Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Khởi Sự Như Thế Nào và Từ Ðâu?



"Quả thật ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ thì chẳng được vào thiên đàng đâu”. (Ma-thi-ơ 18: 3)

Chúng ta nhận ra rằng có một nguyên tắc tự nhiên kéo chúng ta xuống bình diện loài vật - làm đui mù lý trí, chai lì lương tâm và tê liệt ý chí. Ðó là sức kéo của dẫn lực thuộc linh. Chúng ta bị kết án bởi chính những hành động của mình. Ðức Chúa Trời là Ðức Chúa Trời thánh khiết và công chính, Ngài không thể dung thứ tội lỗi. Tội lỗi phân cách chúng ta với Ðức Chúa Trời, khiến cho cơn giận của Ðức Chúa Trời trút xuống linh hồn con người. Con ngưòi đã mất hết ý thức đạo đức, sự khôn sáng cũng như ý thức thuộc linh về Ðức Chúa Trời vì người đã mất Ðức Chúa Trời. Người sẽ không thể nào tìm được Ðức Chúa Trời cho đến khi tìm được con đuờng trở về với Ngài.


 Con đường trở về với Ðức Chúa Trời không phải con đuờng của lý trí, cũng không phải con đường luân lý. Bạn không thể nào nghĩ ra đường trở về với Ðức Chúa Trời vì lối suy nghĩ của con người không phù hợp với lối suy nghĩ của Ðức Chúa Trời và tâm trí trần tục luôn luôn chống nghịch Ngài. Bạn không thể dùng sự thờ phượng để trở lại với Ðức Chúa Trời vì con người là kẻ nổi loạn thuộc linh chống lại sự hiện diện của Ðức Chúa Trời. Bạn không thể nào dùng đạo đức trở lại với Ðức Chúa Trời vì tâm tính con người đã vấy bẩn vì tội lỗi.


 Con Ðường Trở Lại Với Ðức Chúa Trời


 Những câu hỏi tự nhiên sau đây đến với bạn - Tôi phải làm gì? Tôi sẽ khởi sự từ đâu? Tôi sẽ bắt đầu từ chỗ nào? Tôi phải đi đường nào để trở về với Ðức Chúa Trời? Chỉ có một con đường duy nhất trở lại với Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-xu dạy, “Nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì không được vào nước thiên đàng đâu” (Ma-thi-ơ 18: 3). Hiển nhiên Chúa Giê-xu không bảo trẻ con trở thành môn đệ, nhưng bảo môn đệ Chúa trở thành trẻ con. Do đức tin như trẻ thơ mỗi người có cơ hội từ những người có tâm trí yếu kém trở thành những bậc đại trí thức. Như vậy, Chúa đòi con người phải hoán cải và đây là chỗ khởi đầu. Bạn cần phải được hoán cải!



 Nhiều người lẫn lộn sự hoán cải hay qui đạo với việc tuân giữ các giới luật. Luật Môi-se được đưa ra với những điều kiện đặc biệt trong Kinh Thánh và mục đích của các giới luật này rất rõ ràng. Luật Môi-se không được đưa ra như một loại thuốc trị bá bệnh cho các bệnh tật trần gian, nhưng là để chẩn đoán, để chỉ ra nguyên nhân bệnh tật chứ không phải để cứu chữa. Kinh Thánh dạy, “Chúng ta biết rằng những điều luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Ðức Chúa Trời” (Rô-ma 3:19). Giới luật đã bày tỏ sự không công chính của con người và Kinh Thánh bảo rằng, “vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo giới luật mà sẽ được coi là công chính trước mặt Ngài” (Rô-ma 3:20). Con người không thể do tuân giữ giới luật mà được cải hoán vì Kinh Thánh dạy rằng, “vì giới luật cho người ta biết tội lỗi.” Giới luật giống như tấm gương đạo đức, là dụng cụ giúp con người thấy mình đã sa ngã đến đâu và như thế nào. Giới luật chỉ lên án chứ không thể cải hoán con người được. Giới luật thách thức nhưng không thể đem lại thay đổi, vạch trần tội lỗi mà không bày tỏ lòng thương xót. Trong giới luật không có sự sống mà chỉ có sự chết vì lời công bố của giới luật là, “Ngươi sẽ chết.” Giới luật chính là cây thước cứng ngắc để bên cạnh bản chất cong quẹo của con người.


