng đến đây để gặp ông Stephen Merritt để nói chuyện với ông ấy về Đức Thánh Linh. Bây giờ con đã ở đây, ông chỉ cho con đang xem bến tàu, nhà thờ, nhà ngân hàng, và các tòa nhà khác. Nhưng không nói một lời nào về Đức Thánh Linh mà con đang nóng lòng muốn biết rõ hơn. Xin Chúa hãy đầy dãy Ngài trên ông để ông sẽ không nghỉ hay nói hay viết hoặc là giảng điều gì khác hơn là chính Ngài và Đức Thánh Linh.
Những gì xảy ra trên chiếc xe ngựa ấy không phải là sự biểu lộ tầm thường của thiên sũng. Ông Stephen Merritt đã dự nhiều buổi lễ các giáo sĩ dâng mình, phong chức nhiều mục sư, chỉ định Giám mục và lễ đặt tay cho các người thánh. Nhưng chưa bao giờ ông từng trải sự hiện diện nóng cháy của Thánh Linh như khi ông quỳ trên xe ngựa hôm đó, bên cạnh ông là một người thuộc nhóm chủng tộc bị khinh, không có một xu nhỏ và ăn mặc rách rưới. Cả cuộc đời Merritt đã thay đổi hẳn trong lúc kỳ diệu ấy.
Khi mới bắt đầu lên xe, các vị mục sư này hơi hổ thẹn vì đi xe chung với một cậu da đen rách rưới. Sau khi Morris cầu nguyện, chính hai vị này lại cảm thấy hổ thẹn vì sự rách rưới nghèo nàn tâm linh của mình. Họ thấy rằng quần áo của Morris không xứng đáng với con người bên trong của cậu nên theo đề nghị của Merritt, họ đã dừng lại ngay tiệm may để mua quần áo cho cậu.
Ông Merritt bảo người chủ tiệm may cứ chọn thứ nào tốt nhứt thì may cho cậu bé nầy. Nói xong ông đi bỏ thơ. Người chủ tiệm làm đúng y theo lời dặn của Merritt, lại thêm có hai vị giáo phẩm là linh mục của Giám lý Hội cùng đứng đó đó nữa, mỗi ông thêm thắt vẽ vời một tí vào bộ đồ của Sammy Morris. Sau đó, Merritt có một nhận xét khá khôi hài rằng: “Phàm nơi nào có hai, ba vị linh mục Giám lý trở lên, họ đều không ai chịu thua ai về lòng rộng rãi miễn là họ bắt người khác thanh toán cho cái hóa đơn của mình.” Trong trường hợp nầy thì hai vị linh mục tranh nhau chọn thứ hàng thật tốt để may cho cậu Sammy một bộ “côm lê” bảnh nhất trong tiệm. Khi ông Merritt trở lại, ông thấy Samuel đang đứng ngắm nghía cậu trong chiếc gương phản chiếu hình ảnh của Phi Châu đen tối hơn hết trong bộ thời trang của Đại lộ Số Năm ở Nữu ước. Ông tươi cười trả tiền hóa đơn bộ đồ mới. Thật ra, bộ đồ Samuel bận trước đó mà cậu đã cởi bỏ ra tuy có kỳ cục thật, nhưng Merritt cho là rất quí báu. Ông đã lấy cất và trưng bày trong văn phòng của ông nhiều năm sau đó.
Sau khi Morris đã mặc quần áo chỉnh tề họ đi xe thẳng đến chỗ đám táng. Một đám đông người đã đến tỏ lòng kính mến người quá cố. Stephen Merritt đã biết chắc sẽ có đông người nên đã chuẩn bị một bài giảng tang lễ kỹ lưỡng. Nhưng lời cầu nguyện trên xe ngựa đã cho ông tinh thần mới. Tất cả những sự cũ đã qua đi. Người ta ngạc nhiên vì bài giảng ông giảng hôm ấy.
Các từng trời dường như mở ra khi ông quên hẳn bài giảng cũ và tuôn ra một sứ điệp đầy tình cảm do chính Đấng An ủi hà hơi. Hai vị mục sư kia cũng cảm thấy như vậy, trong phần thuyết giảng ngắn của họ, họ cũng thấy quyền năng lạ lùng và họ đã phải ngạc nhiên về chính ơn hùng biện của họ.
Mọi người nghe say mê, không ai nghĩ rằng các vị diễn giả tài ba nầy chỉ là trung gian để cho một cậu bé da đen nghèo khổ đã biến một cảnh than khóc ra cảnh vui mừng. Mặc dù đó là do đức tin của cậu mà sự xức dầu từ trên cao đã được ban xuống, cậu Morris chẳng nói một lời trong buổi lễ. Cậu chỉ ngồi đó, đầy dẫy Đức Thánh Linh đến nỗi cậu dường như nhìn thấy cả con đường dẫn đến ngưỡng cửa Thiên đàng. Cậu có thể cảm thấy cả tiếng chạm của các cánh Thiên sứ.
