Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Người phụ nữ của Chúa trong hôn nhân (3)


Là người phụ nữ của Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta cần phải có một thái độ đúng đắn đối với tính dục. Thượng đế nhân từ và khôn ngoan đã thiết lập mối quan hệ tính dục trong hôn nhân. Khi một người phụ nữ đọc lời hứa nguyện bước vào hôn nhân thì cũng có nghĩa là bằng lòng bước vào mối quan hệ tính dục. Cả người nam và người nữ đều có những nhu cầu về tính dục cần phải được đáp ứng trong hôn nhân.



ĐỨC CHÚA TRỜI THIẾT LẬP QUAN HỆ TÍNH DỤC TRONG HÔN NHÂN

Thái độ đối với tính dục

Là người phụ nữ của Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta cần phải có một thái độ đúng đắn đối với tính dục. Thượng đế nhân từ và khôn ngoan đã thiết lập mối quan hệ tính dục trong hôn nhân. Khi một người phụ nữ đọc lời hứa nguyện bước vào hôn nhân thì cũng có nghĩa là bằng lòng bước vào mối quan hệ tính dục. Cả người nam và người nữ đều có những nhu cầu về tính dục cần phải được đáp ứng trong hôn nhân. Cơ Đốc nhân cần phải có thái độ rất rõ ràng về tính dục, bởi vì điều này thường bị lạm dụng và trình bày một cách méo mó qua phim ảnh, sách báo đồi trụy và những mẫu chuyện tiếu lâm làm hạ giá điều mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên. Ngài đã tạo dựng nên cơ thể của chúng ta với những nhu cầu về tính dục.

Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết. Sự thánh khiết của Ngài xuyên suốt tất cả những điều Ngài đã thực hiện và như thế, tính dục trong hôn nhân cũng thánh khiết, có nghĩa là được biệt riêng để sử dụng với người bạn đời của mình.
Đức Chúa Trời cũng là tình yêu thương, cho nên thỏa mãn tính dục mà không có tình yêu thương có nghĩa là bất khiết, bởi vì tính dục không có tình yêu thương chỉ là ích kỷ mà thôi. Đức Chúa Trời lên án sự ngoại tình và điều đó là tội lỗi trước mặt Ngài. Nếu người tin Chúa mà phạm tội ngoại tình thì họ đã tự hạ mình xuống ngang với những người trong thế gian.
Muốn trở thành người phụ nữ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải có cái nhìn mới mẻ về tính dục và quan hệ tính dục trong hôn nhân.
“Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tại là đa số những người tin Chúa đều cho rằng tính dục là một đề tài không nên nói đến. Chúng ta cần phải tự hỏi xem liệu sự tránh né như vậy có đúng hay không ? Tôi nghĩ rằng thái độ im lặng đó mang tính chất chủ bại. Không có gì ngạc nhiên khi ma quỷ đang làm mờ ám tâm trí và nhận thức của con người đối với vấn đề tính dục, 
bởi vì chính những người tin Chúa đã không mạnh dạn trình bày những chân lý trong chương trình của Đức Chúa Trời cho họ. Đã đến lúc chúng ta cần phải nhận thức rằng cần phải bắt đầu giảng dạy lẽ thật về vấn đề tính dục với tinh thần trong sáng, khiêm tốn, đức độ và dè dặt cũng như với thái độ thẳng thắn, thành thật và chính xác dựa trên Kinh thánh. Chúng ta cần phải sẵn sàng tuyên bố tất cả ý chỉ của Đức Chúa Trời về vấn đề này cũng như về các vấn đề khác”.
Vấn đề tính dục vẫn thường là vấn đề bị tránh nhắc đến trong vòng những người tin Chúa. Đây là một vấn đề quan trọng đối với Hội thánh nhưng lại ít được nhắc đến. Trong các trường học người ta có nói đến vấn đề này nhưng không phải lúc nào cũng theo tinh thần Cơ Đốc và đúng đắn. Tính dục là một điều đã được thiết lập trong chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời đối với con người. Chân lý Kinh thánh này cần phải được giảng dạy và trình bày cho mọi người. Có nên chăng những người tin Chúa cứ che mắt lại mà không nhìn thẳng vào vấn đề này ? Có lẽ nào khả năng bày tỏ tình yêu thương của tính dục như đã được thiết lập bởi Đức Chúa Trời cứ mãi bị che khuất như một điều kín nhiệm ?
“Chúng ta cần phải có thái độ cởi mở và tích cực hơn đối với vấn đề này. Nếu chúng ta nhìn nhận rằng vui hưởng mối quan hệ tính dục trong hôn nhân là điều đúng đắn, thì chúng ta không nên làm ra vẻ như là điều đó sai lầm hoặc tỏ ra xấu hổ hay bối rối về vấn đề tính dục”.