 Nhiều người bảo rằng tôn giáo của họ là Bài Giảng Trên Núi, nhưng chưa hề có một con người nào sinh trên trần gian có thể sống đạt được tiêu chuẩn của Bài Giảng này. Kinh Thánh khẳng định rằng mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời.


 Trước khi cho rằng mình toàn hảo không chê trách được, không cần phải hoán cải, xin bạn hãy kiểm điểm lại mọi động cơ của đời sống mình. Xin hãy nhìn sâu vào lòng bạn một cách chân thành, không sợ hãi, trước khi bảo rằng người khác mới cần hoán cải, chứ bạn thì không.


 Câu Hỏi Chung


 Khi tôi giảng tại Hollywood, một nhóm người thuộc giới điện ảnh yêu cầu tôi nói về những kinh nghiệm tôn giáo. Sau phần trình bày, chúng tôi có giờ thảo luận và câu hỏi đầu tiên là, “Hoán cải là gì?” Ít lâu sau đó tôi cũng được hân hạnh trình bày trước một nhóm lãnh tụ chính trị ở Hoa Thịnh Ðốn. Lúc khởi sự phần thảo luận, một lần nữa, câu hỏi đầu tiên cũng là, “Hoán cải là gì?” Trong hầu hết những đại học tôi có dịp đến diễn giảng, trong giờ thảo luận, cùng câu hỏi trên vẫn thường được hỏi trong những hình thức khác nhau như, “Sinh lại hay tái sinh là gì?” Trong cuốn How To Be Born Again (Làm Sao Ðể Ðược Tái Sinh), tôi đã trình bày diễn tiến dó như sau:


 Sự sống mới này xảy ra trong nhiều cách thế khác nhau, qua một khoảng thời gian nhưng cũng có thể trong giây lát. Những con đường nhiều người sử dụng để đạt tới có thể là đường thẳng trực tiếp nhưng cũng có thể là đường vòng. Nhưng dù là đường nào đi nữa, chúng ta luôn luôn gặp Chúa Cứu Thế ở cuối đường. Chính giây phút gặp Chúa Cứu Thế cũng là lúc phát sinh sự sống mới, là khởi đầu hành trình của cuộc sống ở dưới sự tể trị của Ngài. Ðời sống có nhiều thay đổi, hôn nhân được cải thiện đầy hứng khởi, xã hội hưởng được nhiều ảnh hưởng tốt - tất cả chỉ do từng đợt sóng đơn sơ bao gồm những con người kinh nghiệm sự tái sinh.


 Trong nền kinh tế hôm nay chúng ta nghe về những loại xe cộ, máy móc được “tái sinh” hay tân trang, nhưng đó không phải ý nghĩa tái sinh tôi nói ở đây. Có lẽ cách đơn giản nhất để trình bày về sự tái sinh là bảo rằng tái sinh là sinh ra vào trong gia đình Ðức Chúa Trời. Có lẽ tái sinh là một trong những vấn nạn có nhiều cách trả lời khác nhau hơn hầu hết những vấn nạn khác liên quan đến tôn giáo. Như vậy, hoán cải là gì? Có những yếu tố nào liên hệ với sự hoán cải? Làm sao đạt được sự hoán cải? Hiệu quả của sự hoán cải là gì? Tại sao bạn cần phải được hoán cải để có thể vào thiên đàng?