Lúc ấy xảy ra một việc khác thường minh chứng rằng Samuel Morris có một năng quyền siêu nhiên chỉ đến từ Thần Linh Đức Chúa Trời. Trong lúc lễ, lần lượt người nầy đến người khác tiến lên trước, mặc dù không ai mời, họ quỳ xuống bên cạnh quan tài. Họ không tiến đến như những kẻ cư tang nhưng là những kẻ ăn năn tội lỗi, họ đã được ánh sáng phát ra từ linh hồn Samuel Morris kéo đến.
SAMUEL MORRIS ĐI HỌC
Sau đám tang, ông Merritt đưa cậu về văn phòng. Trên đường đi, Morris hỏi nhiều câu hỏi khúc mắc về Thánh Linh, đến nỗi Merritt thấy rằng ông được học hỏi nhiều hơn là dạy dổ, kinh nghiệm tôn giáo của Morris vượt qua tri thức ông đã hấp thụ được về vị sứ giả vô hình của Đức Chúa Trời. Đến văn phòng, Merritt đọc cho người thư ký viết một bức thư gửi cho viện trưởng viện đại học Taylor hồi đó ở Wayne, Indiana. Ông nói rằng ông gởi đến cho họ một viên kim cương còn nguyên vẹn để cho họ dũa mài, để rồi đưa ra soi sáng thế gian.
Hôm sau nhằm ngày Chúa nhật, ông Merritt bảo Morris: tôi muốn hôm nay mời cậu đi đến trường Chúa nhật. Tôi làm chủ tọa và tôi mời cậu nói chuyện.
Morris trả lời tôi chưa bao giờ đến trường ngày Chúa nhật cả, nhưng không sao.
Ông Merritt tươi cười giới thiệu Morris là người từ Phi Châu đến để nói chuyện với chủ tọa trường Chúa nhật của họ về Đức Thánh Linh. Cả trường cười, giới thiệu xong, ông phải đi việc khác. Một lát sau, ông trở lại thấy trên tòa giảng đầy thanh niên đang khóc và thổn thức. Morris đứng gần chỗ lan can cầu nguyện.
Morris hoàn toàn bình tĩnh. Cậu bình tĩnh một cách khác thường lắm. Khi cầu nguyện, cậu luôn luôn dùng một giọng nói như nói chuyện với bạn, cậu chỉ nói chuyện với cha cậu mà thôi, cậu tha thiết lắm, nhưng vẫn ôn tồn. Thính giả của cậu không bị lay động bởi hùng biện của một số nhà truyền giảng phục hưng. Thực ra cũng không phải lời nói hay cử chỉ của cậu là đáng kể mà chính là sự hiện diện và quyền năng Thánh Linh rõ ràng đến nỗi ai nấy đều thấy cả nơi nhóm đầy vinh quang của Ngài.
Các bạn trẻ trong trường Chúa nhật lập tức tự động tổ chức một hội truyền giáo Samuel Morris. Hội này cấp lo tiền bạc, chuyên chở quần áo và mọi thứ cần dùng để gởi Samuel Morris đi học. Họ chất đầy ba cái rương gồm sách, áo quần và các món tặng vật khác.
Sau buổi nhóm trường Chúa nhật Samuel Morris trở về nhà ông Merritt. Theo phép lịch sự, bà Merritt mời cậu tạ ơn Chúa khi ăn cơm. Lòng cậu đầy sự tri ân. Lời tạ ơn của cậu với Cha trên trời làm tan chảy mọi tấm lòng. Ngay bà Merritt là người lạnh lùng và theo lối quí phái cũng phải khóc lóc. Bà nói: cậu hãy coi đây như ở nhà. Chúng tôi có gì cậu có nấy. Cậu lưu trú có mấy bữa mà đã làm mất đi mọi thành kiến về chủng tộc ở trong gia đình này. Tuy nhiên, người ta định rằng phải cho cậu đi học. Giữa tuần lễ kế đó, cậu đã chuẩn bị sẵn lên tàu đi Wayne.
Khi cậu tới đại học Taylor, ông viện trưởng T.C.Reade hỏi cậu muốn phòng nào, Morris đáp: ông cho tôi phòng nào mà không ai chọn ấy. Tấn sĩ Reade về sau kể lại rằng: nghe vậy tôi quay đi, vì mắt tôi đầy lệ. Tôi tự hỏi tôi rằng có bao giờ tôi chịu nhận cái gì mà mọi người chê bỏ chăng? Tôi là giáo sư đã lâu, tôi có dịp giao phòng cho hơn ngàn sinh viên. Hầu hết các thanh niên nam nữ ấy đều là con nhà quí phái, nhưng Morris là người duy nhất nói rằng cho tôi phòng nào mà không ai chọn ấy.
Một hôm, Morris đến với Tấn sĩ Reade và hỏi rằng cậu có được phép rời trường một thời gian để kiếm tiền không. Ông Reade ngạc nhiên lắm. Morris nói: tôi không muốn rời trường, nhưng tôi muốn kiếm đủ tiền để đưa Henry O’Neil qua đây học. Anh ấy giỏi hơn tôi nhiều. Hai anh em tôi hầu việc Chúa chung ở Liberie.