Sự khác biệt trong vấn đề tính dục

Thông thường, nam giới có nhu cầu tính dục nhiều hơn nữ giới. Đối với phái nam tính dục thường quan trọng hơn đối với phái nữ.
Một đôi vợ chồng nọ rũ nhau đi mua sắm và người chồng vui vẻ hỏi người vợ: “Em chưa yêu cầu anh điều gì cả ?”. Người vợ trả lời một cách lơ đãng “Chưa, mà em cần phải hỏi anh điều gì ?”
Người chồng nói: “À, bởi vì mình mới thương nhau tối hôm qua mà.”
Vẫn với sự ơ hờ, người vợ trả lời: “Em quên khuấy về điều đó rồi”.
Thoáng một chút ngỡ ngàng, rồi người chồng thốt lên: “Điều mà đàn ông chúng tôi mơ mộng suốt mấy ngày thì phụ nữ các bà quên béng sau vài giờ”.
Khi người phụ nữ nghĩ đến tình cảm thì người đàn ông nghĩ đến tình dục
 
Phụ nữ rất cần và khao khát tình cảm dịu dàng trong đời sống gia đình. Thế nhưng khi người phụ nữ đang nói về tình yêu và những xúc cảm của mình, thì người chồng lại bắt đầu nghĩ đến tình dục.
Một lần kia tôi nói với nhà tôi rằng mỗi khi tôi có thời giờ gần gũi với Chúa thì tôi cảm thấy rất thương nhà tôi. Không biết hiểu thế nào mà nhà tôi lại nói thế này trong một bài giảng lễ đám cưới: “Sau mỗi lần cầu nguyện, nhà tôi lại cảm thấy rất thích gần tôi”.
Khỏi phải nói các bạn cũng biết là tôi mắc cỡ muốn độn thổ luôn !
Sau lễ đám cưới tôi nghe trộm một người chồng nói với người vợ: “Ồ bây giờ anh biết phải làm gì rồi. Anh sẽ đưa em đi dự buổi cầu nguyện thường xuyên hơn !”
Vâng. Ý kiến của người chồng đó cũng không hẳn là sai đâu. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc hơn trong phòng ngủ nếu chúng ta đã cầu nguyện sốt sắng hơn.
Có lẽ chúng ta cần cầu nguyện để dẹp bỏ những điều lo lắng bận tâm trước khi vợ chồng đến gần nhau.