 Khái niệm hoán cải thật ra không phải là một khái niệm mới lạ trong xã hội chúng ta. Bất cứ nhân viên chào hàng giỏi nào cũng biết rất rõ rằng anh ta phải thay đổi lối suy nghĩ về món hàng anh ta giới thiệu. Mục đích chính của việc quảng cáo là khiến cho giới tiêu thụ quyết định thay đổi mặt hàng. Chúng ta cũng nói đến các lãnh tụ chính trị thay đổi từ quan điểm này sang một quan điểm chính trị khác. Trong cuộc đại chiến thế giới vừa qua, chúng ta nghe nói rất nhiều đến việc chuyển đổi từ một nền kỹ nghệ thời bình sang nền kỹ nghệ thời chiến và hầu hết những lò dầu trong các tư gia đổi thành lò dùng than, và rồi gần đây lại đổi thành dùng hơi đốt. Chúng ta cũng bàn nhiều đến tỉ số hối đoái chuyển đổi tiền trong nước thành ngoại tệ.


 Thật ra từ hoán cải có nghĩa là “đổi lại,” hay “quay lại” “thay đổi ý kiến,” hay là “trở lại.” Trong phạm trù tôn giáo từ này đã được giải thích là “hối cải,” “tân sinh,” “nhận ân sủng,” “kinh nghiệm tôn giáo,” “được bảo đảm.”


 Tôi nhớ có một tay nghiện rượu đến trong mấy buổi nhóm đầu của một chiến dịch truyền giảng, anh ta nói với tôi, “Thưa Mục sư Graham, tôi không biết trong những gì ông giảng có lời nào là chân lý hay không, nhưng tôi muốn thử Chúa Cứu Thế Giê-xu của ông, chỉ cần Ngài có một phần quyền năng như những gì ông giảng, tôi sẽ trở lại đây ký thác cả đời tôi cho Ngài!”


 Vài tuần sau, nói với tôi, anh ta bảo không hiểu sao mỗi lần định uống rượu anh thấy như có cái gì hay một người nào giữ anh ta lại. Chúa Cứu Thế đã ban cho anh quyền năng đắc thắng một thói quen xấu xa ghê gớm. Anh đã trở lại với gia đình và bây giờ đang sống cho Chúa. Nói cách khác, người thanh niên này đã quay lại, đã đổi hướng, đã thay đổi cách suy nghĩ - anh ta đã đuợc hoán cải!


 Bản Chất Sự Hoán Cải


 Hoán cải có nhiều hình thức khác nhau. Nó xảy ra như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào từng cá nhân - cá tính, cảm xúc, môi trường sống, lối sống và những điều kiện sống trước đó. Sự hoán cải có thể xảy ra theo sau một biến cố lớn trong đời sống một người, hay cũng có thể xảy ra sau khi tất cả những giá trị trước đó trong đời sống bị quét sạch, sau khi có một kinh nghiệm lớn, khi do có nhiều tài sản mà mất ý thức về quyền lực, hay mất mục tiêu của lòng yêu mến. Khi một người dồn mọi quan tâm vào chuyện tiền bạc, vào những quyền lợi xã hội hoặc nghề nghiệp, vào tình cảm đối với một người, người đó sẽ kinh nghiệm ý thức về sự mất mát khi bị từ khước những điều đem lại ý nghĩa cho đời sống mình.


 Trong những giờ bi thảm đó, khi một người thấy mình bị mất hết mọi quyền lực trần gian, khi người thân yêu ra đi vĩnh viễn, người đó sẽ nhận ra tính cách kinh khủng và toàn diện của nỗi cô đơn mình phải đối diện thực sự như thế nào. Trong giây phút đó, Ðức Thánh Linh có thể làm cho những tấm màn che thuộc linh rơi khỏi mắt khiến cho người đó thấy rõ lần đầu tiên trong đời. Người đó nhận ra rằng Ðức Chúa Trời là nguồn năng lực duy nhất và là nguồn suối yêu thương, thông cảm bền vững duy nhất.



 Hay sự hoán cải cũng có thể xảy ra ngay cao điểm của thịnh vượng và quyền lực cá nhân, nghĩa là khi mọi chuyện tốt đẹp và những sự thương xót dồi dào của Chúa tuôn đổ trên đời sống. Tất cả những phước lành của Chúa khiến cho bạn nhận ra rằng tất cả những gì mình đang có là do Chúa ban, và chính đó là điều đưa bạn đến chỗ ăn năn quay lại với Ngài (Rô-ma 2:4). Sự hoán cải trong những giờ phút như thế có thể bất ngờ và mạnh mẽ như sự hoán cải của Phao-lô trên đường đi Ða-mách.


