Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

NHẬN BIẾT ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN THẬT


Đức Chúa Trời là đối tượng quan trọng nhất được mặc khải trong Kinh Thánh vì Ngài là sự khởi đầu của tất cả mọi sự. Mọi điều trong vũ trụ bắt nguồn từ Ngài và bắt đầu với Ngài. Đức Chúa Trời cũng là nội dung chính yếu của Kinh Thánh từ sách đầu đến sách cuối. Ngài đã sáng tạo chúng ta, tái sinh chúng ta và có liên quan mật thiết với sự sống và bản thể của chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên biết Ngài trước nhất.


I. MỌI HÌNH TƯỢNG ĐỀU LÀ THẦN GIẢ DỐI
1) “Hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, là công việc tay người ta làm. Hình tượng có miệng mà không nói; có mắt mà chẳng thấy; có tai mà không nghe; có lỗ mũi mà chẳng ngửi; có tay nhưng không rờ rẫm; có chân nào biết bước đi; cuống họng nó chẳng ra tiếng nào... và miệng nó không hơi thở” (Thi-thiên 115:4-7; 135:15-17).
Theo các câu trên, tất cả hình tượng đều là giả dối và không phải là Đức Chúa Trời chân thật.
2) “Chúng ta biết hình tượng trong thế gian chẳng ra gì, duy có một chân thần mà thôi. Vì dẫu có vị được xưng là thần... như có nhiều thần nhiều chúa — nhưng đối với chúng ta chỉ có một Thần là Cha” (1 Cô-rin-tô 8:4-6).
Những câu trên tuyên bố rõ ràng rằng vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời chân thật, một Đức Chúa Trời độc nhất, nên tất cả hình tượng không là gì cả và những cái gọi là thần không phải là Đức Chúa Trời.
3) “Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà [nguyên văn: ghen tương], hễ ai kẻ ghét Ta, Ta sẽ... phạt” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5).
Câu này cũng cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời độc nhất và chân thật là Đức Chúa Trời ghen tương ghét tất cả mọi hình tượng và sẽ phạt tội thờ lạy hình tượng.
II. ĐỨC CHÚA TRỜI CHÂN THẬT ĐỘC NHẤT
1) “Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác, ngoài Ta không có Đức Chúa Trời nào khác nữa” (Ê-sai 45:5).
2) “Nguyện Vua đời đời, chẳng hay hư nát, chẳng thấy được, là Đức Chúa Trời duy nhứt, được tôn trọng, vinh hiển đời đời vô cùng” (1 Ti-mô-thê 1:17).
3) “Thể nào anh em lìa bỏ hình tượng, xây hướng về Đức Chúa Trời, để hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, chân thật” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).
Ba câu này bày tỏ rõ ràng và hùng hồn cho chúng ta thể nào Đức Chúa Trời là Giê-hô-va độc nhất, không hư nát, không thể thấy được, và hiện hữu cho đến cõi đời đời. Ngoài Ngài ra, không có một Đức Chúa Trời chân thật nào khác.
III. Ê-LÔ-HIM — ĐẤNG OAI QUYỀN THÀNH TÍN
1) “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế Ký 1:1).
Trong tiếng Hê-bơ-rơ, từ ngữ dùng để chỉ Đức Chúa Trời là Ê-lô-him. Đây là danh hiệu thần thượng đầu tiên được dùng trong Kinh Thánh để bày tỏ Đức Chúa Trời, và chữ này có nghĩa là Đấng oai quyền thành tín. Chữ này cho thấy Đức Chúa Trời chân thật mà chúng ta thờ phượng theo Kinh Thánh, không những oai quyền mà lại thành tín nữa. Ngài là Đấng oai quyền nên có thể tạo dựng nên các từng trời, trái đất, tất cả sự vật, con người và gọi những gì không có là có. Ngài thành tín, nên Ngài đáng được tin cậy, không bao giờ thay đổi hay lay chuyển. Theo sự thành tín của Ngài công việc Ngài trường tồn như mặt trời và vững lập như mặt trăng (Thi 89:33-37).
IV. GIÊ-HÔ-VA — ĐẤNG TA LÀ TỰ HỮU VÀ HẰNG HỮU
1) “Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU... Giê-hô-va Đức Chúa Trời... ấy là danh đời đời của Ta, ấy sẽ là kỷ niệm của Ta trải qua các đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14-15).