Tính dục trong hôn nhân

Suốt những năm tháng đóng vai trò người vợ của mục sư và được góp phần trong công tác tham vấn cho các phụ nữ về vấn đề hôn nhân, tôi đã cảm thấy rất ngạc nhiên về thái độ lãnh đạm của phụ nữ đối với quan hệ tính dục trong hôn nhân. Điều này đã càng khiến tôi lo lắng về tình trạng các gia đình Cơ Đốc và về vai trò của người phụ nữ.
Tôi nhận ra rằng cứ mười trường hợp hôn nhân trục trặc thì chín trường hợp đều có những vướng mắc về mặt tính dục. Mặc dầu tình dục không phải là tất cả mọi thứ trong hôn nhân và tôi cũng không muốn nhấn mạnh quá đáng tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên chúng ta cũng không được đánh giá thấp giá trị và sự quan trọng của tính dục trong hôn nhân nếu chúng ta thực hiện một cách đúng đắn.
Một người vợ khôn ngoan sẽ không coi thường điều rất bình thường và quan trọng này trong việc xây dựng gia đình. Với tư cách là người phụ nữ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải tự trang bị cho mình những hiểu biết về khía cạnh tính dục của người chồng và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của chàng như Êxơtê đã làm đối với hoàng đế Axiút hay như người thiếu nữ được nhắc đến trong sách Nhã ca.
Chúng ta muốn niềm hạnh phúc của chúng ta trong hôn nhân sẽ gia tăng gấp bội.
Là những người tin Chúa chúng ta không bao giờ chỉ làm những việc ở mức độ tầm thường. Chúng ta muốn đạt đến mức độ thành công nhất trong mọi lãnh vực của cuộc sống và ngay cả trong vấn đề tính dục.
Một cụ bà 80 tuổi đã tâm sự với tôi về người chồng rất dịu dàng và dễ thương của bà. Rồi với một giọng tiếc nuối, bà đã nói: “Tôi đã không là một người vợ trọn vẹn đối với nhà tôi. Sau khi chúng tôi sanh đứa con thứ năm thì tôi đã nói với nhà tôi:Thôi nhé thế là đủ, chúng ta không cần chuyện đó nữa nhé !”. Bà đã nhìn nhận rằng đây là điều đáng tiếc nhất của bà.
Một lần kia sau khi nghe bài giảng của tôi, một phụ nữ đã nói: “Tôi không muốn bị quấy rầy về vấn đề tính dục !”.
Rõ ràng người phụ nữ đã có một thái độ rất tiêu cực về vấn đề này.
Tôi hỏi người đó: “Thế chị làm gì khi chồng của chị muốn gần gũi chị ?”
Chị ta trả lời: “Không làm gì cả. Tôi chỉ nằm yên và mặc kệ anh ta muốn làm gì thì làm”. Câu nói nghe có vẻ lạnh lùng nhưng thực ra chị ta chỉ muốn nói thật lòng mình. Thái độ của người phụ nữ này hoàn toàn giống với biết bao phụ nữ khác đã tự cho mình đóng vai trò chỉ là người phục vụ nhu cầu của người chồng mà không cảm thấy thú vị gì. Trong vấn đề này, họ chỉ muốn mọi sự trôi qua càng nhanh càng tốt. Nó chỉ còn là nghĩa vụ mà thôi.
Thử hỏi như thế thì làm sao có thể vun trồng tình yêu thương sâu đậm được.
Cũng chính người phụ nữ này than phiền rằng người chồng của chị có thái độ rất đòi hỏi và độc đoán. Điều đó không có gì ngạc nhiên cả. Chẳng qua vì không thỏa mãn với đáp ứng của người vợ trong quan hệ chăn gối nên anh ta tỏ ra bất an và bực bội.
Người ta thường nói: “Bạn nghĩ về cuộc đời như thế nào thì bạn sẽ thấy cuộc đời như vậy.”
Cũng thế chúng ta quan niệm như thế nào về tính dục thì chúng ta cũng sẽ sống như vậy !
Tiến sĩ David Reuben đã viết như sau: “Người phụ nữ có thể biết rằng không nên dọn cho người chồng cùng một món ăn nguội lạnh mỗi buổi tối, thế mà lại có thể lập đi lập lại cùng một cách đáp ứng những biểu lộ âu yếm của chồng trên giường ngủ. Cũng như những món ăn, sự gần gũi vợ chồng sẽ mất đi sự thú vị khi cứ lập đi lập lại theo kiểu nhàm chán”.
Thái độ lạnh nhạt trong quan hệ tính dục có thể là do sự nhàm chán buồn tẻ. Điều đáng buồn là những sự nhàm chán như thế được coi là một điều bình thường và phải chấp nhận trong hôn nhân.
Rất nhiều cặp vợ chồng trong đó có những cặp đã có quyết tâm rất cao khi bước vào hôn nhân và tỏ ra rất xứng đôi vừa lứa, nhưng rồi cũng đã để cho sự nhàm chán trong quan hệ chăn gối phá hỏng hôn nhân của họ. Cuối cùng họ đã phải dắt nhau ra tòa ly dị để rồi lại có thêm một trường hợp “cảm thấy không phù hợp trong quan hệ vợ chồng” được ghi vào sổ sách.
Thái độ lãnh đạm trong tình yêu đã khởi đầu như thế nào ?
“Điều đã xảy ra đối với nhiều cặp vợ chồng ấy là ngay trong mối quan hệ gần gũi nhất với nhau họ đã đánh mất sự thân thiết và sự thông công sâu xa. Hết tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác họ cứ duy trì một hình thức âu yếm, một thời giờ, một khung cảnh và một cách thức tỏ tình giống nhau. Điều này đã khiến cho sinh hoạt tính dục của họ trở thành lối mòn và ngăn trở sự bày tỏ cảm xúc và tình cảm một cách sâu đậm.
Cứ lập đi lập lại mãi một cách thức, đến một lúc vợ chồng không còn muốn nói với nhau gì nữa, không muốn bày tỏ tình cảm gì khác hơn nữa”.
Thế rồi sự lạnh lùng, dửng dưng bắt đầu xuất hiện bởi vì vợ chồng đã giới hạn sự bày tỏ tình cảm của mình cả bằng lời nói lẫn trong hành động.
Sự lãng mạn trong sinh hoạt vợ chồng chính là ngôn ngữ sống động của tình yêu. Đó là một thứ ngôn ngữ được bày tỏ qua sinh hoạt tính dục. Người ta cần phải học một ngôn ngữ thế nào, thì người ta cũng phải học trong đời sống tính dục như vậy. Nếu chúng ta chịu khó học tập thứ ngôn ngữ này của tình yêu thì chúng ta sẽ có thể đạt đến điều vô cùng hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.
Là người phụ nữ của Đức Chúa Trời, và người vợ thật lòng yêu thương chồng mình, chúng ta cần phải học tập để có thể đem lại sự mãn nguyện nhất cho người chồng của mình một cách chính đáng.
Tình cảm và cảm xúc chi phối mối liên hệ tính dục
Tình cảm và cảm xúc có ảnh hưởng đến sinh hoạt tính dục. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần phải xem xét lại thái độ của chúng ta đối với tính dục cũng như những suy nghĩ và mối liên hệ về mặt tính dục với người chồng của mình. Thất bại không đạt đến được khoái cảm tột độ có thể là do không muốn như vậy một cách vô ý thức.
Một thiếu phụ trẻ đã đến gặp tôi và than phiền về tình trạng gia đình của cô. Tôi chăm chú lắng nghe và hỏi cô ta một câu hỏi rất thẳng thắn: “Chị có thể cho biết cuộc sống tính dục của chị như thế nào không ?”
Cô ta bổng bật khóc và cho biết: “Suốt sáu năm lập gia đình chỉ có một lần cô kinh nghiệm đạt 
đến khoái cảm trong sinh hoạt vợ chồng. Tại sao ? Người thiếu phụ này giải thích rằng sở dĩ như vậy là vì người chồng đã đối xử thô bạo đối với cô.