 Nhưng không phải tất cả mọi sự hoán cải đều đến bất ngờ như một luồng ánh sáng lóe soi trong linh hồn như vậy, mà chúng ta gọi là “hoán cải cấp tính”. Có nhiều trường hợp sự hoán cải xảy ra sau một cuộc tranh chiến khó khăn, lâu dài với những động cơ sâu kín bên trong. Với một số người khác, sự hoán cải đến như một cao điểm sau một thời gian dài được thôi thúc, cảnh tỉnh về nhu cầu cũng như về sự mạc khải của chương trình cứu rỗi. Tiến trình lâu dài này đưa đến kết quả là người đó chấp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng Cứu Chuộc chính mình và bằng lòng giao phó cuộc đời mình cho Ngài.


 Trong tập tự truyện thuộc linh, C.S. Lewis mô tả kinh nghiệm hoán cải của ông như sau:


 Bạn phải muờng tượng ra cái cảnh tôi một mình trong đại học Magdalen, suốt đêm này sang đêm khác, nghĩa là bất cứ giây phút nào không nghĩ đến công việc, là tôi lại cảm thấy ngay cái bước tiến lại gần vững chắc, cương quyết của một Ðấng tôi rất không muốn gặp. Chính điều tôi sợ nhất đó cuối cùng đã xảy ra. Vào khóa mùa Xuân năm 1929 tôi chịu thua, công nhận rằng Ðức Chúa Trời thật quả là Ðức Chúa Trời và quỳ xuống cầu nguyện: có lẽ tối hôm đó tôi là kẻ hoán cải bi đát và do dự nhất nước Anh. Lúc đó tôi không thấy được những điều bây giờ tôi cho là hiển nhiên và tươi sáng nhất; lòng khiêm hạ của Ðức Chúa Trời đã chấp nhận một kẻ hoán cải trong những điều kiện đó. Ðứa con hoang đàng ít ra cũng đã tự đưa buớc trở về. Nhưng đàng này làm sao có thể thán phục một Tình Yêu sẵn sàng mở rộng cửa cho đứa con hoang đàng trở về mà khi được dẫn vào nó lại tỏ thái độ bực bội, vùng vẫy, đạp đá, mắt ngó dáo dác tìm dịp chạy trốn? Từø ngữ “ép mời vào nhà” đã bị những con người gian ác chúng ta kinh tởm lạm dụng, nhưng khi hiểu thật đúng, đóchính là phương tiện để biểu minh chiều sâu lòng thương xót của Ðức Chúa Trời. Khía cạnh cứng cỏi của Ðức Chúa Trời hiền từ hơn cái êm ái của con người, sự ép buộc của Ngài lại là sự giải phóng của chúng ta.


 Như vậy chúng ta có thể bảo rằng sự hoán cải là một biến cố tức thời, một biến động qua đó một người nhận được sự mạc khải rõ ràng về tình yêu của Ðức Chúa Trời; hay sự hoán cải cũng có thể là một sự khai mở tiệm tiến đi kèm với cao điểm là lúc tiến đến giao điểm giữa sáng và tối. Giữa cái chết và sự sống vĩnh hằng.


 Sự hoán cải cũng không luôn luôn xảy ra đúng như vậy. Thí dụ như nhà tôi đã không nhớ chính xác ngày giờ bà trở thành Cơ-đốc nhân, nhưng bà biết chắc rằng có giây phút đó trong đời, giây phút bà thực sự vượt lằn ranh. Nhiều thanh thiếu niên lớn lên trong những gia đình tín hữu, được trưởng dưỡng trong Cơ-đốc giáo thường không ý thức thời điểm chính xác mình ký thác đời mình cho Chúa Cứu Thế. Có người bảo rằng chúng ta không biết thời điểm chính xác mặt trời mọc, nhưng một khi nó đã mọc, chúng ta biết chắc. Có những người khác lại biết rõ lúc mình công khai tuyên xưng đức tin. Hầu hết các trường hợp hoán cải ký thuật trong Tân Ước đều có tính cách của một biến động rất rõ ràng.