Ông Reade bảo cậu cầu nguyện về vấn đề đó và Chúa có phương cách đưa O”Neil sang Mỹ. Hôm sau, Morris hớn hở đến nói với ông Reade: O”Neil sắp đến rồi, Cha tôi đã bảo tôi thế.
Tấn sĩ Reade viết thư cho ông Merritt về việc này và được biết rằng một vị giáo sư từng ở Liberie khi Morris và Henry đang làm công việc quí báu đó, đã trở về Saint Louis và đang sắp xếp để đưa Henry là trái đầu tiên trong chức vụ của Morris
PHẦN 3
LÃNH TỤ SINH VIÊN
MỘT VỊ MỤC SƯ ĐƯỢC THIÊN ĐÀNG PHONG CHỨC
SỨ ĐỒ Phao lô thường nói rằng khác với sứ đồ khác, giấy phép giảng đạo của ông do Thiên Thượng cấp, chứ không phải do loài người. Samuel Morris cũng đúng như vậy.
Chúa nhật tiếp theo ngày cậu tới Wayne, Morris hỏi rằng có nhà thờ cho người da đen không, người ta bảo có. Thế là cậu đi tìm, nhưng nơi này xa trường quá, đến nỗi khi cậu tới đã trễ. Phần đầu giờ nhóm vừa xong, ông mục sư đứng trên tòa giảng, đã đọc Kinh Thánh, sắp giảng. Morris bước thẳng vào nhà thờ lên tòa giảng và bước lại bục giảng.
Ông Mục sư đó nghiêm lắm, nên thái độ của Morris làm ông khó chịu. Morris nói: tôi là Samuel Morris, tôi mới từ Phi Châu tới. Tôi có một sứ điệp cho quí vị ở đây. Ông Mục sư bắt đầu muốn từ chối, nhưng khi nhìn thấy gương mặt rạng rỡ và ánh mắt sáng ngời của Morris, ông cảm thấy rằng chắc phải có sứ điệp thật. Ông hỏi Morris có soạn bài giảng không, vì nghĩ rằng cậu là một mục sư, Morris nói: “Không, nhưng tôi có một sứ điệp.”
Ông mục sư mời cậu lên tòa giảng. Ông mục sư vừa mới ngồi xuống gần chỗ bàn tiền dâng, thì nghe có tiếng lao xao, ông nhìn lên thấy cả hội chúng quỳ xuống, khóc lóc cầu nguyện và la lên vì vui sướng. Morris đứng ở tòa giảng, không giảng nhưng cầu nguyện, nói chuyện với Cha của cậu. Về sau, mục sư này kể lại rằng: tôi không nghe cậu ấy nói gì. Tôi tự nhiên thấy có sức mạnh bắt mình muốn cầu nguyện. Tôi nói gì, Morris nói gì tôi cũng quên, nhưng tôi nhớ rằng linh hồn tôi bốc cháy, chưa bao giờ có như vậy. Ánh sáng dẫn Morris ra khỏi xiềng xích ở Phi Châu chắc chắn đã rọi vào lòng anh em ở Wayne. Hội Thánh này chưa bao giờ được Thánh Linh viếng thăm như vậy.
Buổi nhóm kéo dài mãi quá giờ như thường lệ. Khi mọi người ra về, họ nhận thức rằng có một mặc khải sống động của Thánh Linh hôm ấy. Morris nói ngôn ngữ loài người. Cậu đã cầu xin Cha của họ trên trời từ nơi sâu thẳm linh hồn mình. Lời cầu thay của cậu hoàn toàn do đức tin như một con trẻ, Thánh Linh đã đáp lời. Ai nấy về nhà tâm hồn vui thỏa
Mới một ngày mà Morris vô danh đã thành một tên ai cũng nhắc đến ở Wayne. Báo chí ở đó đăng tải cuộc phục hưng lớn của Samuel Morris. Hôm Chúa nhật đó trong nhà thờ Phi Châu ở đường Eart Wayne. Các báo tôn giáo sao lại và bình luận về sự mặc khải thuộc linh kỳ diệu này. Tất cả tỉnh Wayne đều biết tên anh sinh viên Phi Châu mới vào đại học Taylor mặc dù chưa đến một tuần lể.
MORRIS CỨU MỘT ĐẠI HỌC
SAMUEL Morris chăm học lắm. Mỗi chữ mỗi ý nghĩa, mỗi nguyên lý dạy cho cậu là ăn sâu ngay vào óc cậu. Những câu nói tế nhị và giọng nói líu lo của các giáo sư đã biến thành cuộc đàm thoại riêng của cậu. Tuy nhiên, trong tư tưởng của cậu vẫn thuần tuý Châu Phi. Cách ghép chữ thành câu của cậu ai cũng ngạc nhiên. Các câu cậu nói ngắn nhưng mỗi chữ đều có ý nghĩa. Cậu không hề nói chơi. Cuộc đời của cậu là những tư tưởng cao cả và những mục đích cao thượng.