Vấn đề là thế này:Cô ta đã quyết định không muốn đi đến tình trạng sảng khoái là nhằm trả thù người chồng bằng cách xoáy vào chỗ đau đớn nhất của người đàn ông.
Phái nam thường có ý nghĩ rằng họ rất mạnh mẽ về vấn đề tính dục. Một phần nam tính của họ được thể hiện bằng cách đem lại khoái cảm cho người vợ của mình. Thất bại trong lãnh vực này thường được bày tỏ qua một số thái độ. Không thỏa mãn trong vấn đề này, người chồng thường tỏ ra độc đoán, đòi hỏi, lãnh đạm và chú ý quá đáng đến các phụ nữ khác.
Người phụ nữ này cần phải tha thứ cho người chồng của mình, để rồi sẽ được Chúa tha thứ và chữa lành cũng như được giải thoát khỏi sự thù hận đã ăn mòn đời sống của cô ta suốt mấy mươi năm.
Chúng ta cần được Chúa chữa lành những tình cảm của chúng ta để chúng ta có thể có đời sống vợ chồng tốt đẹp hơn.
Dùng tính dục như là phần thưởng hoặc hình phạt
“Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện, rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo quỷ Sa tan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng.” (ICo1Cr 7:5-7).
Đây quả là một lời nhắc nhở quan trọng đối với các cặp vợ chồng.
Một cặp vợ chồng trẻ đã gặp rắc rối về vấn đề này. Một hôm người chồng gọi điện cho tôi và nói: “Tôi không gần gũi với vợ suốt cả tuần nay”.
Tôi hỏi: “Chuyện gì xảy ra vậy ?”. Người chồng ngập ngừng nên tôi nói: “Anh có thể trao điện thoại cho chị, tôi cần nói chuyện với vợ anh”.
Người vợ cho rằng chị ta không từ chối. Chị chỉ nói thế này: “Anh ấy đã ăn nói rất cộc cằn và nếu anh ta không chịu sửa đổi thì anh ta sẽ chẳng bao giờ được chiều chuộng đâu”.
Này các bạn, hãy suy nghĩ thật kỹ nếu các bạn muốn dùng tính dục như một thứ vũ khí.
Thượng đế Đấng tạo dựng nên chúng ta hiểu rất rõ khuynh hướng muốn dùng tính dục như một thứ hình phạt hay một thứ phần thưởng. Vì thế Ngài đã cảnh giác chúng ta về điều này. Chúng ta có thể lợi dụng tính dục như là một thứ vũ khí, tuy nhiên chúng ta cần biết rằng điều đó có thể làm trầm trọng thêm vấn đề và ngăn trở mối liên hệ yêu thương. Cố gắng giải quyết những nan đề bằng cách từ chối đáp ứng về mặt tính dục có thể chỉ làm cho tình hình rắc rối thêm khi chính mình có thể bị cám dỗ bởi ma quỷ. Làm như thế chỉ là phạm thêm sai lầm mà thôi. Chúng ta không thể nào thay đổi người chồng hay người vợ của chúng ta bằng cách trả đũa họ. Gây sức ép trên người khác chẳng qua chỉ là một hình thức trả thù.
Những sự mâu thuẫn cần được giải quyết qua việc đối thoại với nhau. Chúng ta cần nói lên những cảm xúc và những lý do khiến chúng ta cảm thấy khó chịu trong cuộc sống lứa đôi.
Người vợ có thể nói để người chồng hiểu rằng khi có điều gì không vui trong tâm tư tình cảm thì rất khó có thể đáp ứng một cách tốt đẹp. Trong trường hợp này người vợ cần được hòa giải với Đức Chúa Trời và với người chồng của mình.
“Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Eph Ep 4:26, 27).
Lời Chúa ở đây muốn nhắc nhở chúng ta không nên cưu mang sự giận dữ, cay đắng nhưng phải mau mắn tha thứ cho nhau. Nếu những mâu thuẫn không được giải quyết ngay thì càng để lâu càng khó giải quyết.
Hãy cứ gần gũi với nhau thì tốt hơn vìø điều đó có thể giúp giải quyết những nan đề cũng như thắt chặt thêm mối liên hệ với nhau. Vấn đề ở đây là thân thể của chúng ta thuộc về người chồng hay người vợ của mình. Vì thế chúng ta không có quyền giữ lại điều không phải thuộc về chúng ta.
“Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ.” (ICo1Cr 7:3-5)
Tình yêu trong hôn nhân
“Mặc dầu đáng lẽ phải được trình bày rất rõ ràng, nhưng những người tin Chúa lại chỉ nhận thức một cách ngấm ngầm rằng hành động tính dục có lẽ là một sự bày tỏ tình yêu mạnh mẽ nhất. Không hề có một hành động nào bao gồm toàn bộ con người như vậy, không có một hành động nào mà người ta có thể tiến gần đến chỗ tan biến chính mình để hòa hợp như vậy” (Jerry H. Gill)