 Quả thật ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ thì chẳng được vào thiên đàng đâu” _ Ma-thi-ơ 18: 3


 Quan Điểm Của Tâm Lý Học Đối Với Sự Hoán Cải
 

 Trong nhiều năm ngành tâm lý học không đả động gì đến sự hoán cải và các kinh nghiệm tôn giáo, tuy nhiên trong hơn năm mươi năm qua, các nhà tâm lý đã khởi sự nghiên cứu toàn thể tiến trình hoán cải. Họ nêu lên rằng hoán cải không chỉ là kinh nghiệm riêng của Cơ-đốc nhân, nhưng cũng có trong những tôn giáo khác. Hơn thế nữa, đó không nhất thiết là một hiện tượng tôn giáo nhưng cũng xảy ra ở những lãnh vực ngoài tôn giáo nữa. Các sinh viên ngành tâm lý đều đồng ý rằng có ba bước trong sự hoán cải: Trước hết là ý thức bối rối, và khó chịu; thứ hai, là cao điểm và quyết định đổi hướng; cuối cùng là giai đoạn dãn xả thể hiện bằng sự vui mừng và nghỉ ngơi.





 Trong một bài viết nhan đề, Tại Sao Cảm Thấy Buồn Lại Là Điều Tốt (Why It’s Good To Feel So Bad) được đăng trong báo The New York Times số ngày 29 tháng 11, 1983) tác giả nêu lên rằng “Ý thức đau khổ vì không đạt được tiêu chuẩn của chính mình hay còn gọi là mặc cảm mắc tội, chính là người giám hộ cho tính thiện hảo trong chúng ta. Nó cần cho sự phát triển lương tâm trong trẻ con và để tránh tác phong chống xã hội.” Bài báo đó cũng giải thích tiếp, “Trẻ thơ có tác phong tốt phần lớn là do cha mẹ đã dạy con biết sợ hình phạt khi phạm lỗi. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, cái “bản ngã lý tưởng” của nó - trong hình ảnh người cha - được khắc sâu vào tâm khảm, trở thành mẫu mực cho tác phong đúng đắn ...và đến khi trưởng thành, con người sẽ tự trừng phạt mình mỗi khi sống bội phản với mẫu mực đó. Tiến sĩ Gaylin thấy sự kiện thiếu các gương mẫu về hình ảnh người cha ở trên đã là nguyên nhân cho sự gia tăng thái độ chai lì, nổi loạn chống xã hội trong giới trẻ ngày nay.” Chính cảm xúc mắc tội đã tạo ra lòng khao khát đối với một điều tốt hơn chỉ có thể thấy trong mối tương giao tốt đẹp với Chúa Cứu Thế.


 Các nhà tâm lý học bảo rằng có hai loại hoán cải. Một loại kèm theo ý thức mãnh liệt về tội lỗi, loại kia đi kèm với cảm xúc của tình trạng không hoàn tất, một cuộc vật lộn tìm kiếm cuộc đời rộng rãi hơn và mong ước được sự soi sáng tâm linh.


 Giá trị của các nghiên cứu tâm lý về sự hoán cải đã bị đánh giá quá thấp. Chúng ta không thể dẹp những nghiên cứu này sang một bên hay coi như không có. Các tâm lý gia đã rọi khá nhiều ánh sáng vào vấn đề, tuy nhiên hầu hết không sẵn sàng chấp nhận rằng sự hoán cải theo nghĩa của Kinh Thánh là một kinh nghiệm siêu nhiên.