Ở đây Đức Chúa Trời bảo Môi-se bằng lời giản dị rằng danh Ngài là Giê-hô-va. Danh Giê-hô-va là danh hiệu thần thượng chính yếu thứ hai được Kinh Thánh dùng để bày tỏ Đức Chúa Trời. Danh này có nghĩa Đấng Ta là tự hữu và hằng hữu, Đấng Ta là mà đã là, hiện là, và sẽ đến. Điều này chứng tỏ rằng Ngài là Đấng Ta là, và ngoài Ngài ra không có gì cả. Chỉ có Ngài là, và Ngài là Đấng Ta là tự hữu và hằng hữu, tức Đấng đã là, hiện là, và sẽ đến. Vì vậy mọi điều trong toàn thể vũ trụ là hư không và không là gì cả; chỉ có Ngài là, chỉ có Ngài hiện hữu mãi mãi, và chỉ có Ngài là thực tại. Ngài là mọi sự cho con người mà Ngài đã tạo dựng và là những người thuộc về Ngài. Họ cần bất cứ điều gì, thì Ngài là [điều ấy].
V. ĐỨC CHÚA TRỜI TAM NHẤT
1) “Và Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người theo hình ảnh của chúng ta, theo hình dạng của chúng ta” (Sáng-thế Ký 1:26, nguyên văn).
Từ ngữ Đức Chúa Trời ở đây vẫn là Ê-lô-him. Chữ này ở thể số nhiều, chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời này, tức Ê-lô-him, là Đức Chúa Trời Tam Nhất về sau đã được mặc khải trong Kinh Thánh. Vì vậy, trong câu Kinh Thánh Sáng-thế Ký chương 1, Đức Chúa Trời tự xưng là “Chúng Ta”. Sau đó, có vài lần trong Kinh Thánh Đức Chúa Trời tự xưng là “Chúng Ta” (Sáng 3:22; 11:7; Ê-sai 6:8; Giăng 17:21-22). Những câu này chứng tỏ rằng dầu Đức Chúa Trời là “một”, Ngài cũng có khía cạnh khác là “ba”. Ngài là Đức Chúa Trời Tam Nhất.
2) “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, làm báp-têm cho họ vào trong danh của Cha và của Con và của Thánh Linh” (Ma-thi-ơ 28:19, nguyên văn).
Sau khi Đấng Christ phục sinh và đã trải qua tất cả các quá trình cần thiết, những lời giản dị trong câu Kinh Thánh này bày tỏ rằng Đức Chúa Trời chân thật độc nhất là ba một: Cha, Con và Linh. Dù Cha, Con và Linh là ba và riêng biệt, nhưng là một Đức Chúa Trời duy nhất. Dù chữ “danh” trong câu này thuộc về cả “Ba”, Cha, Con và Linh, nhưng chữ ấy ở thể số ít chứng tỏ rằng cả “Ba” vẫn là Đức Chúa Trời độc nhất cho dù có sự riêng biệt giữa ba thân-vị.
3) “Trừ ra Đấng [tức Con] từ Đức Chúa Trời đến, Đấng ấy đã thấy Cha” (Giăng 6:46). “Ta [tức Con] từ Cha mà ra” (Giăng 7:29).
Trong hai câu này, Đấng Christ Con của Đức Chúa Trời nói rằng Ngài đến từ Cha. Điều này chứng tỏ rằng Cha là nguồn gốc.
4) “Ta [tức Con] từ Cha mà ra” (Giăng 7:29).
Trong bản văn Hi-lạp, chữ “từ” có nghĩa là “từ [và] với”. Chữ này bày tỏ cho chúng ta là Con không những từ Cha, mà còn “từ [và] với” Cha. Khi Ngài đến trên đất, Ngài đem Cha đến và Cha đến với Ngài.
5) “Chẳng ai từng thấy Đức Chúa Trời bao giờ; duy Con độc sanh ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha” (Giăng 1:18).
Câu này tuyên bố rõ ràng rằng Con tức Đấng đã đem Cha đến là biểu hiện của Cha. Cha là nguồn, và Con là sự biểu hiện. Vì vậy, “Ta [tức Con] và Cha là một” (Giăng 10:30).