Nhưng bao giờ Morris cũng coi Thần lẽ thật Thiên Thượng là giáo sư chính của mình. Có khi gặp một bài toán khó giải cậu nói thì thầm rằng: “Lạy Chúa, giúp con.” Cậu dành nhiều thì giờ nói chuyện với Cha hơn là với các giáo sư. Thánh Linh đưa Đức Chúa Cha lại gần cậu như bất cứ một giáo sư nào trên đất và khiến Ngài cũng như một vị giáo sư.
Nhiều người từ xa đến gặp Morris và nói chuyện với cậu nhưng cậu không có thì giờ để chỉ nói chuyện bá vơ. Sau khi chào hỏi thông lệ cậu đưa Kinh Thánh cho người khách, mở đoạn mà cậu muốn học ra và yêu cầu người khách đọc lớn tiếng. Morris đã được người ta đọc cho nghe cả Kinh Thánh theo kiểu đó.
Trong Đại học có một thanh niên vô thần và ưa khích bác. Anh ta không muốn để yên cho ai muốn tin gì thì tin. Anh ta thuộc long lập luận của phái vô thần và không bỏ những dịp cãi lý với các sinh viên tín ngưỡng. Thường rất khó gặp Morris. Cậu không tiếp ai cả khi bận cầu nguyện. Tuy nhiên anh vô thần này thuyết phục được một sinh viên đưa đến phòng Morris để giới thiệu anh ta. Chàng vô thần ưa cải lắm và tưởng rằng dễ thắng chàng da đen kém học thức này. Như thường lệ, Morris đưa cho anh ta cuốn Kinh Thánh và mời đọc một đoạn. Anh ta quăng Kinh Thánh lên bàn và nói: “Tôi không đọc cuốn sách đó nữa, vì toàn chuyện tình, chuyện chiến tranh và nhiều chuyện đánh cá. Tôi không tin một lời nào trong cuốn này.”
Samuel Morris chưa bao ghờ nói chuyện với một kẻ vô thần vì ngay những người Phi Châu man rợ cũng tin thần linh. Cậu ngồi yên lặng và đưa mắt nhìn kẻ vô thần cho đến khi anh này dịu xuống. Lúc ấy Morris đứng dậy nói: “Anh ơi, Cha anh nói với anh mà anh không tin sao? Anh ruột của anh nói mà anh cũng không tin sao? Mặt trời chiếu sáng mà anh không tin mặt trời sao? Đức Chúa Trời là Cha của anh. Đấng Christ là Anh ruột của anh, còn Thánh Linh là Mặt trời của anh.”
Rồi đặt tay lên vai người khách, cậu nói : “Anh quỳ xuống, tôi cầu nguyện cho anh.” Một linh hồn đang lâm nguy; Thánh Linh dạy Morris nói lên tiếng nói của tâm hồn người anh em này. Anh vô thần chống cự cho đến lúc sắp ra về thì cảm thấy sự cáo trách của Thánh Linh trong lòng. Cuối khóa học, anh ta rời trường trở thành một người tín đồ cầu nguyện và hầu việc Chúa. Về sau anh chàng trước kia nhạo báng đạo Chúa đã trở thành Giám mục.
Morris làm nóng chảy toàn trường Đại học, từ hiệu trưởng cho đến người sinh viên mới nhất năm thứ nhất, bằng cách cho họ thấy sự giản dị và quyền năng của Thánh Linh đã có thể ban các ơn lãnh đạo cho một con người thấp hèn nhất. Cả trường được nâng lên một bình diện cao hơn, sinh viên không phải chỉ là những người được cứu, nhưng được tăng cường phần thuộc linh để cứu kẻ khác.
Những sự hành hạ mà Morris phải chịu ở Phi Châu khi bị làm con tin, những khổ cực khi ở trên con tàu lang thang đã làm yếu thể xác mỏng manh của cậu rất nhiều. Thêm vào đó, khí hậu Bắc Mỹ với những mùa đông dài, lạnh lẽo là một khung cảnh khác thường đối với một người được sinh trưởng ở vùng nhiệt đới. Tuy vậy Morris vẫn đi nhóm đều đặng các buổi nhóm trừ ra mùa đông kinh khủng năm 1892-1893.
Mặc dù Morris không chống cự nổi cái lạnh mà cậu phải chịu, cậu vẫn theo học các giờ học đầy đủ. Nhưng sức cậu mòn dần. Cậu bị chứng thủy thũng và không thể giấu nổi rằng bị đau nặng. Khi bác sĩ Stemen khám xong thì cho đưa cậu vào bệnh viện Joseph. Dầu cậu là con của ông viện trưởng đi nữa, cũng không thể được chăm sóc được chu đáo và tử tế hơn. Nhiều người thương yêu cậu và những người cậu đem phước hạnh đến cho, đã tới thăm cậu. Họ đem đến cho cậu những gì họ chứng minh lòng yêu quí của họ. Tình yêu cậu cho họ và tình yêu cậu nhận được thật khó đo được.