 Thật ra sự hoán cải theo Kinh Thánh bao gồm ba bước - hai bước tích cực và một bước tiêu cực. Trong khía cạnh tích cực, hoán cải liên quan đến sự ăn năn và đức tin. Ăn năn là hoán cải nhìn từ khởi điểm, từ chỗ lìa bỏ cuộc đời cũ. Đức tin chỉ thị khía cạnh khách quan của sự hoán cải, là quay trở về với Đức Chúa Trời. Bước thứ ba có tính cách thụ động, chúng ta gọi là sự tân sinh hay tái sinh, là sinh ra lần thứ hai, sinh vào gia đình Đức Chúa Trời.


 Chúa Giê-xu dạy rằng để vào thiên đàng bạn phải được hoán cải. Đây không phải là điều tôi đặt ra nhưng đây là điều chính Chúa Giê-xu nói. Đây không phải là ý kiến của con người nhưng là quan điểm của Đức Chúa Trời! Chúa Giê-xu phán rằng, “Nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ thì không được vào nước thiên đàng” (Ma-thi-ơ 18:3).


 Sự hoán cải thật phải bao gồm trí óc, tình cảm và ý chí. Có hàng ngàn người đã hoán cải, đến với Chúa Cứu Thế về phương diện lý trí, họ tin toàn thể Kinh Thánh, họ tin nhiều điều về Chúa Giê-xu nhưng chưa bao giờ thực sự hoán cải để đến với Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta biết ma quỉ cũng “tin” theo cách đó và “run sợ” (Gia-cơ 2:19).


 Khác Biệt Giữa Niềm Tin Của Lý Trí Và Sự Hoán Cải

 
Trong Phúc Âm Giăng có một chỗ mô tả về hàng trăm người theo Chúa Giê-xu trong thời gian Chúa khởi đầu sứ mạng, “có nhiều người thấy phép lạ Ngài làm thì tin danh Ngài. Nhưng Đức Chúa Giê-xu không phó thác mình cho họ, vì Ngài nhận biết mọi người và không cần ai làm chứng về người nào, bởi Ngài tự hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta” (Giăng 2:23-25). Tại sao Chúa Giê-xu không phó thác Ngài cho họ? Chúa biết họ chỉ tin Ngài bằng lý trí chứ không nhận Ngài bằng tấm lòng.



 Có một khác biệt lớn lao giữa niềm tin của lý trí và sự hoán cải toàn diện cứu được linh hồn. Để chắc chắn cần phải có một thay đổi trong suy nghĩ của chúng ta và sự chấp nhận Chúa Cứu Thế về phương diện lý trí.


 Có hàng ngàn người từng kinh nghiệm một hình thức xúc cảm nào đó mà họ coi là sự hoán cải, nhưng lại là những người chưa từng thực sự quay trở lại với Chúa Cứu Thế. Chúa đòi hỏi bạn phải thay đổi lối sống, và nếu đời sống bạn không chuyển đổi theo kinh nghiệm kia thì bạn có đầy đủ lý do để nghi ngờ kinh nghiệm đó. Chắc chắn cũng sẽ có sự thay đổi trong những yếu tố cấu thành xúc cảm khi bạn đến với Chúa Cứu Thế như ghét và yêu chẳng hạn. Bạn sẽ ghét tội lỗi và yêu mến sự công chính. Tình thương của bạn sẽ trải qua những đổi thay quan trọng. Lòng tận hiến cho Chúa sẽ không còn biên cương và tình yêu của bạn dành cho Chúa không thể mô tả được.


 Nhưng dù bạn đã chấp nhận Chúa về phương diện lý trí và về phương diện xúc cảm đã có kinh nghiệm với Chúa, nhưng như vậy vẫn chưa đủ, còn cần phải có sự hoán cải của ý chí! Cần phải có quyết tâm đi theo và vâng lời Chúa Cứu Thế. Bạn sẽ phải thuận theo ý chỉ Đức Chúa Trời và bản ngã phải được đóng đinh vào thập tự giá. Nhiều người trong chúng ta có thể cũng suy nghĩ như một thiếu nữ đã viết cho chúng tôi rằng cô không thấy việc “treo bản ngã lên thập tự giá là chuyện dễ.” Thật ra chưa một người nào trong chúng ta có thể làm được việc đó, tuy nhiên mong ước chính của chúng ta là làm vui lòng Chúa. Đây là một sự ký thác toàn diện.