Cử chỉ yêu thương sâu xa nhất mà một người phụ nữ có thể làm cho người chồng của mình là bày tỏ tình yêu của mình đối với chồng bằng bàn tay, nụ hôn và cả thân thể của mình - tức là bày tỏ tình cảm đang đầy ắp trong lòng bằng hành động cụ thể.
Việc ân ái giữa vợ chồng chính là sự chia xẻ và bày tỏ tình yêu. Giai đoạn âu yếm chính là khúc mở đầu cho giai đoạn giao hợp và sẽ giúp cho hai người đạt đến tột đỉnh của hạnh phúc. Giai đoạn này rất quan trọng. Đây không phải chỉ là một bước khởi đầu trước khi bước vào ân ái. Mà đúng hơn đó là giai đoạn để người vợ và người chồng bày tỏ sự trân trọng, biết ơn và khao khát được yêu thương.
Việc ân ái giữa vợ chồng là một hình thức bày tỏ tình yêu sâu xa và mạnh mẽ nhất. Cả hai đã “trở nên một” như Kinh thánh đã chép và việc hai người “biết” nhau không phải chỉ là quan hệ ân ái nhưng là cùng nhau khám phá những chiều kích sâu xa của tình yêu và sự hòa hiệp mà nó có thể đem lại. Chúng ta cần nhận biết điều này. Nếu chúng ta chỉ dâng hiến thân thể cho nhau mà không có tình yêu thì hành động đó sẽ trở nên trống rỗng và sự ân ái chẳng qua là việc người phụ nữ bằng lòng để cho người chồng sử dụng thân xác của mình mà thôi. Làm như vậy có nghĩa là hạ thấp phẩm giá người phụ nữ và dọn đường cho người chồng tìm kiếm những mối quan hệ tình cảm khác.
Trước khi bước vào chức vụ giảng dạy và khuyên bảo, tôi không hề đọc một cuốn sách nào về hôn nhân Cơ Đốc và cũng không được tham vấn gì về vấn đề này. Vì thế tôi đã cảm thấy ngạc nhiên một cách thú vị khi bắt đầu tìm hiểu và nhận ra rằng tôi đang đi đúng đường. Tôi khám phá rằng trong tình yêu, một người phụ nữ ước muốn đáp lại những biểu lộ yêu thương của người chồng mình. Nàng ước ao làm thỏa lòng, hưởng ứng và chia xẻ hạnh phúc với chồng.
Tính dục cũng có nghĩa là phiêu lưu lãng mạn. Là tìm kiếm và vươn tới những đỉnh cao mới của hạnh phúc - không phải chỉ để thỏa mãn ích lợi cá nhân nhưng cũng là để đem lại hạnh phúc sâu xa nhất cho người yêu của mình, và như thế chúng ta đang sử dụng hết ân tứ và khả năng mà Chúa ban cho chúng ta.
Ở đây chúng ta cần hiểu vấn đề một cách thật rõ ràng. Ma quỷ đã cố gắng hạ thấp thanh danh của Chúa bằng những sự phạm thượng. Cũng vậy, con người đã hạ thấp giá trị chân thật của tính dục. Thượng đế nhân từ, Đấng khiến các tinh tú lấp lánh trên trời và dựng nên núi đồi đã bày tỏ tuyệt tác của Ngài khi thiết lập mối quan hệ giữa người nam và người nữ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi thế gian này đã cố gắng thay thế tình yêu đó bằng những đam mê thấp hèn !
Khi người vợ, người chồng thể hiện sự ân ái với nhau trong chương trình của Chúa thì Ngài sẵn sàng chúc phước trên hành động đẹp đẽ đó. Ngài thật thỏa lòng khi con cái của Ngài được hưởng hạnh phúc của hôn nhân, và Ngài cũng rất buồn khi có những cặp vợ chồng thất bại không đem lại hạnh phúc cho nhau.
“Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân và chốn khuê phòng không được ô uế” (HeDt 13:4)
Trong vấn đề quan hệ vợ chồng, cả chồng lẫn vợ đều bình đẳng với nhau. Cả hai đều có những nhu cầu về tính dục và đều có trách nhiệm thỏa mãn những nhu cầu đó. Thân thể của họ là thuộc về nhau.
Kinh thánh chỉ nhắc đến một lý do duy nhất cho phép vợ chồng từ chối nhau một thời gian ngắn để kiêng ăn và cầu nguyện. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vấn đề tính dục và chúng ta được nhắc nhở phải trở lại gần gũi với nhau kẻo Satan có thể thừa dịp cám dỗ chúng ta. Một điều quan trọng nữa ấy là vợ chồng cần phải đồng ý về những gì nên làm hay không nên làm trong mối quan hệ tính dục.