Lúc đầu Sammy không biết tại sao mình lại đau. Cậu nói: “Mùa đông năm ngoái tai tôi bị tê cứng, tôi đau lắm. Tôi cầu xin Cha tôi và tôi hết đau ngay. Bây giờ tôi không khỏi bệnh, tôi chẳng hiểu được điều ấy.”
Nhưng một hôm kia, các sinh viên đến thăm cậu Morris vui vẻ nói lại với họ rằng bây giờ cậu hiểu rõ rồi. Cậu nói: “Tôi rất mừng. Tôi đã thấy các thiên sứ, chẳng bao lâu nữa họ sẽ đến rước tôi. Ánh sáng mà Cha tôi ở trên trời sai đến để cứu tôi khi tôi bị treo trên thập tự xưa ở Phi Châu, có một mục đích. Bây giờ tôi đã hoàn thành mục đích đó. Công việc của tôi trên đất này đã xong.”
Tấn Sĩ Reade hỏi cậu về công việc lớn lao cậu định làm giữa đồng bào Phi Châu thì cậu đáp: Đó không phải việc của tôi. Đó là việc của Đấng Christ. Ngài phải chọn những cộng tác viên của Ngài. Những người khác có thể làm việc tốt hơn tôi.
Bác sĩ Stemen ở ngay bên kia đường, ngang bệnh viện. Gần trưa ngày 12 tháng 5, bác sĩ đang cắt cỏ ngoài sân thì nghe có tiếng nói: “Bác sĩ Stemen ơi, đừng làm việc mệt quá nhá.” Ông nhìn lại thì thấy Morris ngó qua cửa sổ trong phòng bệnh viện. Hai người vẫy tay chào nhau. Morris rời cửa sổ ngã mình trên ghế còn bác sĩ tiếp tục làm việc.
Vài phút sau cô Helen trong bệnh viện đến báo cho bác sĩ Stemen và gia đình ông rằng Morris dường như hết hy vọng. khi bác sĩ Stemen đến nơi, cậu hoàng Phi Châu còn ngồi yên trên ghế, nhưng đã chết.
Mặt cậu mang một vẻ vui thỏa trang trọng như khi cậu hát bài Thánh Ca cậu ưa nhất:

Vui thú thế gian mau tàn
Jêsus thuộc tôi
Dây vấn vương xưa ly đoạn
Chúa thuộc tôi rồi
Dồng vắng vườn hoang âm u
Không chốn nghỉ yên trọn đời
Duy Chúa ban ơn hộ phù
Chúa thuộc tôi rồi.

(Thánh Ca Tin Lành Việt Nam số 298- câu I)
Cậu đã đi gặp Cha cậu trên trời, lặng lẽ y như đi chào mừng một trong những giáo sư yêu dấu của cậu vậy. Vị “Thiên thần đen như mun” đã nhập vào đoàn thiên thần của mọi thời đại và mọi chủng tộc.
                                                 oOo
Lớp cao đẳng ở đại học Taylor năm 1928 đã lo dựng đài kỷ niệm trên một ngọn đồi mà mỗi mùa xuân, mùa hạ đầy những hoa tươi đẹp nhất. Tấm bia có ghi những chữ:

Samuel Morris 1872 – 1893
Hoàng Tử KABOO
Người Tây Phi Châu
 ***
Cơ đốc nhân Huyền diệu Trứ danh,
Sứ đồ có Đức tin Giản dị
Tiêu biểu cho một đời sống đầy Thánh Linh.

Sau cơn buồn thảm và kinh ngạc đầu tiên đã qua, ý nghĩa thật của cuộc đời và sứ mạng của Samuel Morris bắt đầu chiếu diệu trong đầu óc các giáo sư, sinh viên và bạn bè. Mục đích và chương trình của Đức Chúa Trời dành cho cậu khôn ngoan hơn và to lớn hơn các chương trình của họ. Tấn sĩ đã nói lên điều này khi ông viết:
“Samuel Morris là một sứ giả thánh của Chúa sai đến đại học Taylor. Cậu nghĩ rằng cậu đến đây để sửa soạn mình cho sứ mạng của cậu đối với dân tộc cậu, nhưng cậu đã đến để chuẩn bị cho đại học đường Taylor sứ mạng của viện đại học này đối với cả thế giới. Nhờ cậu mà đại học này thấy được một khải tượng về nhu cầu của cả thế giới. Nhu cầu ấy không còn riêng của địa phương nào mà của cả thế giới.”