 Trong sự hoán cải, khi bạn đứng dưới chân thập tự giá, Đức Thánh Linh sẽ khiến bạn nhận ra mình là một tội nhân . Ngài sẽ hướng đức tin bạn về Chúa Cứu Thế là Đấng chết thế chỗ cho bạn. Bạn phải mở lòng ra để Ngài bước vào và ngay chính giây phút đó Đức Thánh Linh thi hành một phép lạ gọi là sự tân sinh. Bạn thực sự trở thành một tạo vật mới và đó chính là lúc bản chất thiêng liêng mới được trồng trong bạn. Bạn trở thành người được dự phần trong chính sự sống của Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế Giê-xu qua Đức Thánh Linh sẽ ngự vào lòng bạn.


 Sự hoán cải đơn giản đến độ một em bé cũng có thể được hoán cải, nhưng cũng sâu sắc đến độ các thần học gia suốt qua bao nhiêu thế kỷ đã phải cố công suy tìm ý nghĩa thâm sâu trong đó. Đức Chúa Trời đã làm cho con đường cứu rỗi rõ ràng đến độ “ai đi trên đường đó, dầu khờ dại cũng không lầm lạc” (Ê-sai 35:8). Không một người nào bị ngăn cấm vào nước Trời chỉ vì thiếu khả năng hiểu biết. Người giàu cũng như người nghèo, người đơn sơ cũng như người sâu sắc, tất cả đều có thể được hoán cải.


 Tóm lại, nói một cách đơn giản, hoán cải là “thay đổi.” Khi một người được hoán cải, người đó có thể vẫn yêu thích những vật anh ta thích trước đây, nhưng sẽ có những thay đổi trong lý do yêu thích. Có thể anh cũng sẽ không đến với những người bạn cũ nữa không phải vì anh không thích họ, vì trong số đó có nhiều người đơn sơ “Quả thật ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ thì chẳng được vào thiên đàng đâu” (Ma-thi-ơ 18: 3) nhưng vì có sức thu hút mạnh mẽ hơn trong cộng đồng Cơ-đốc gồm những người có đồng tâm chí.



 Người được hoán cải sẽ yêu mến điều thiện lành trước đây anh từng ghét và ghét tội lỗi trước đây anh từng yêu thích. Tấm lòng đối với Đức Chúa Trời cũng thay đổi. Ở những chỗ trước đây anh không quan tâm gì đến Đức Chúa Trời, luôn luôn sống trong lo âu, sợ hãi và chống nghịch Đức Chúa Trời thì bây giờ anh thấy mình sống trong tâm trạng hoàn toàn ký thác, tin cậy, tôn kính và vâng lời Ngài. Trong lòng anh sẽ xuất hiện lòng kính sợ Đức Chúa Trời, thái độ luôn luôn biết ơn Chúa, tùy thuộc Chúa và lòng trung thành mới đối với Ngài. Trước khi hoán cải có thể là cuộc sống chiều theo xác thịt, chỉ biết theo đuổi các mục tiêu văn hóa, học thức hay tìm kiếm sự giàu sang, coi đó là những ưu tiên hàng đầu. Bây giờ thì tấm lòng công chính và thánh khiết, và việc sống đời Cơ-đốc được đặt lên trên tất cả mọi mối quan tâm khác, vì bây giờ, mục tiêu quan trọng nhất trong đời là làm vui lòng Chúa Cứu Thế. Nói cách khác, hoán cải là sự thay đổi toàn diện trong đời sống của một cá nhân.