Vai trò của người phụ nữ trong vấn đề tính dục

Đối với chồng, người phụ nữ cần phải bày tỏ thái độ nhiệt tình, hết lòng yêu thương và ước muốn đem lại hạnh phúc nhất cho chồng của mình. Nếu các bạn nghĩ rằng người chồng không gần gũi và thỏa mãn hết các nhu cầu của mình, thì có thể mời người chồng cùng đọc quyển sách hướng dẫn hôn nhân này với bạn. Hãy bày tỏ cho chồng của bạn biết bạn thích điều gì. Hãy sẵn sàng thử nghiệm với tinh thần lãng mạn và vui vẻ để đạt đến những hạnh phúc sâu xa hơn trong hôn nhân .
Một phụ nữ vào tuổi trung niên đến tham dự lớp học hôn nhân gia đình của tôi đã làm chứng rằng cuộc sống gia đình của bà đã hoàn toàn thay đổi. Những người khác tâm sự nếu trước đây họ đã được dạy dỗ về những điều này thì gia đình họ đã không tan vỡ. Một số khác phát biểu nếu họ đem áp dụng những điều đã học thì có lẽ các ông chồng sẽ muốn họ học thêm nhiều khóa nữa. Có những người đã ly thân với chồng bây giờ quyết định làm hòa lại.
Một phụ nữ nói với tôi thế này: “Tôi đã giữ một thái độ rất lạnh nhạt trong tính dục. Nếu bây giờ tôi bày tỏ rằng tôi rất muốn âu yếm nhà tôi thì chắc anh ta đứng tim quá !”
Thái độ của người phụ nữ trong vấn đề này là một sự thể hiện quyết tâm giữ lời hứa nguyện hôn nhân. Thật là một điều lừa dối khi tin rằng phụ nữ chỉ đóng một vai trò thụ động trong vấn đề tính dục. Người chồng nào cũng ao ước có một người vợ yêu thương và nhiệt tình - người vợ luôn muốn gần gũi mặn nồng với mình - Không nên có một sự nghiêm trang thái quá trong quan hệ ân ái vợ chồng. Tình yêu là một nghệ thuật. Có người đã nói: “Nghệ thuật đòi hỏi người ta phải nắm vững cả lý thuyết lẫn thực hành”. Chúng ta sẽ còn phải học mãi.