Trong buổi cầu nguyện sau khi Morris chết, một thanh niên đã đứng lên nói: “Bây giờ tôi cảm thấy tôi phải đi Phi Châu thay chỗ Morris, và tôi cầu nguyện rằng vì công tác của anh rơi lại trên tôi thế nào thì xin chiếc áo choàng đức tin của Morris cũng xuống trên tôi thế ấy.” Ngay lúc ấy cũng có hai người noi gương xung phong đi Phi Châu. Những người này là các bậc tiền phong cho nhiều người noi theo nữa’
Nhiều năm sau, khi Morris tới Nữu Ước, vị thuyền trưởng của con tàu lang thang đó đến Nữu Ước tìm Stephen Merritt. Khi ông này nói Morris đã đi đến nơi vinh quang trước 21 tuổi, thuyền trưởng xúc động đến nỗi đứng lặng thinh hồi lâu.
Sau đó ông ta nói rằng hầu hết thủy thủ vẫn còn làm với ông và ai ai cũng nóng lòng nghe tin người anh hùng và vị mục sư nhỏ bé kia. Ông bảo rằng Morris đã cầu nguyện lần đầu tiên mà ông được nghe trên con tàu của ông. Cậu đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ cho những thủy thủ chai lì, cộc cằn của ông. Thủy thủ bây giờ như anh em một nhà. Những gì Morris khuyên bảo đã hữu ích dài lâu.
Đối với riêng Mục Sư Stephen Merritt, thì ảnh hưỡng của cậu bé da đen không nói nổi Anh văn kia đã kéo dài suốt cuộc sống của ông. Cậu chỉ ở trong nhà ông một tuần lễ tại Nữu Ước, thế mà đức tin mạnh mẽ của “vị thiên thần đen như mun” này tiếp tục làm phép lạ suốt đời Merritt. Sau khi Morris đi, ông Merritt đi đến các bệnh viện thần kinh cầu nguyện cho nhiều người và họ được bình phục, ông cũng đi thăm các nhà thương người bệnh và cầu nguyện cho họ được chữa lành. Trước khi lìa cõi đời, Stephen Merritt đã đem đến Thập Tự giá mười ngàn người.
Thật khó tưởng tượng nổi có Đại học Mỹ nào riêng cho sinh viên da trắng lại lấy tên một người da đen không một xu dính túi để đặt cho cơ sở Đại học của mình. Thế mà Đại học Taylor làm như thế. Vì ảnh hưởng lâu bền của Morris mà người ta đã công nhận tòa Nhà Kỷ niệm Đức tin Samuel Morris ngày nay là một đặc điểm tự nhiên và tất nhiên trong khu Đại học.
Điều này không phải chỉ biểu lộ tinh thần tôn kính ở Đại học. Cả thành phố Fort Warne, qua cuộc họp của hội đồng thành phố đã dự trù rằng một chương trình xây cất của thành phố dưới quyền giới chức gia cư Mỹ quốc sẽ mang tên là Sammy Morris. Như thế, ảnh hưởng của Morris còn tiếp tục chứng minh là một nguồn phấn khởi và phước hạnh cho những người kém may mắn trong nhiều năm tới.
Ngày nay nhờ ảnh hưởng trường tồn cuộc đời đầy dẫy quyền năng Thánh Linh của Samuel Morris, hàng triệu tín hữu đã cảm thấy, và còn hàng triệu ngưới khác nữa cũng sẽ cảm thấy lời thách thức sinh động của đức tin bất tử của Morris. Cuộc sống thành công ấy, và cái chết còn thành công hơn như thế, tiên bảo cho chúng ta sự vĩnh cữu bất tử mà Đức Chúa Jêsus đã tuyên bố: “Người nào vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được ở lại.”
Các nhà nhờ có thể đóng, cửa các tín điều có thể qua đi. Đạo lý có thể đổi thay. Nhưng niềm tin đơn thành của con người phiêu lưu này không dựa trên các thứ ấy. Cậu đưa mọi người mặt đối mặt lần nữa với Đấng Christ đang sống là Đấng mà biết Ngài có nghĩa là yêu mến, và bước theo Ngài. Đó là bí quyết của thuật lãnh đạo không có tận cùng.
Mặc dù ai nghĩ gì về các phép la khác trong sách này, phép lạ chính trong cuộc đời Samuel Morris là phép lạ có thể được tái diễn trong đời sống mỗi đọc giả. Quí vị không cần bị treo trên cây tréo có hình thập tự giá ở Phi Châu để được ánh sáng thiên thượng tràn ngập linh hồn, để cho quí vị năng quyền phụng sự Chúa. Quí vị chỉ cần đến đối diện với Chúa với chính con người vô lực của mình vì chưa có Đức Chúa Trời để nhận ân điển và quyền năng của Ngài.
Chưa bao giờ người ta dễ công nhận con người cần đến Đức Chúa Trời như ngày nay, khi mà năng quyền hay tội ác thắng thế khắp các nước, sự thất bại của mọi phương thuốc loài người đem ra chữa bệnh cho thế giới đã phải nhường chỗ cho sự thay đổi biến cải trong bản chất của chính con người.