 Một Trường Hợp Hoán Cải 


 Tôi nhớ rất rõ về một thiếu nữ trẻ làm việc tại Nữu Ước đến thành phố Los Angeles để chuẩn bị lập gia đình. Cô và vị hôn phu gặp nhau trong thời gian cùng làm việc chung trong một công ty quảng cáo lớn tại Nữu Ước. Giai đoạn tiền hôn nhân của họ diễn tiến trong bối cảnh của những buổi dạ vũ vui chơi trong các hộp đêm. Hôn phu của cô là một người đầy tham vọng với “nghề nghiệp đang lên”, anh đã xin chuyển sang làm tại một văn phòng ở Los Angeles, biết rằng trong vòng sáu tháng cô cũng sẽ thu xếp sang đây và rồi họ sẽ thành hôn.


 Khoảng một tuần sau khi đến Los Angeles, mong sẽ chuẩn bị khởi đầu một cuộc sống vui sướng thì cô khám phá ra rằng hôn phu của cô đã yêu một diễn viên màn bạc nhưng lại không đủ can đảm viết thư trước khi cô rời Nữu Ước!


 Bây giờ cô đang ở đây, cô đơn trong một thành phố không có ai quen biết. Tất cả mọi chương trình của cô gãy đổ, lòng kiêu hãnh bị chà nát, tương lai trải dài trước mặt trống rỗng, vô vọng. Cô xuất thân trong một gia đình không tin đạo nên trong giờ cực kỳ khủng hoảng này cô không biết một chỗ nào để tìm sự an ủi, khuyên lơn, hướng dẫn.


 Trong khi cô lang thang trên những con đường không quen, cố vượt qua cú sốc và tâm trạng bị sỉ nhục, cô đi qua “lều giáo đường” là một khu nhà rạp chúng tôi dựng lên để tổ chức chiến dịch truyền giảng tin lành năm 1949. Cô bảo rằng không hiểu có điều gì đã thôi thúc trong lòng, nhưng cô cứ vào, ngồi ủ dột suốt buổi. Tối kế tiếp cô lại đến và cứ thế suốt một tuần. Dù cô bị cả một đám mây cay đắng, khổ sở bao phủ, Đức Chúa Trời đã khiến cho cô nghe được lời Ngài, cô đã bước lên phía trước thổ lộ nhu cầu cần được cứu rỗi.


 Khi gánh nặng mặc cảm mắc tội và bị phụ bạc được cất khỏi lòng cô do đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, cô nhận ra rằng tình yêu cô vừa bị mất thật ra chỉ là bậc thềm đưa cô vào một tình thương lớn lao, phong phú hơn rất nhiều. Mặc cảm hổ thẹn ngăn cản cô trở lại với công việc cũ ở Nữu Ước biến mất, và cuộc sống thay vì mất hết ý nghĩa thì lúc trở về, cô lại thấy nó đầy trọn hơn rất nhiều. Thay vì phung phí tâm trí và khả năng tổ chức vào những cuộc họp mặt vui chơi bất tận, cô trở nên vô cùng tích cực trong bước đường theo Chúa và phục vụ người khác.


 Trí tưởng tượng trước đây cô dùng “giúp vui” cho đám đông trong sở làm thì bây giờ được cô tận dụng để làm các chuyện tích Kinh Thánh trở nên sống động đối với giới trẻ. Khả năng chuyên môn của cô trong lãnh vực gây quĩ bây giờ được dùng cho sự phục vụ Chúa, và vị mục sư của cô bảo rằng những ý kiến cô đóng góp rất có giá trị trong việc gia tăng số người tham dự các lễ thờ phượng Chúa. Thay vì bị từ chối, hất hủi, bây giờ cô là người được các con cái Chúa trong hội thánh tìm đến nhiều hơn hết. Nhưng điều quan trọng hơn cả là ý thức cô đơn trong cô đã biến mất vì cô biết rằng từ bây giờ Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ ở luôn bên cạnh, sẵn sàng ủi an, nâng đỡ và bảo vệ cô.


 Tất cả những điều này là kết quả của sự hoán cải - nghĩa là quay lưng lại với con đường trần gian hoang vu, trống vắng, để đến với Chúa và Cứu Chúa của cô là Chúa Cứu Thế Giê-xu! Cô đã tìm được sự bình an với Chúa.