Để đạt được hạnh phúc trong hôn nhân đòi hỏi:

Tinh thần học hỏi
Thái độ quyết tâm
Lòng kiên nhẫn
Tôi xin nói thêm một điều, đó là óc khôi hài. Bạn có thể té khỏi giường vì cố gắng thử nghiệm một lối ân ái mới, nhưng bạn có thể cười xòa về điều đó và cứ tiếp tục.

altTẦM QUAN TRỌNG CỦA TÌNH CẢM

Sự bền vững của hôn nhân cũng như của các mối quan hệ khác đều tùy thuộc vào tình cảm.
Những giác quan của con người cần được nhìn như là những ân tứ tốt đẹp và hữu ích được Đức Chúa Trời ban cho nhân loại. Trong các giác quan đó có lẽ giác quan ít được chú ý nhất là xúc giác. Santie Gunasekara đã mô tả cách giao tiếp bằng xúc giác: “Hình thức giao tiếp cơ bản nhất giống như tiếng thì thầm, có thể tránh được sự dài dòng của lời nói mà vẫn diễn tả được cảm xúc của con người”. Xúc giác có thể nối liền những khoảng cách, vượt qua những rào cản trong mối quan hệ và thiết lập sự hòa hợp.
Việc tiếp xúc qua xúc giác có thể cũng hữu hiệu như việc trao đổi, chuyện trò.
Các bác sĩ nhi khoa thích dùng từ ngữ “vỗ về” hàm ý nhắc đến các em bé sơ sinh mới vừa chào đời và cách thức chúng đáp lại sự vuốt ve, trìu mến của cha mẹ. Các nhà tâm lý học cho biết rằng nhu cầu cần được vuốt ve, trìu mến vẫn còn tiếp tục trong suốt đời sống chúng ta. Nó có thể là những lời nói khích lệ hay việc trao đổi tâm tình, nhưng cũng có thể là một cái vỗ vai thân thiện, một cái xiết tay thật chặt hoặc một cái hôn thắm thiết.
Trong lớp học Kinh thánh của tôi có một phụ nữ Trung Hoa đã lớn tuổi và không nói một câu tiếng Anh nào, nhưng lại là một thành viên rất trung tín của nhóm học Kinh thánh.
Bà cụ có thể nhận thấy tình yêu nồng ấm của lớp học dành cho cụ khi các học viên ôm hôn cụ cuối mỗi buổi học.
Sự vuốt ve âu yếm có thể giúp nuôi dưỡng tình yêu, đem lại sự sảng khoái về mặt thể chất và bày tỏ sự nồng ấm của tình yêu.
Bất chấp tuổi tác, địa vị hay văn hóa khác nhau, chúng ta tất cả đều cần được vuốt ve trìu mến. Cử chỉ vuốt ve có thể có ý nghĩa “Tôi quan tâm đến bạn”. Lời nói “Anh yêu em lắm” cần phải được thể hiện bởi những cử chỉ yêu thương. Sự vuốt ve trìu mến là một trong những điều tối quan trọng nhưng lại thường bị chúng ta bỏ quên. Điều đó thật đáng buồn bởi vì có người đã nói rằng không một ai có thể tiếp tục sống nếu như người đó không còn cảm xúc nữa.
Chúng ta tất cả đều có chung nhu cầu này.
Mọi người đều thích được vuốt ve trìu mến. Không một ai không khao khát tình yêu. Một người không có khả năng bày tỏ tình yêu hoặc nhận lãnh tình yêu thì tâm hồn nghèo nàn biết bao.
Đời sống có thể trở nên trống rỗng nếu không hề biết đến sự yêu thương trìu mến !
Một lần có người đã hỏi Marilyn Monroe: “Cô có bao giờ cảm thấy mình được yêu thương khi sống với các gia đình nhận cô làm con nuôi không ?”
Monroe đã trả lời: “Một lần kia lúc 7 hay 8 tuổi, tôi bắt gặp người mẹ nuôi của tôi đang ngồi trang điểm. Tôi đứng đó và chăm chú nhìn. Trong một tâm trạng hưng phấn, bà đã ôm lấy tôi và thoa lên má tôi một chút phấn hồng. Tôi bổng cảm thấy hạnh phúc vì mình được yêu thương”.
Trong khung cảnh hôn nhân, những cử chỉ âu yếm đáp ứng những khát vọng sâu xa được yêu thương và góp phần nối kết những khoảng cách về tình cảm. Một cái ôm hôn thắm thiết có thể có ý nghĩa: “Anh chấp nhận em”. Một cái xiết tay thật chặt có thể nói lên rằng: “Anh rất vui được biết em”.
Một cái bắt tay có thể đem lại sự bảo đảm về tình cảm và một cái hôn nhẹ trên má có thể thay cho lời nói: “Hôm nay em đẹp lắm”. Sự vuốt ve trìu mến có thể biểu lộ những tình cảm mà lời nói không thể trình bày hết được. Cử chỉ trìu mến có thể là một cách bày tỏ tình yêu và sự quan tâm chăm sóc mà chắc chắn sẽ được đáp lại một cách tích cực. Với những cử chỉ âu yếm và tấm lòng mở rộng dành cho nhau, vợ chồng sẽ cảm thấy tự do thoải mái hơn để bước vào giai đoạn ân ái. Những lời nói yêu thương và cử chỉ âu yếm thường xuyên được bày tỏ sẽ giúp cho đời sống vợ chồng càng thêm hạnh phúc. Những cái hôn dịu dàng và vòng tay âu yếm sẽ khiến cả hai vợ chồng cảm thấy an ninh và được chấp nhận.
Khi giảng dạy về tầm quan trọng của tình cảm, tôi được các học viên cho biết rằng trong văn hóa Á châu người ta thường ít khi bày tỏ những cử chỉ âu yếm. Chúng ta nên gìn giữ những điều tốt trong nền văn hóa và truyền thống. Tuy nhiên đối với Cơ Đốc nhân thì điều quan trọng và có giá trị hơn hết, chính là các nguyên tắc của Kinh thánh. Vâng theo và thực hiện Lời của Chúa là điều quan trọng hơn văn hóa hay phong tục - nhất là khi những phong tục đó trái với Cơ Đốc giáo.
Kinh thánh có chép: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót…“ (Eph Ep 4:32). Từ ngữ “nhân từ” ở đây bao gồm ý nghĩa yêu thương, cảm thông, nhạy bén.
Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ những tình cảm đó ? Chính là qua các cử chỉ âu yếm, trìu mến. Trong vấn đề hôn nhân sự nhân từ, dịu dàng có nghĩa là cư xử một cách đầy yêu thương đối với người bạn đời của mình.
Chúa Giê-xu đã thường rờ chạm đến người ta khi chữa lành cho họ. Dĩ nhiên Ngài chỉ cần phán một lời thì người ta được chữa lành. Nhưng Ngài đã quyết định rờ chạm đến những người bệnh. Ngài đã bày tỏ lòng yêu thương và sự quan tâm đối với con người và qua đó “quyền năng chữa bệnh đã được thể hiện”. Chúa Giê-xu đã dùng những cử chỉ rất cụ thể như nhổ nước miếng rồi trộn với đất bùn để bôi lên mắt người mù. Khi người đó cảm thấy sự rờ chạm của Chúa Giê-xu trên mắt thì đức tin ông được vững chắc và ông đã được chữa lành.
Chúa Giê-xu cũng rờ chạm đến những người bị bệnh phung. Ngài cũng đã phán về các con trẻ rằng: “Đừng ngăn trở các con trẻ, hãy để chúng đến cùng ta”. Ngài đã vui lòng để người khác rờ chạm đến mình như trong trường hợp người phụ nữ đã lấy nước mắt rửa chân Ngài và lấy tóc mà lau. Những cử chỉ âu yếm có thể là một biểu hiện của tình yêu, sự quan tâm và thân mật. Cử chỉ yêu thương cũng có thể là một phương pháp điều trị rất tốt. Mặc dù đây là một điều quan trọng nhưng cũng là điều ít được chú ý đến, đặc biệt là ở những quốc gia mà nền văn hóa không tạo sự thoải mái để người ta bày tỏ tình cảm.
Tôi là con út trong một gia đình có 11 anh chị em. Chúng tôi sống trong bầu không khí rất yêu thương và được trưởng dưỡng trong tình thương đó. Bày tỏ tình cảm là một điều rất tự nhiên và dễ dàng đối với tôi. Tuy nhiên không phải chúng ta ai cũng có thói quen biểu lộ tình cảm như vậy. Khả năng biểu lộ tình cảm cần phải được nuôi dưỡng và phát triển một cách liên tục từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
Một người lớn lên trong hoàn cảnh thiếu tình thương vì lý do gia đình hoặc văn hóa có thể sẽ coi cách biểu lộ tình cảm như là điều bất thường hay kỳ lạ mà người đó cảm thấy không quen thuộc. Những người đó có thể cảm thấy bối rối, e ngại khi đón nhận một cử chỉ âu yếm. Họ cần 