Thuật lãnh đạo thắng lợi của Samuel Morris là gương sáng cho mọi người già cũng như trẻ. Tuy nhiên tuổi thanh xuân của cậu, đức tin can trường và những công tác bất tử của cậu khiến cho tiểu sử này thành một cuốn chỉ nam cho thanh niên đang chuẩn bị giữ các vai trò lãnh đạo cho thế giới ngày nay.
Một đặc điểm quan trọng nhất của đời sống Morris là tất cả ảnh hưởng thuộc linh kỳ lạ của cậu thực hiện trong các công việc tầm thường ngoài đời. Cậu tìm thì giờ và dịp tiện đem các phước hạnh quí nhất đến cho người xung quanh mình trong khi cậu cực nhọc trong đồn điền, làm thợ sơn, làm bồi dưới tàu và về sau trong khi phải học thêm cho kịp các bạn sinh viên khác có nhiều giờ rảnh rỗi. Bất cứ bạn trẻ nào cũng có những cơ hội như vậy để phục vụ Chúa trong các cuộc tiếp xúc hàng ngày.
Hơn nữa cậu đặt để tấm lòng sốt sắng đạo đức vào công việc làm mỗi ngày, như khi chùi phòng cho thuyền trưởng, cũng như khi cậu nói lời Chúa ra. Thế giới cần có nhiều tín đồ thực tế như vậy hơn.
Những thời đại nóng cháy này là lò lửa để vàng của thuật lãnh đạo chân chính được thử rèn, luyện lọc và nổi bật lên một cách đắc thắng, công việc truyền Tin lành khắp thế giới và nền hòa bình của thế giới chờ đợi những nhà lãnh đạo mới được trang bị đầy tràn quyền năng ngự trị của Đức Chúa Trời nhờ sự dâng hiến hoàn toàn và đức tin trọn vẹn của một Samuel Morris. Những Samuel Morris ngày nay đâu cả? Đây là lúc dành cho những người của phép lạ mới.....

--- HẾT---

LÀM SAO CHO ĐƯỢC CHỊU BÁP TÊM BẰNG ĐỨC THÁNH LINH?

Đức Thánh Linh làm những gì trong và qua Sammy Morris, thì Ngài cũng mong làm trong và qua mỗi người đã tiếp nhận Đức Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa và Chúa của mình. Ngài chỉ chờ đợi chúng ta dâng cả thân thể, hồn và tâm linh cho Ngài kiểm soát trọn vẹn. Nếu mỗi tín hữu Việt Nam đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì chẳng bao lâu, mười triệu linh hồn sẽ ăn năn tội lỗi và quay về với Đấng Christ.
Những ai chưa tin Đấng Christ thì chết trong tội lỗi. Nếu chúng ta chưa đầy dẫy Đức Thánh Linh mà làm chứng về Cứu Chúa cho họ, thì họ không hiểu được những lời ta nói. Chỉ khi nào nghe Đức Thánh Linh phán qua môi miệng chúng ta, họ mới có thể tin Đấng Christ và “vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.” (Giăng 5:24). Nếu tôi đầy dẫy Đức Thánh Linh, những người tôi làm chứng về Chúa cho sẽ nhờ môi giới của tôi mà được cứu rỗi. Nếu tôi không sẵn lòng trả giá để đầy dẫy Đức Thánh Linh luôn, thì tôi phải chịu trách nhiệm về mọi linh hồn có thể nhờ tôi mà được cứu rỗi, nhưng lại không được cứu rỗi.
Bây giờ chúng ta đứng trước câu hỏi thực tế này: Chúng ta làm thể nào để được đầy dẫy Đức Thánh Linh? Trong Kinh Thánh có nêu rõ con đường gồm sáu bước đơn giản mà ai cũng đi được nếu muốn. Quả thật, bất cứ người nào đi sáu bước này, đều sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Cả sáu bước đã nêu rõ ở Sứ đồ 2:38 và mấy câu khác. Trước hết, ta hãy xem Sứ đồ 2:38 – “Hãy ăn năn (nguyên văn), ai nấy phải nhơn Danh Đức Chúa Jesus chịu báp têm, để được tha tội mình, rồi sẽ lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.”
1. Ta thấy hai bước đầu trong danh từ ăn năn. “Ăn năn” nghĩa là gì? Nghĩa là thay đổi tâm tưởng của mình. Thay đổi tâm tưởng của mình đối với gì? Đối với Đức Chúa Trời, Đấng Christ và tội lỗi. Đổi từ thái độ chối bỏ Đấng Christ ra thái độ tiếp nhận Đấng Christ. Hãy tiếp nhận Đức Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa và Chúa của chính mình. Đó là bước thứ nhất đi đến báp têm bằng Đức Thánh Linh.
2. Bước thứ hai cũng thấy trong danh từ ăn năn. Thay đổi tâm tưởng đối với Đức Chúa Jesus là ý nghĩ đầu tiên và trọng đại; song cũng còn phải thay đổi từ thái độ ham thích tội lỗi hoặc buông mình theo tội lỗi ra thái độ ghét và từ bỏ tội lỗi. Đó là bước thứ hai, tức là từ bỏ hết thảy tội lỗi.