6) “Ta sẽ xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, để ở lại với các ngươi đời đời, tức là Linh của lẽ thật... Ngài vẫn ở với các ngươi, cũng sẽ ở trong các ngươi nữa. Ta không để các ngươi mồ côi đâu, Ta sẽ đến cùng các ngươi... và Ta ở trong các ngươi” (Giăng 14:16-20).
Phần này cho chúng ta thấy rằng Linh là sự biến hóa của Con để trở nên thực tại của Con, đến ở với các môn đồ và ở trong họ. Việc Ngài ở trong các môn đồ là Con ở trong họ. Vì vậy, Linh là sự đến và bước vào của Con. Điều này chứng tỏ Con và Linh cũng là một. Cha là nguồn, Con là sự biểu hiện của Cha, và Linh là sự đến và bước vào của Con với Cha. Cả Ba chỉ là một Đức Chúa Trời, là Đấng được biểu hiện từ nguồn để đến từ giữa vòng loài người và đến với các môn đồ hầu vào trong họ. Điều này có nghĩa Đức Chúa Trời là tam nhất với mục đích là hành động đem chính Ngài vào trong những người tin vào Con để làm sự sống và mọi sự của họ và trở nên sự vui hưởng thần thượng của họ.
7) “Nguyện ân điển của Chúa Giê-su Christ, sự thương yêu của Đức Chúa Trời, và sự cảm thông của Thánh Linh ở với anh em hết thảy” (2 Cô-rin-tô 13:14).
Đây là lời chúc phước của sứ đồ Phao-lô cho các tín đồ để họ vui hưởng sự chăm sóc có tính chất “tam nhất” của Đức Chúa Trời Tam Nhất trong tình yêu, ân điển và sự tương giao. Tình yêu của Đức Chúa Cha trở nên ân điển của Đấng Christ, tức Đức Chúa Con, trong sự tương giao của Đức Chúa Linh, để làm ơn phước và sự vui hưởng hằng ngày của người tín đồ.
8) “Nhưng khi Đấng Yên Ủi đến, là Đấng Ta từ Cha sai đến cùng các ngươi, tức là Linh của lẽ thật từ Cha mà ra” (Giăng 15:26).
Chữ “từ” như chúng ta đã nói ở trên, có nghĩa là “từ [và] với”. Linh thực tại được Con sai đến từ Cha thật ra là “từ Cha [và] với Cha”. Điều này chứng tỏ rằng Linh không những làm một với Cha, nhưng cũng làm một với Con, tức là Đấng làm một với Cha. Câu này cũng minh chứng rằng cả “Ba”, tức Cha, Con và Linh đồng hiện hữu từ đời đời đến đời đời không có sự tiếp nối nhau.
9) “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Giăng 14:10).
Lời này cho chúng ta thấy thế nào Cha, Con và Linh không những đồng hiện hữu mà còn đồng ở trong nhau. Đồng hiện hữu chỉ về sự riêng biệt trong khi đồng ở trong nhau mang ý nghĩa hòa lẫn làm một. Điều này xác quyết rằng mặc dầu có sự riêng biệt giữa “Ba”, là Cha, Con và Linh, song cả “Ba” vẫn là một Đức Chúa Trời; các Thân-vị ấy là “Ba” nhưng là một, và cả ba là một. Các câu Kinh Thánh sau đây chứng minh hùng hồn cho điểm này:
1. “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta... Ngài sẽ được xưng là... Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời đời” (Ê-sai 9:6).
Lời này nói rõ ràng Con được gọi là Cha, chứng tỏ rằng Con và Cha là một.
2. “Vả Chúa [Giê-su Christ] là Thánh Linh” (2 Cô-rin-tô 3:17). Lời này cũng đơn giản cho thấy rằng Đấng Christ tức Con là Linh, nên chứng tỏ Con và Linh là một.
Vì vậy, Kinh Thánh mặc khải rằng dù Đức Chúa Trời chân thật là độc nhất, nhưng Ngài là “Ba”: Cha, Con và Linh, và dù Cha, Con và Linh là riêng biệt, cả “ba” vẫn là một Đức Chúa Trời độc nhất.

Winess Lee