phải học tập để có thể đón nhận và biểu lộ tình cảm.  
Tôi đã có dịp tiếp xúc với những người gặp khó khăn rất lớn trong vấn đề này. Một trường hợp vừa khôi hài vừa đáng buồn có liên quan đến một người phụ nữ đã đến gặp tôi và tâm sự rằng mối quan hệ vợ chồng của chị trở nên rất lạnh lùng.
Người phụ nữ này nói: “Tôi yêu nhà tôi và muốn đem nhà tôi đến với Chúa”. Tôi liền hỏi: “Chị có hay bày tỏ tình cảm đối với chồng chị không ?”.
“Tôi không làm được như điều bà trình bày trong khóa học đâu.”
Tôi suy nghĩ trong giây lát rồi đề nghị: “Chị hãy thử bày tỏ tình cảm nhiều hơn nữa xem, vì như thế sẽ có thể chinh phục linh hồn anh cho Chúa được đấy.”
Người phụ nữ trả lời: “Nhà tôi rất lạnh lùng”. Rồi với một ánh mắt rất kiên quyết chị ta nói tiếp: “Nhưng tôi nhất định sẽ cố gắng”.
Một buổi tối kia khi người chồng đang ngồi đọc báo, chị liền pha một ly cà phê đúng theo sở thích người chồng và đem đến đặt trên bàn cùng với một dĩa bánh rất ngon. Rồi chị đứng bên cạnh hơi ngập ngừng và thầm cầu nguyện. Thế rồi rụt rè như một em bé, chị đã bước lại gần và vuốt nhẹ trên mặt người chồng. Người chồng giật mình nhìn lên và hỏi: “Ủa, em làm gì thế ?”
Trong sự hốt hoảng và bối rối, chị cố gắng hết sức vượt qua tình huống này bằng cách tiến đến gần hơn, vừa vuốt nhẹ trên má người chồng vừa hát một bài hát thiếu nhi “Em dậy sớm rửa mặt đánh răng, rửa mặt đánh răng…”.
Tôi được nghe kể có một vợ chồng giáo sĩ phương tây đến cư ngụ chung với một gia đình ở Srilanka. Mỗi ngày hai vợ chồng người Srilanka vẫn thường thấy ông bà giáo sĩ ôm hôn nhau mỗi khi người chồng đi đến văn phòng hoặc lúc trở về nhà. Nghỉ rằng những cử chỉ âu yếm như vậy rất hay nên một ngày kia người chồng Srilanka từ sở về nhà đã ôm lấy người vợ và hôn. Người vợ giật mình xô người chồng ra và vừa khóc vừa nói: “Ôi, thật là một ngày nặng nề quá. Con cái thì đau ốm. Chó thì đi lạc. Nồi cơm thì bị khét. Rồi bây giờ anh lại còn say rượu nữa chớ !”
Thời kỳ chúng tôi mới cưới nhau, nhà tôi hơi có vẻ dè dặt. Lúc đó chúng tôi sống bên Ấn độ và có thuê một hai người làm. Buổi tối đầu tiên khi nhà tôi từ nhà thờ trở về, tôi bước ra cửa và đón tiếp nhà tôi với một vòng tay thật ấm áp. Nhà tôi cũng ôm choàng lấy tôi nhưng hơi e ngại và chỉ hôn vội một cái.
Tôi nghe nhà tôi nói nhỏ: “Này em, phải cẩn thận đấy”
Tôi ngạc nhiên: “Cẩn thận về chuyện gì ?”
“Đừng để mấy người làm nhìn thấy”.
Tôi đáp: “Nhưng em muốn một nụ hôn mà”.
Nhà tôi gật đầu: “Dĩ nhiên, nhưng ở trong phòng chứ đừng đứng ngoài cửa như thế này !”
Sau đó chúng tôi chuyển qua sống bên Úc châu và nhà tôi vẫn còn dè dặt. Nhà tôi thường nói: “Này, em đừng làm thế. Hàng xóm họ nhìn thấy đấy !”
Tôi nói: “Tốt thôi, họ cũng cần nhìn thấy điều đó chứ !”
Có thể có một số đàn ông hơi dè dặt và chậm chạp trong việc biểu lộ tình cảm. Nhưng tôi tin chắc rằng cũng giống như các con trẻ, phần lớn quý ông sẽ học tập để biết đáp ứng và thưởng thức những nụ hôn và vòng tay âu yếm.
Tình cảm cần phải được vun trồng. Những ngày mới quen nhau các đôi trai gái thường nhiệt tình biểu lộ tình cảm, nhưng khi đã cưới nhau rồi người ta ít biểu lộ tình cảm hơn. Sự biểu lộ tình cảm thường càng ngày càng giảm sút thay vì phải tăng lên.
Người phụ nữ khôn ngoan biết cách vun trồng tình cảm của mình đối với chồng, hầu có thể duy trì một hôn nhân hạnh phúc. Hình thức giao tiếp hiệu quả và bền vững nhất chính là các cử chỉ yêu thương. Qua đó chúng ta muốn thốt lên: “Anh rất yêu và quý trọng em”. Những cử chỉ như vậy luôn luôn có giá trị.
Một cử chỉ âu yếm đúng lúc còn có tác dụng hơn hàng trăm lời nói hùng biện.


“Một cử chỉ âu yếm dịu dàng có giá trị hơn ngàn lời nói văn hoa mỹ miều”. (Desmond Morris).





SUU TAM