3. Ta thấy bước thứ ba ở trong cùng một câu này: “Ai nấy phải nhơn Danh Đức Chúa Jesus chịu báp têm, để được tha tội mình.” Chỉ nhờ đức tin nơi Huyết Đấng Christ đổ ra mới được tẩy sạch tội lỗi; song sự đầy dẫy Đức Thánh Linh chẳng dành cho người nào âm thầm tin theo Đấng Christ; trái lại, dành cho người nào âm thầm tin theo Đấng Christ; trái lại, dành cho người nào công khai làm tín đồ Đấng Christ nhờ chịu báp têm bằng nước.
4. Rõ ràng lắm, bước thứ tư gồm trong câu chúng ta vừa mới kê cứu (Sứ đồ 2:38), nhưng được nêu rõ hơn ở Sứ đồ 5:32 – “Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời Ngài.” Bước thứ tư là vâng lời.
Vâng lời nghĩa là gì? Không phải chỉ có nghĩa là làm một vài điều, hoặc nhiều điều, hoặc hầu hết mọi điều mà Đức Chúa Trời bảo chúng ta làm; song có nghĩa là hoàn toàn thuận phục ý chỉ Đức Chúa Trời. Ấy nghĩa là tôi đến cùng Đức Chúa Trời mà thưa rằng: “Lạy Cha Thiên thượng, tôi đây luôn với mọi sự tôi có. Ngài đã trả giá chuộc tôi, và tôi nhìn nhận Ngài có quyền sở hữu tuyệt đối trên tôi. Xin Ngài nhận lấy tôi luôn với mọi sự tôi có, và xin sử dụng tôi tùy theo thánh ý của Ngài. Tôi tuyệt đối dâng mình cho Ngài luôn với mọi sự mình có một cách vô điều kiện và vĩnh viễn, để Ngài kiểm soát và sử dụng.”
5. Bước thứ năm thấy ở Luca 11:13 – “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời, lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!” “XIN” trong câu này là lời xin phát xuất từ ước muốn thành thật và nhiệt thành. Nếu ai còn nghĩa rằng mình không chịu báp têm bằng Đức Thánh Linh cũng chẳng sao, thì ai đó sẽ chẳng bao giờ được chịu báp têm ấy. Như vậy, bước thứ năm là XIN – xin dứt khoát một ơn phước dứt khoát.
Sách Êsai 44:3 có rất nhiều ý nghĩa: “Ta sẽ rót nước trên kẻ khác… Ta sẽ đổ Thần Ta trên dòng dõi ngươi.” Khát nghĩa là gì? Khi người ta khát, thì chỉ có một tiếng kêu: “Nước! Nước! Nước!” Mỗi lỗ chân lông trong thân thể dường như nói được và kêu lên rằng: “Nước!” Cũng một thể ấy, khi lòng chúng ta kêu lên: “Đức Thánh Linh! Đức Thánh Linh! Đức Thánh Linh!” thì Đức Chúa Trời sẽ đổ mưa lụt trên đất khô, nghĩa là đổ Thần Ngài trên chúng ta. Thế thì chúng ta phải nóng nảy mong ước chịu báp têm bằng Đức Thánh Linh.
6. Bước thứ sáu thấy ở Mác 11:24 – “Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã (nhận) được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi.” Phải chiếm hữu các lời hứa của Đức Chúa Trời bởi đức tin. Có rất nhiều người chỉ vì không tin mà bị mất cái phước đầy dẫy Đức Thánh Linh này.
Ngay khi cầu xin Đức Chúa Trời một ơn phước nào hợp theo ý chỉ Ngài, thì chúng ta có đặc quyền biết rằng lời cầu xin của mình được Ngài nghe, và ơn phước mà mình xin Ngài là thuộc về mình rồi.
Nếu chúng ta đã nhận Đức Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa và làm Chúa, đã công khai xưng nhận như vậy do chịu báp têm bằng nước; nếu đã đem ý chí và bổn ngã hoàn toàn đầu phục Đức Chúa Trời; nếu thành thật mong ước tôn vinh một mình Đức Chúa Trời và được chịu báp têm bằng Đức Thánh Linh; - nếu đã làm trọn các điều kiện nầy thì bất cứ độc giả nào cũng có quyền cầu xin Đức Chúa Trời làm báp têm cho mình bằng Đức Thánh Linh. Khi đã dâng lên lời cầu xin như vậy rồi, thì có thể nói rằng: “Lời cầu xin nầy đã được nhậm; tôi có ơn phước mà tôi đã xin; tôi đã chịu báp têm bằng Đức Thánh Linh.” Đoạn, có quyền đứng dậy và đi làm công việc dắt đem nhiều linh hồn quí báu đến cùng Đấng Christ, vì biết chắc chắn rằng trong công việc này, mình sẽ có quyền năng của Đức Thánh Linh.

--- oOo ---